Văn hóa

"Em làm nhà khảo cổ" ở Hoàng thành Thăng Long

Tham gia chương trình “Em làm nhà khảo cổ” do trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức, các em học sinh tiểu học không những được trải nghiệm giờ học ngoại khóa thú vị, mà còn được thỏa sức khám phá bí ẩn của lịch sử. 

Chương trình diễn ra vào 9 giờ sáng Chủ nhật hàng tuần dành cho các em học sinh lớp 4-5 của các trường tiểu học trên địa bàn thủ đô. Nội dung chương trình hướng đến tổ chức các hoạt động mang tính chất chơi mà học, học mà chơi, giúp các em cảm nhận, tiếp thu những giá trị lịch sử, văn hóa của khu di sản Hoàng Thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu - Hà Nội) một cách tự nhiên nhất. 

Trong giờ đầu tiên, dưới sự hướng dẫn của thuyết minh viên các em học sinh đi thăm những di tích khảo cổ tại Hoàng Thành Thăng Long. Cách dẫn giải khéo léo, gợi ý câu hỏi kết hợp với giới thiệu và minh họa của thuyết minh viên khiến các em nhỏ vô cùng thích thú, háo hức. Nhiều bạn nhỏ vừa lắng nghe vừa tranh thủ ghi chép những thông tin hữu ích, hoặc vẽ phác họa những hình ảnh lịch sử mà lần đầu các em được nhìn thấy.   

 


Lớp học vui “Em làm nhà khảo cổ” do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long tổ chức
cho các em học sinh tiểu học nhằm chắp cánh cho ước mơ của trẻ ưa khám phá, thích làm nhà khảo cổ.


Chương trình được chia làm hai phần, đầu tiên các em được tham quan khu di sản Hoàng Thành Thăng Long.


Học sinh lớp 5 Trường Tiều học Nguyễn Tri Phương (Hà Nội)
tham quan tham quan di tích Hoàng Thành trong phần mở đầu buổi học ngoại khóa.


Hoạt động thăm qua khu di sản nhằm giúp các em tích lũy được sơ lược những kiến thức khảo cổ,
hiểu về di tích khảo cổ cực kỳ có giá trị là Hoàng Thành Thăng Long.


Kết thúc một vòng tham quan di tích, các em được tổ chức thành 4 nhóm để tham gia trò chơi “Đi tìm kho báu hoàng cung Thăng Long” dưới hình thức hỏi đáp vui nhộn. Sau khi nghe câu hỏi, các nhóm sẽ chia người tỏa đi khu vực thăm quan tìm đáp án câu hỏi và hình ảnh những hiện vật tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long được các nhà khảo cổ tìm thấy tại di tích 18 Hoàng Diệu. 

Sau một giờ đầu hứng khởi với việc truy tìm hiện vật, các em sẽ được thực sự bắt tay làm nhà khảo cổ trong phần học Góc Khám phá. Trước tiên, các em được xem video giới thiệu về Hoàng Thành Thăng Long và công việc của một nhà khảo cổ, sau đó sẽ được đưa ra khu khai quật giả định và trực tiếp tìm những cổ vật ẩn dưới lớp cát. Với sự hướng dẫn của các cán bộ trung tâm, các em đã có thể tự mình thao tác những kỹ năng cơ bản của quá trình khảo cổ như làm sạch mặt bằng khu khai quật giả định, đo hiện vật, đào hiện vật. “Khi tìm các hiện vật sẽ kích thích trí tò mò, ham khám phá của các em. Khi tự mình làm các em cũng sẽ nhớ và hiểu hơn công việc khảo cổ, vui hơn khi phát hiện hiện vật dưới những lớp cát” - Chị Phương Thảo, hướng dẫn viên cho biết.

Tiếp theo, các em sẽ được chuyển sang học theo nhóm để dập in hình mẫu vật và bản khắc, vẽ lại hình mẫu vật tiêu biểu hoặc xếp hình theo chủ đề Hoàng Thành Thăng Long như cột cờ, thềm rồng điện Kính Thiên. Sau giờ học các em được phép mang những bản khắc do mình thực hiện về nhà để lưu lại kỷ niệm một buổi học kiến thức lịch sử-khoa học và tìm hiểu về Hoàng Thành Thăng Long đáng nhớ.

 


Phần hai của chương trình là phần học sinh được thử làm nhà khảo cổ trong góc khám phá.


Trẻ được học cách sử dụng dụng cụ của người làm khảo cổ tìm kiếm những hiện vật.


Các bạn học sinh tiểu học được tự mình làm những kỹ năng cơ bản của các nhà khảo cổ.


Sau khi tìm được những hiện vật trong khu khảo cổ giả định, các em quan sát,
ghi chép những miêu tả như những nhà khảo cổ thực sự.


Các cán bộ trung tâm giúp các em thực hiện những thao tác, kỹ năng khó của quá trình làm khảo cổ.


Một nhóm học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương
được các cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long hướng dẫn hoàn thiện phần cuối của buổi học.


Các em rất vui với thành quả sau hai tiếng làm công việc của các nhà khảo cổ tại di chỉ Hoàng Thành.


Cào đất, nghịch cát, bôi màu đến nhễ nhại mồ hôi là công việc của các nhà khảo cổ nhí trong buổi học tập làm nhà khảo cổ tại Hoàng Thành Thăng Long. Hai giờ tập làm nhà khảo cổ trôi qua thật nhanh song các em nhỏ đã ngấm được nhiều kiến thức, mở mang thêm hiểu biết về Di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long./.

Bài: Thục Hiền - Ảnh: Việt Cường


Top