Ẩm thực

Lẩu Thả của ngư dân Mũi Né

Một món ngon luôn chứa đựng những giá trị văn hóa và càng dễ được người ta nhớ đến hơn khi gắn liền với một vùng đất. Lẩu Thả của ngư dân Mũi Né là một món ăn như thế, hàng chục năm qua, khi Mũi Né trở thành vùng đất du lịch nổi tiếng thì Lẩu Thả truyền thống mặc nhiên là “món quà quê” dùng để đãi du khách phương xa.
Lẩu Thả lấy một động từ thuần Việt để làm danh từ cho tên gọi và cũng là tính từ để chỉ tính chất dân dã của món ăn. Thả vào nồi lẩu những thứ ăn được mà bổ dưỡng, tự nhiên của một miền biển. Lẩu Thả cứ thế đi vào cuộc sống của ngư dân Mũi Né để khi nó bước vào thực đơn và lên bàn ăn đãi khách thì món ăn này cũng trở nên tinh tế không kém bất kỳ món ăn ngon nào khác.

Đặc sản Lẩu Thả của ngư dân Mũi Né có thể dùng nhiều loại cá làm thành phần chủ đạo như cá đục, cá suốt nhưng ngon hơn cả vẫn lá cá mai, loài cá có nhiều ở vùng biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Cá mai mỏng manh, trắng tươi như cái tên “mảnh mai” của nó. Chọn cá mai tươi thường vào mỗi sớm mai, khi ngư dân vừa đi biển về, còn đang gỡ lưới có thể gỡ những con cá mai còn đang nhảy tanh tách, lóng lánh ánh bạc trong nắng sớm. Mang về cắt hai bên thân cá, chần qua nước sôi và rửa bằng nước chanh trước khi ướp với ớt, tỏi giã nhuyễn cùng nước gừng già.


Cá mai dùng trong Lẩu Thả là loài cá có nhiều ở vùng biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.


Thịt ba chỉ thái sợi.


Trứng chiên thái sợi.


Rau sống, bắp chuối thái sợi.


Bún gạo dùng ăn kèm Lẩu Thả.


Bánh đa mè.


Cho từng thành phần vào tô.


Chan nước chấm.


Nước dùng Lẩu Thả có màu đỏ đặc trưng.

Trên một chiếc mẹt tre lá chuối xanh non được rải lên, mỗi bắp chuối đỏ xếp thành cánh hoa là đồ đựng mỗi thành phần trứng, dưa leo, rau chuối, thịt ba chỉ, xoài ương... thái chỉ, ở giữa “nhụy hoa” là đĩa cá mai trắng ngần điểm thêm những chấm đỏ tươi của trái ớt, trông thật đẹp mắt và hấp dẫn. Một chiếc nồi đất còn bốc khói thơm lừng trên bếp lò được dọn ra, réo gọi vị giác của thực khách đang chờ được thưởng thức món đặc sản của ngư dân miền biển. Nước dùng ăn Lẩu Thả được làm từ cà chua, tôm thái hạt lựu xào cùng với hành tây trước khi cho nước vào đun lên, thường 1,5 lít nước dùng cho 4 người ăn.

Thưởng thức Lẩu Thả dùng kèm với bún gạo và không thể thiếu nước chấm được chế từ 
đặc sản địa phương là nước mắm cá cơm nguyên chất Phan Thiết, pha với tỏi, me khô, ớt và đậu phộng rang xay nhuyễn. Thực khách có thể cảm nhận được vị thơm, béo của đậu phộng lẫn vị tươi ngon của cá mai, các loại rau củ, cùng vị đậm đà của nước mắm cá cơm nguyên chất. Chan thêm nước dùng của Lẩu Thả, thực khách lại cảm nhận thêm vị chua thanh của cà chua quyện trong vị thơm ngọt của hải sản, thêm chút hương biển mằn mặn thổi qua những tán dừa xào xạc, thật là một trải nghiệm ẩm thực khó quên.


Thành phần khi dùng Lẩu Thả được thái sợi...



...và có màu sắc đẹp mắt.


Thành phần ăn Lẩu Thả được trang trí hình bông hoa nhiều màu sắc trên bẹ chuối trông rất hấp dẫn.


Món Lẩu Thả có hương vị hấp dẫn, độc đáo. 

Anh Văn Quý Sơn, đầu bếp Seahorse Resort&Spa (Mũi Né - Phan Thiết) chia sẻ, cách trang trí cũng như các vị trong món Lẩu Thả còn bắt nguồn từ triết lý ngũ hành với kim, mộc, thủy, hỏa, thổ ứng với 5 màu sắc trên món ăn là trắng, xanh, đen, đỏ, vàng cùng ngũ vị gồm cay, chua, mặn, đắng, ngọt. Ở đây, Lẩu Thả không chỉ là một món ăn địa phương độc đáo, giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe mà còn hàm chứa cả một triết lý nhân sinh mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa ẩm thực Việt Nam./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt

     Đến Hà Nội thưởng thức món phở chay

Đến Hà Nội thưởng thức món phở chay

Khi đến với Hà Nội du khách thường tìm món phở bò truyền thống với mùi hương thơm của quế hồi, vị đậm đà của nước phở, thớ thịt bò dai mềm cùng bánh phở thái mỏng. Nay đến với thủ đô những thực khách có sở thích ăn chay sẽ được thưởng thức món phở theo cách riêng của mình đó chính là món phở chay.

Top