Kinh tế

EVFTA – cơ hội cho cả hai

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) kết thúc đàm phán song phương hồi tháng 12/2015 và đặt mục tiêu hoàn tất thủ tục phê chuẩn để năm 2018 có hiệu lực. Câu hỏi được đặt ra là liệu Việt Nam và các nước EU có cạnh tranh trực diện khi tham gia vào sân chơi này? Câu trả lời là cơ hội cho cả hai.
EU là đối tác hàng đầu của Việt Nam

Theo cuốn Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam về EVFTA do Bộ Công Thương và Dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của Châu Âu soạn thảo, trong hơn một thập kỉ qua, giá trị thương mại hai chiều tăng 10 lần từ khoảng 4,1 tỉ USD năm 2000 lên 41,3 tỉ USD vào năm 2015. Con số này đã giúp EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam sang EU. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 31 tỉ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 10 tỉ USD.

EU cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam với 1.809 dự án từ 24 quốc gia thành viên còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng kí 23,16 tỉ USD; chiếm 8,7% số dự án và 8% tổng vốn đầu tư đăng kí của cả nước.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Phil Hogan, Cao ủy phụ trách nông nghiệp của Liên minh Châu Âu.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Tọa đàm về triển vọng Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam. 
Ảnh: Danh Lam/TTXVN


Đoàn doanh nghiệp Châu Âu thăm và tìm kiếm cơ hội
hợp tác đầu tư tại Tp. Hồ chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN


Các doanh nghiệp Pháp trao đổi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Những lĩnh vực được các nhà đầu tư EU quan tâm nhất là công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất phân phối điện; kinh doanh bất động sản; xây dựng và một số ngành dịch vụ khác. Các quốc gia đầu tư nhiều nhất gồm Hà Lan, Anh, Pháp, Luxemburg và Đức, chiếm 84,3% tổng vốn đầu tư của EU vào Việt Nam.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tập trung nhiều vào một số nước Đức, Pháp, Anh, Hà Lan và Italy. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, đây là năm thị trường lớn nhất của Việt Nam trong EU, cả về xuất và nhập khẩu, chiếm hơn 68% tổng thương mại với các nước EU.

Trong khi đó, Việt Nam nhập của EU chủ yếu các mặt hành như: dược phẩm, máy móc thiết bị ôtô và phụ tùng, hóa chất, sản phẩm sữa, thức ăn gia súc, vật liệu cho may mặc và giày dép.

Cơ hội cho cả hai

Ông Phil Hogan, Cao ủy Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của EU, cho rằng Việt Nam là một nước có nền kinh tế năng động; mối quan hệ kinh doanh của Việt Nam và EU vững bền khi cả hai bên cùng có lợi.

Sau Singapore, Việt Nam là nước thứ 2 kết thúc đàm phán EVFTA với EU. Theo đó, EU sẵn sàng đầu tư cung cấp các hàng hóa tốt nhất và giúp Việt Nam nâng cao trình độ quản lí về an toàn thực phẩm.

Theo cuốn Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam, Việt Nam-EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 100% số dòng thuế và kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa của nhau với lộ trình tối đa là 7 năm từ phía EU và 10 năm từ phía Việt Nam. Đáng lưu ý, có nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất bằng 0 ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, cơ hội xuất khẩu đối với nhóm hàng nông sản rất lớn bao gồm thủy sản; gạo; đường; hạt tiêu; hạt điều; mật ong tự nhiên; toàn bộ các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến nước hoa quả tươi.

Cụ thể, cà phê hiện có mức thuế cơ sở là 0-11,5%; hạt tiêu là 0-4%; mật ong tự nhiên là 17,3%; toàn bộ sản phẩm rau, củ quả tươi và chế biến nước hoa quả tươi có mức thuế sở cao nhất là 20% sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng này có kim ngạch xuất khẩu sang EU năm 2015 từ gần 300 triệu USD đến hơn 1,15 tỉ USD.

Tuy nhiên, theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để mặt hàng trái cây Việt Nam có cơ hội xuất khẩu tới thị trường khó tính như EU, Việt Nam cần sự hỗ trợ phía cơ quan Châu Âu về trang thiết bị và kĩ năng làm việc trong phòng kiểm nghiệm; phân tích phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở ngưỡng thấp theo yêu cầu khắt khe của EU nói riêng và của nhiều nước trên thế giới nói chung.

Cũng theo cuốn Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam, dệt may cũng là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đáng kể từ 1,5 tỉ USD năm 2007 lên gần 3,5 tỉ USD năm 2015.


Đối tác nước ngoài tìm hiểu về tiềm năng nguyên liệu gỗ của Việt Nam. Ảnh: Thế Anh/TTXVN


EU là một trong những thị trường tiềm năng
của ngành chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ảnh: Thế Anh/TTXVN


Sản phẩm hoa tươi Đà Lạt xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN


Năm 2016 xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường Châu Âu tiếp tục tăng mạnh.
Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN


Sản xuất mặt hàng thuỷ hải sản đông lạnh và thực phẩm chế biến ăn liền
xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Ảnh: An Hiếu/TTXVN


Sản xuất các mặt hàng thủ công mĩ nghệ chất lượng cao
làm từ nguyên liệu tự nhiên như mây, tre… xuất khẩu sang Châu Âu. Ảnh: Danh Lam/TTXVN


Việt Nam đang tích cực xúc tiến các hoạt động quảng bá và xuất khẩu hoa quả sang thị trường Châu Âu.
Ảnh: An Hiếu/TTXVN


Việt Nam ngày càng nhập khẩu nhiều mặt hàng có nguồn gốc từ Châu Âu
như trái cây, nước ngọt, rượu, bơ, sữa, bánh kẹo.. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 42,5% số dòng thuế mặt hàng này với thuế suất cơ sở từ 8-12% sẽ về 0%. Các sản phẩm còn lại về 0% từ sau 3-7 năm. Tỉ lệ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được xóa bỏ thuế quan của mặt hàng này sau 5 năm là 77,3%; sau 7 năm là 100%.

Giày dép cũng là một trong số mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam sang thị trường EU với 37% số dòng thuế tương đương 42,1% kim ngạch xuất khẩu có thuế suất cơ sở từ 3,5-17% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Với mặt hàng gỗ, 83% số dòng thuế có thuế suất cơ sở 0-6% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 17% còn lại gồm ván dăm, ván sợi, gỗ dán thuế suất cơ sở 6-10% về 0% sau 5 năm.

Ngoài ra, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng là nhóm hàng dự kiến có tiềm năng xuất khẩu lớn sang EU với giá trị tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng từ hơn 400 triệu USD năm 2007 lên gần 2,8 tỉ USD năm 2015. Theo đó, 74% số dòng thuế (trong đó có máy vi tính), thuế suất cơ sở từ 0-6% về 0%. Các sản phẩm còn lại, thuế suất cơ sở 5-14% về 0% sau từ 3-5 năm.

Với Hiệp định này, ngoài xuất khẩu, Việt Nam có cơ hội nhập khẩu từ thị trường EU các mặt hàng máy móc thiết bị với mức thuế 0%. Cụ thể, 61% số dòng thuế có thuế suất cơ sở 0-5% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; các sản phẩm còn lại thuế suất cơ sở 3-50% về 0% sau tối đa 10 năm.

Tuy nhiên, ngoài cơ hội mang lại, ông Diego Canga Fano, Vụ trưởng về Quan hệ đa phương và Chính sách chất lượng Tổng Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn EU lưu ý, doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam cần xem xét tới nhiều yếu tố tính pháp lí, môi trường... Nhưng ông khẳng định rằng khả năng thành công của các doanh nghiệp có đầu tư vào Việt Nam là rất cao./.

TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top