GS.TS Vũ Thị Thu Hà - "Phù thủy" chất xúc tác

GS.TS Vũ Thị Thu Hà - "Phù thủy" chất xúc tác

Bộ phụ gia đa năng thế hệ mới ECOAL và FNT6VN do GS.TS Vũ Thị Thu Hà - phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc hóa dầu ((Keylab PRT) chế tạo hứa hẹn sẽ tạo ra một bước đột phá mới trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch dạng lỏng, rắn và khí của Việt Nam bởi khả năng tiết kiệm nhiên liệu, giảm khói thải mà chưa sản phẩm phụ gia nào trước đó đạt được.

GS.TS Vũ Thị Thu Hà - phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc hóa dầu. Ảnh: Khánh Long/ Báo ảnh Việt Nam

Câu chuyện của những “chất xúc tác”

Câu chuyện Nhà máy Xi măng Tân Thắng nhờ sử dụng phụ gia ECOAL đã tiết giảm được chi phí nhiên liệu xấp xỉ 170 tỷ đồng/năm đang trở thành tâm điểm chú ý của ngành xi măng Việt Nam. Nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật của các nhà máy xi măng trên cả nước đã đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm sử dụng chất phụ gia trên dây truyền sản xuất của nhà máy. 

Kết quả ứng dụng một nghiên cứu khoa học vào doanh nghiệp là điều đáng quan tâm nhất, tuy nhiên, điều mà GS Hà quan tâm không kém đó là hành trình để có được kết quả đó. Bởi trong hành trình này có những “chất xúc tác” đóng vai trò quyết định sự “đơm hoa kết trái” của một nghiên cứu khoa học trên thị trường.

Theo GS Hà, chất xúc tác đầu tiên đó chính là sự hợp tác của bà và đội ngũ cộng sự của dự án nghiên cứu phụ gia ECOAL với Công ty Cổ phần Xi măng Tân Thắng – một doanh nghiệp với đội ngũ lãnh đạo có tinh thần tiên phong, thích đổi mới, dám chấp nhận mạo hiểm. Với “chất xúc tác” này, GS Hà cùng các cộng sự đã có cơ hội để đưa sản phẩm nghiên cứu từ phòng thí nghiệm tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất của một doanh nghiệp tư nhân.


GS Vũ Thị Thu Hà là chủ nhân của một ngân hàng công nghệ với gần 40 bằng sáng chế do Việt Nam và Mỹ cấp. Bà đồng thời cũng là 1 trong những nhà khoa học nữ trẻ nhất dành giải thưởng Kovalevskaia năm 2011.

GS Hà cho biết nhà khoa học chỉ biết tính năng, cơ chế hoạt động của sản phẩm nghiên cứu, còn người vận hành nhà máy mới biết như thế nào để đem lại hiệu quả tốt nhất. Bởi vậy, bà cùng các cộng sự đã may mắn có được “chất xúc tác” thứ hai, đó là gặp được những kỹ sư vận hành nhà máy mà được bà đánh giá: “họ, đích thực là những người vận hành công nghệ rất tuyệt vời, trình độ cao và có sự nhạy cảm nghề nghiệp đặc biệt”.

Nhớ lại những lần đi thử nghiệm dưới Nhà máy Xi măng Tân Thắng, GS Hà cho biết mặc dù kết quả nhận được đều thất bại sau 3 ngày ứng dụng, nhưng những kỹ sư vận hành vẫn nhận thấy có “xu hướng tốt trong kết quả xấu”. Bởi vậy, thay vì dừng lại, họ quyết định thử tiếp. Và đến ngày thứ 4, thứ 5, thì bất ngờ đã xảy ra và đạt được kết quả ngoài mong đợi. Sau đó, những kỹ sư này tiếp tục cải tiến cho đến khi đạt được kết quả như hiện tại.


Nhà khoa học dấn thân từ phòng thí nghiệm đến thị trường

Cho đến thời điểm này, Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc hóa dầu trực thuộc Bộ Công Thương là 1 trong 17 phòng thí nghiệm trọng điểm của cả nước. Keylab PRT đã đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, có trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, đã tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, tiếp cận được trình độ các nước trong khu vực và quốc tế. Thành tích này có sự đóng góp không nhỏ của cá nhân GS Hà.

Theo GS Hà, bằng sáng chế ở thị trường Việt Nam chưa trực tiếp làm ra được tiền. Hiểu rõ đặc điểm đó, nên có những sản phẩm mà GS Hà cùng các cộng sự tại Keylab biết chắc sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội, thì sẽ chọn cách làm ra sản phẩm hoàn chỉnh, đủ pháp lý để lưu hành trên thị trường.


Những cộng sự trong Keylab đã quen với việc GS Hà ký giấy vay nợ (cá nhân) hay cầm cố tài sản để có tài chính theo đuổi một sản phẩm khoa học do chính Keylab nghiên cứu. Đây là “bản sắc” của GS Hà - một nhà khoa học có trách nhiệm, có niềm say mê, sự hy sinh thầm lặng, chấp nhận mạo hiểm và chọn cách đi đến cùng với sản phẩm nghiên cứu của mình.

Theo GS Hà, ngành xúc tác là trái tim của quá trình công nghiệp. Với những sản phẩm theo tính chất bắt kịp xu hướng thế giới, và nghiên cứu mới thì Keylab mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu cơ bản. Còn những sản phẩm đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của Việt Nam, có tính độc đáo, đổi mới sáng tạo thì GS Hà khẳng định “sẽ đi đến cùng bằng cách này hoặc cách khác” để làm ra được sản phẩm đưa ra thị trường./.

Quan điểm của GS Hà về nữ giới làm khoa học cũng rất đặc biệt. Trong công việc, bà chưa bao giờ nghĩ mình là nữ hay nam, mà chỉ quan tâm công việc đó mình có làm tốt, có đắm đuối và say mê với nó hay không. “Chỉ trừ khi sức yếu của một người phụ nữ không nhấc được một vật nặng nào đó phải nhờ đến nam giới làm thì lúc đó mới nghĩ mình là phụ nữ,” GS Hà  chia sẻ.

 

Bài: Thảo Vy; Ảnh: Khánh Long/ Báo ảnh Việt Nam

 


Top