Nuôi dúi sinh sản ở Thường Tín

Nuôi dúi sinh sản ở Thường Tín

Dúi mốc đại hay con gọi là chuột nứa, chuột tre thường đào hang sống trong rừng, thức ăn chính của chúng là tre và nứa. Chính vì vậy, dúi mốc đại được xem là đặc sản của núi rừng, với chất lượng thịt thơm ngon. Hiện nay trên thị trường, mỗi 1 kg thịt dúi có giá bán hơn 600 nghìn đồng, mỗi cặp dúi giống có giá vài triệu đồng.

Toàn cảnh trang trại 2.000 m2 nuôi gần 2.000 con dúi mốc đại của anh Nguyễn Văn Diện
ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội).

Nói về kỹ thuật nuôi dúi, chủ trang trại cho biết, chuồng nuôi dúi thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích. Chuồng phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động; vì dúi ưa tối nên cần che chắn để ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào. Để dúi sinh trưởng và phát triển tốt, chuồng nuôi phải bảo đảm tiêu chuẩn “mát về mùa hè, ấm vào mùa đông”. Nuôi dúi quan trọng nhất là khí hậu, vì loài này dễ sốc nhiệt.

Người nuôi phải thường xuyên kiểm tra, chăm sóc dúi vì thời tiết ở miền Bắc khá khắc nghiệt, mùa hè thì quá nóng, còn mùa đông thì quá lạnh. Dúi có thể chịu lạnh nhưng không thể chịu nóng, nhiệt độ để dúi thích nghi là 25-32 độ C. Tại các chuồng nuôi, anh Nguyễn Văn Diện đặt các máy đo nhiệt độ để có sự điều chỉnh hợp lý. Vào mùa hè, ngoài hệ thống quạt làm mát, anh còn đặt nhiều chậu nước xung quanh chuồng để giữ ẩm và làm trần chống nóng bằng lá cọ.

Nuôi dúi ít tốn chi phí và công chăm sóc, thức ăn chủ yếu là tre, thân cây mía, hạt ngô… Tận dụng diện tích đất vườn, các chủ trại dúi thường tự trồng các loại cây để làm thức ăn cho dúi. Mỗi ngày chỉ cho dúi ăn một lần vào chiều tối. Đặc biệt, loài dúi không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô nên khoảng 3 ngày dọn chuồng một lần. Nhờ sự chăm sóc cẩn thận và tỉ mỉ, đàn dúi của gia đình anh Diện sinh trưởng và phát triển tốt. Sau gần một năm nuôi, từ những con dúi giống ban đầu, nay phát triển thành nhiều cặp dúi bố mẹ.



Với những ô chuồng nuôi sinh sản, anh Diện ghép ô 50x50 cm tại khu vực riêng, yên tĩnh. Thời gian mang thai của dúi mốc đại là 45 ngày. Sau khi đẻ, dúi con được 45 ngày sẽ tách mẹ. Một năm, dúi mốc đại sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 3 – 6 con. Từ lúc đẻ ra đến khi dúi cái động đực lần đầu khoảng 6 - 7 tháng. Dúi cái động dục có biểu hiện ăn ít, sục sạo tìm đực, bộ phận sinh dục có màu hồng.

Khi bắt dúi cái bỏ sang ô dúi đực, dúi cái phát ra tiếng gọi đực đặc trưng. Dúi cái động dục thường chủ động tiến lên phía trước mặt dúi đực để được giao phối, đây là đặc điểm dễ nhận biết nhất đối với người mới chăn nuôi dúi lần đầu.

Dúi là loài vật có sức đề kháng rất cao, rất ít bệnh tật, hiện nay chưa xảy ra dịch bệnh nào lây lan như các vật thông thương trâu bò lợn gà.
Theo anh Diện, để chăn nuôi dúi mốc đại đạt hiệu quả kinh tế, người nuôi cần phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cụ thể về thức ăn như: Mía cần cạo sạch vỏ trước khi cho ăn; không nên chặt tre vào lúc trời mưa, bởi khi đó sẽ dính nước mưa có axit, trường hợp cần gấp thì sau khi chặt cần rửa sạch và phơi khô mới cho dúi ăn.


Người chăn nuôi tuyệt đối không cho dúi ăn các loại thức ăn bị nhiễm bệnh, bị nấm mốc, ôi thiu. Các thức ăn như ngô, khoai, sắn cần đảm bảo xuất xứ nguồn gốc để yên tâm về chất lượng. Đặc biệt lưu ý với thức ăn thừa của dúi, không được để lưu cữu lên men, dúi ăn vào sẽ dễ bị tiêu hoá.

Bên cạnh đó, dúi mốc đại còn ăn được cả cơm nên anh Diện thường trộm cơm với bột ngô cho dúi ăn. Công thức phối trộn 50% cơm nguội, 50% bột ngô.

Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi dúi, anh Diện đánh giá, mô hình chăn nuôi dúi mang lại thu nhập ổn định, lâu dài, đầu ra sản phẩm luôn ở mức cao. Tuy nhiên cần lưu ý việc lựa chọn mua con giống tại các trang trại có uy tín, sẵn sàng có phương án bao tiêu đầu ra của sản phẩm, để tránh rủi ro khi chăn nuôi mô hình mới này./.


Bài, ảnh: Công Đạt

Top