Nghệ thuật

Hình tượng gà trong thư pháp Việt

Gà là vật nuôi gần gũi, thân thuộc với người Việt nên loài vật cần mẫn này không những được nhân cách hóa trong văn hóa dân gian mà còn trở thành một hình tượng độc đáo trong nghệ thuật thư pháp Việt.
Theo “ông đồ” trẻ Nguyễn Hiếu Tín, Trưởng Bộ môn Việt Nam học - Trường Đại học Tôn Đức Thắng, hình tượng gà thể hiện trong thư pháp Việt là phương pháp họa tự, tức là vẽ chữ. Họa tự khác với viết thư pháp là đòi hỏi “ông đồ” phải có ý tưởng sẵn có, rồi phác thảo ra giấy. Ký tự mang hình tượng gà sau khi được vẽ lại từ bản phác thảo thể hiện sáng tạo riêng của mỗi người.

“Ông đồ” trẻ Dương Minh Hoàng họa hình hình tượng gà.


Hình tượng gà trên những tác phẩm thư pháp Việt vì thế lúc thì nhẹ nhàng, uyển chuyển,
lúc thì mạnh mẽ, oai phong qua nét bút mềm mại mà điêu luyện của các “ông đồ” trẻ.

Là một trong 12 con giáp, nhân năm mới Đinh Dậu, hình tượng gà trong văn hóa truyền thống Việt Nam đã được truyền tải qua nghệ thuật thư pháp Việt dưới nét bút tài hoa của các “ông đồ” trẻ. Hình tượng gà thể hiện chủ yếu là gà trống, gắn với “Ngũ đức” là 5 đức tính cao quý của bậc quân tử mà con người đã dành cho con vật thân thiết của mình: Văn, Vũ, Dũng, Nhân và Tín.

Văn thể hiện ở chiếc mào ở trên đầu, còn gọi là “mão”, như chiếc mũ, cùng với cái đầu lắc lư, chiếc mào đỏ rung theo nhịp giống như một “quan văn” với dáng vẻ trí thức. Vũ thể hiện ở bộ lông đa sắc, mỗi lúc đập cánh bay lên như những điệu múa, hay uy thế của một chú gà khỏe mạnh, tràn đầy sức sống. Dũng thể hiện ở phần chân - cựa, sự mạnh mẽ trong chiến đấu. Tìm được thức ăn gọi đàn đến ăn ấy là Nhân: khi gặp nơi có thức ăn, gà trống thường kêu lên để cả đàn cùng tới ăn chung với nhau. Tín thể hiện đặc tính gáy vào buổi sáng của gà, cứ đúng một canh giờ (1 canh = 2 tiếng), mỗi chú gà lại thay phiên gáy để báo giờ, là chiếc đồng hồ chính xác kiêm luôn việc báo thức, giúp người nông dân ra đồng đúng giờ.

Theo “ông đồ” trẻ Dương Minh Hoàng, chữ Việt được tạo thành từ các ký tự latinh, mà ký tự latinh được coi là ký tự thông minh nên việc tạo hình cho các ký tự này là khá dễ dàng, cũng như việc tạo hình cho chữ Việt cũng có thể biến tấu thành rất nhiều kiểu cách, hình dạng khác nhau.

Trong mỗi tác phẩm thư pháp có hình tượng gà luôn đòi hỏi các ông đồ phải có tính tạo hình rất cao mà hình ảnh phải gần gũi và dễ nhìn. Điều này cần ở khả năng biến tấu của người viết mà vẫn đảm bảo được tính cân bằng cao, trong từng nét dày hay mỏng. Với các tác phẩm thư pháp có hình tượng gà của mình, Dương Minh Hoàng tập trung thể hiện ở phần đuôi và cánh, và coi đây là những điểm nhấn cho tác phẩm. Ngoài ra, màu lông cũng thể hiện sức mạnh, cùng với thế đứng tạo nên những đặc trưng riêng biệt cho mỗi chú gà trên mỗi bức thư pháp Việt./.


Một số tác phẩm thư pháp có hình tượng gà độc đáo:



























 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân


Top