Tiềm năng địa phương

Hiệu quả từ trồng nhãn ido ở Thới An

Với năng suất và chất lượng quả tốt, mô hình trồng nhãn ido (tên khoa học: Euphoria Longana) đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân Tp. Cần Thơ thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 
Đi dọc các con hẻm ở Thới An, quận Ô Môn, bạn sẽ bắt gặp những vườn nhãn ido bạt ngàn xanh tốt, cây trĩu quả báo hiệu một mùa bội thu cho người nông dân ở đây. Chúng tôi thăm vườn nhãn nhà anh Nguyễn Văn Út tại khu vực Thới Trinh, phường Thới An vào thời điểm thu hoạch. Gia đình anh có 5 công đất (nửa hecta) trồng nhãn ido đã thu vụ thứ 3. Năm nay, vườn nhà anh cung cấp 20 tấn nhãn ra thị trường, thu về gần 550 triệu đồng. Đó là bằng chứng về sự hiệu quả của việc trồng nhãn ido. 

Giống nhãn ido mỗi năm thu hoạch 1 vụ, cho trái to, vỏ mỏng, ruột dày và ăn rất ngọt, thơm được thị trường ưa chuộng. Từ năm đầu tiên trồng đến năm thứ ba thì cho trái. Thời điểm ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 7 tháng. Nhãn ido cho năng suất cao và khả năng kháng bệnh tốt. Mỗi công nhãn Ido có thể cho thu nhập từ 80-120 triệu đồng/năm. Những năm qua, giá nhãn ido luôn ổn định ở mức giá cao từ 20.000-30.000 đồng/kg và được xuất khẩu sang nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ. 


Nhiều nhà vườn ở Thới An cũng như các vùng khác ở Cần Thơ đang chuyển đổi,
cải tạo lại vườn để trồng giống nhãn ido.



Giống nhãn ido có xuất xứ từ Thái Lan rất hợp với thổ nhưỡng vùng Thới An.


Thu hoạch nhãn ido tại một nhà vườn ở Thới An.


Mỗi công nhãn ido cho thu nhập từ khoảng 80 - 120 triệu đồng/năm.


Nhãn thành phẩm được chuyển từ vườn về nhà phân loại...


... và cắt tỉa những trái lép, nhỏ trong các chùm nhãn.


Tùy vào công việc, nhân công được trả công từ 150 ngàn cho đến 250 ngàn đồng người/ngày vào mùa thu hoạch nhãn.


Nhãn ido thành phẩm khi thu hoạch cho trái to, vỏ mỏng, ruột dày.


Nhãn thành phẩm được xuất khẩu sang nhiều nước như Trung Quốc, Nhật, Mỹ…

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nhãn ido, anh Út cho biết: “Giống nhãn ido rất hợp với thổ nhưỡng vùng Thới An. Muốn cho năng suất nhãn cao, người trồng nên đầu tư chăm sóc cây và phun thuốc bảo vệ đúng kỹ thuật để hạn chế bệnh cho cây nhãn. Sau khi thu hoạch xong phải tiến hành tạo tán, cắt tỉa cành, loại bỏ những cành xấu, sâu bệnh. Đặc biệt, nên cắt tỉa những trái lép, nhỏ trong các chùm và để lại một số lượng quả nhất định trên cây. Như thế trái nhãn sẽ được cây tập trung dinh dưỡng nuôi  để cho trái to, màu sắc đẹp”.

Vào mùa thu hoạch nhãn, các nhà vườn ở Thới An cần một số lượng lớn nhân công để làm việc. Tùy vào công việc của từng người mà được trả công từ 150 - 250 ngàn đồng mỗi người/ngày. Đây là mức thu nhập khá cao tại vùng quê.
 
Hiện tại nhiều nhà vườn ở Thới An cũng như các vùng khác ở Cần Thơ đang chuyển đổi, cải tạo lại vườn nhãn bằng giống nhãn ido. Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch Hội Nông dân quận Ô Môn cho biết: “Hiệu quả kinh tế mà nhãn ido mang lại rất rõ ràng. Chúng tôi đang phát triển rộng hơn nữa diện tích nhãn ido trong các năm tới. Bên cạnh đó, chính quyền sẽ hộ trợ vốn vay cũng như hướng dẫn kỹ thuật để các nhà vườn an tâm chuyển đổi loại cây trồng hiệu quả và cho năng suất cao”./.

 
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân


Top