“Xứ dừa” với nghề thủ công mỹ nghệ

“Xứ dừa” với nghề thủ công mỹ nghệ


Tỉnh Bến Tre được mệnh danh là “xứ dừa” nổi tiếng cả nước với diện tích trồng dừa lớn nhất nước và lâu đời nhất. Ngoài các sản phẩm, đồ ăn thức uống được chế biến từ trái dừa thì người dân ở xứ dừa còn tận dụng các bộ phận khác từ cây dừa sau khi thu hoạch hết trái hoặc đã già cỗi để tạo ra những vật dụng trong gia đình hay các sản phẩm mỹ nghệ đẹp mắt.

Có nhiều người và nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ từ dừa trải dài khắp xứ Bến Tre, nhưng lâu đời và nổi tiếng tập trung lại thành một làng nghề thì phải kể đến các cơ sở ở Cồn Phụng, thuộc ấp Tân Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cồn Phụng được biết đến như một ốc đảo du lịch nổi tiếng nhất nhì của Bến Tre, nó nằm lọt thỏm giữa con sông Tiền quanh năm phù sa bồi đắp và được che chắn bởi những cây dừa xanh tươi, người dân chỉ có thể thực hiện giao thương với đất liền bằng hai cách: đi ghe, thuyền bằng đường sông và đường bộ là con đường đan nhỏ hẹp nối với cầu Rạch Miễu. 

Ở Cồn Phụng cũng không có nhiều hộ dân sinh sống, nhưng hầu như ai ở “đảo dừa” Cồn Phụng đều biết ít nhiều về nghề mộc, tạo ra các sản phẩm, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình từ cây dừa. Còn để thành một cơ sở sản xuất quy mô, thì có hơn chục cơ sở nằm dọc theo con đường đan kéo dài tới Khu du lịch Cồn Phụng, có thể kể đến như cái tên như: Cơ sở Trương Phú, Thành Đạt, Ánh Dương, Mỹ Nghệ Dừa Bến Tre… với năng lực sản xuất từ vài ngàn cái/tuần cũng như đa dạng về sản phẩm, mẫu mã, chủng loại. 

 

Theo lời kể từ một số người sống lâu ở Cồn Phụng thì, việc sử dụng các bộ phận của cây dừa để tạo ra các vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày đã có từ lâu. Khi cây dừa bị già cỗi, hay bị ngã gãy do thời tiết, người dân đã tận dụng những thân dừa bị gãy đó để làm ra đũa, muỗng, vá xới cơm, múc canh.... Rồi khi khách du lịch ra Cồn Phụng chơi, thấy bắt mắt thì hỏi mua, dần dà nhu cầu tăng, nên thành nghề thủ công mỹ nghệ và phát triển đến ngày nay.

Chúng tôi ghé vào thăm cơ sở Trương Phú của ông Trương Công Đức giữa lúc ông ngồi tạo màu cho các sản phẩm từ dừa do cơ sở ông sản xuất. Màu dùng cho các sản phẩm mỹ nghệ này là dầu dừa, hoặc sáp đèn cầy đem nấu với dầu ăn, mục đích nhằm tạo màu gỗ cho sản phẩm, tính thẩm mỹ cũng như tạo độ bóng cho sản phẩm. Ông Đức cho biết, cơ sở của ông được thành lập từ hơn 5 năm trước, ban đầu chỉ làm cho gia đình sử dụng, về sau thấy có nhiều du khách cũng như thương lái tới đặt mua số lượng lớn nên mới thành lập cơ sở sản xuất.

Công việc tạo màu, làm bóng và phơi khô sản phẩm mà ông đang thực hiện theo ông thì là công đoạn nhẹ nhàng nhất trong quy trình sản xuất sản phẩm. “Chúng tôi thường sản xuất theo hai dạng, thứ nhất là làm theo đơn đặt hàng số lượng lớn từ các nhà hàng, khu du lịch, hai là tự làm ra sản phẩm và thương lái đến thu mua sỉ với số lượng lớn. Và công đoạn quan trọng nhất chính là tạo mẫu cho sản phẩm. Mỗi cơ sở sẽ có các mẫu mã riêng, không ai giống ai, dựa trên kinh nghiệm, độ lành nghề và cũng là tạo ra thương hiệu, cá tính của mỗi cơ sở. Việc có mẫu mã đẹp mắt, ấn tượng chính là sức hút để bạn hàng tìm tới” – ông Đức chia sẻ.

 

Ông Đức cũng cho biết thêm, công đoạn vất vả nhất trong nghề này là vận chuyển gỗ dừa từ đường sông lên, và cưa gỗ để phần loại nguyên liệu trước khi định hình sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên ngày nay, việc sử dụng các máy cưa, máy mài, gọt, cắt đã giúp phần công đoạn này trở nên nhẹ nhàng hơn, cũng như giúp gia tặng số lượng sản phẩm. Hiện tại, cơ sở Trương Phú sản xuất trung bình 2.000 sản phẩm/tuần như: Muỗng to – nhỏ, đũa to – nhỏ, vá xới cơm, vá múc canh, tô, “bộ tứ” dùng trong xào nấu món ăn… Còn cơ sở Ánh Dương thì chuyên về sản xuất các ấm dừa đựng trà, cơ sở Mỹ Nghệ Dừa Bến Tre thì chuyên về các đồ thủ công trang trí, đồ lưu niệm từ dừa, rất đang dạng và phong phú.

 

Ngày nay, trên nhiều tuyến đường chính dẫn vào Bến Tre, các khu du lịch, du khách dễ dàng bắt gặp nhiều cửa hàng bày bán các sản phẩm, đồ dùng thủ công mỹ nghệ từ dừa, hay các nhà hàng, khách sạn, homestay việc trang trí không gian với các sản phẩm từ dừa, các đồ dùng ăn uống đều từ các sản phẩm của cây dừa đã trở thành điểm nhấn đặc trưng, vừa mang lại nguồn tiêu thụ sản phẩm, vừa giới thiệu các mặt hàng được làm từ dừa vô cùng thân thiện với môi trường đến du khách, vừa là một điểm nhấn ấn tượng của du lịch xứ dừa Bến Tre./.

  • Bài:  Sơn Nghĩa
  • Ảnh:  Nguyễn Luân

 




Top