Nghệ thuật

Chiêm ngưỡng tranh dân gian Hàn Quốc

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, đơn vị này đã phối hợp với Quỹ Di sản phi vật thể của Thành phố Seoul tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Seoul xưa và tranh dân gian truyền thống Hàn Quốc” nhằm giúp người dân Việt Nam có thêm góc nhìn sâu rộng hơn về văn hóa đất nước Hàn Quốc.
Đến tham quan triển lãm “Seoul xưa và tranh dân gian truyền thống Hàn Quốc”, khán giả có dịp chiêm ngưỡng hơn 40 tác phẩm khắc họa những nét đặc trưng của người Hàn Quốc trong đời sống sinh hoạt, tinh thần. Đó là những bức tranh thiên nhiên vẽ về các loài hoa, con vật tượng trưng cho cuộc sống thanh bình và nhàn nhã, thể hiện sự cầu phúc cho gia đình được thuận hòa êm ấm, tình cảm vợ chồng sắt son thủy chung, tình yêu con cái và bố mẹ.

Bên cạnh đó còn có những bức tranh thể hiện lòng tôn kính dành cho nhà vua, tưởng nhớ các bậc thánh hiền và văn hóa bày mâm cơm của các tầng lớp người Hàn thời kỳ Joseon.


Tác phẩm tranh dân gian “Nhật nguyệt đồng hạ quần phong đồ”. Hình ảnh chim phượng hoàng ung dung tự tại
vui đùa bên nhau kết hợp với hình ảnh mặt trăng và mặt trời tượng trưng cho sự trường thọ
tạo nên tổng thể tác phẩm, thể hiện sự nhàn nhã và thanh bình.



Tác phẩm tranh dân gian “Nhật nguyệt ngũ nhạc đồ, nhật nguyệt côn luân đồ”. Nội dung của tác phẩm
miêu tả những rặng núi tỏa ánh vàng lấp lánh đằng sau những con sóng tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc.



Tác phẩm “Thập nhị chi thần tượng đồ”, tượng trưng cho 12 con giáp.
Tác phẩm thường được khắc trên phần đá bao quanh lăng mộ, hoặc được vẽ thành bích họa
tại căn phòng đặt hòm áo quan với nhiệm vụ là thần hộ vệ bảo vệ sự an nghiêm của khu vực mộ phần.



Tác phẩm “Sách giá đồ”, các bậc nho sĩ xưa thường trang trí thư phòng bằng bức tranh vẽ giá sách.
Thể loại tranh này ra đời từ sở thích của các văn nhân trong xã hội Nho giáo, khuyến khích và yêu chuộng việc học chữ.



Tác phẩm “Văn tự đồ”  được sáng tác với mục đích cầu mong cho ước nguyện trở thành hiện thực
qua các chữ viết mang ý nghĩa cát tường hay mang ý nghĩa giáo huấn theo tam cương ngũ luân hay tư tưởng trung hiếu.



Đường Y - lễ phục nữ triều đại Josun.
Trong ảnh là Đường Y của hoàng hậu, phi tần, công chúa (trước) và Đường y của tiểu thư gia đình quyền quý (sau).



Tác phẩm “Mục đan đồ”. Hoa mẫu đơn được coi là loài hoa tượng trưng cho nhà vua,
vì vậy tranh mục đan đồ (tranh hoa mẫu đơn) thường được sử dụng để làm bình phong trang trí ở hoàng cung.



Tác phẩm “Bách phiến đồ”. Đây là những bức họa được các họa viên trong cung sáng tác vào đời vua Jungjo
của Triều đại Josun (Thế kỷ XIX). Họ đã vẽ lên rất nhiều chiếc quạt để tạo nên vẻ đẹp tạo hình đa dạng.
Đây cũng là thời kỳ đỉnh cao của kỹ thuật trang trí và tô điểm cho những chiếc quạt ở Hàn Quốc.



Chùm tranh “Thước hổ đồ” với đặc điểm nổi bật là tấm da hổ để treo trước cửa nhà
với ý nghĩa ngăn chặn tai ương và chào đón khách quý tới thăm nhà.



Một bức tranh miêu tả về hoa sen và các loài chim muông được phối màu hết sức độc đáo.


Tác phẩm “Họa điệp đồ” miêu tả cảnh tượng những cánh bướm rập rờn bên cạnh mâm cơm hiện đại của Hàn Quốc
có rượu truyền thống kết hợp với rượu vang Mariage phù hợp với khẩu vị của người hiện đại.

Những bức tranh được đưa tới Triển lãm lần này được nghệ nhân tranh dân gian Jung Seung Hui sáng tác trong hơn 40 năm qua. Nghệ nhân Jung Seung Hui cho biết tranh dân gian Hàn Quốc mang tính biểu cao với nội dung hóm hỉnh và bố cục mang tính phá cách về màu sắc.

Nghệ nhân Jung Seung Hui tâm sự rằng: “Tôi đã có cơ hội xem một số những bức tranh dân gian của Việt Nam và tôi thấy rằng tranh dân gian của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, gần gũi với tranh dân gian của Hàn Quốc. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng Triển lãm lần này không chỉ là cơ hội để chúng tôi có thể chia sẻ với người Việt Nam về tranh dân gian của Hàn Quốc, mà còn là bước đệm để trong thời gian sắp tới có thể tổ chức cuộc giao lưu khác dành cho hội họa dân gian giữa hai đất nước Việt - Hàn”.
 
Ngoài việc trưng bày những bức tranh dân gian truyền thống của Hàn Quốc, tại Triển lãm còn trưng bày các đồ thủ công mỹ nghệ đặc trưng và món ăn trong mâm cơm truyền thống của Hàn Quốc. Đặc biệt, nghệ nhân Jung Seung Hui còn hướng dẫn vẽ những bức tranh dân gian lên quạt giúp cho người xem cảm nhận được sự đặc sắc của dòng tranh truyền thống của đất nước xứ sở Kim Chi.
 


Lớp học trải nghiệm tranh dân gian truyền thống cùng nghệ nhân tranh dân gian Jung Seung Hui.


Nghệ nhân tranh dân gian Jung Seung Hui hướng dẫn cách vẽ tranh dân gian Hàn Quốc cho các bạn trẻ Hà Nội.


Nghệ nhân tranh dân gian Jung Seung Hui đang hoàn thiện một tác phẩm tranh dân gian Hàn Quốc trên quạt giấy.


Nghệ nhân Hàn Quốc giới thiệu không gian Seoul xưa và món ăn truyền thống Hàn Quốc.


Món ăn GANGJEONG (bánh gạo) là một loại bánh truyền thống được làm bằng cách ngâm ủ gạo nếp rồi xay thành bột,
sau đó nhào bột rồi cắt thành các hình thù khác nhau.



GUJEOLPAN – Mâm cửu tiết, là món ăn cổ truyền của Hàn Quốc, tập hợp đa dạng các loại nguyên liệu
trong cùng một món ăn cũng được trưng bày bên cạnh những tác phẩm tranh dân gian truyền thống.



Các bạn trẻ Hà Nội thích văn hóa Hàn Quốc bên Nghệ nhân tranh dân gian Jung Seung Hui
sau khi kết thúc lớp học trải nghiệm vẽ tranh.

Cũng tại Triển lãm, ông Park Nark Jong- Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: “Tôi hy vọng Triển lãm giúp khán giả Việt Nam tìm hiểu sâu hơn về Hàn Quốc không chỉ là đất nước nổi trội với những nét văn hóa hiện đại, năng động mà còn có nền văn hóa xưa phong phú. Qua đó, góp phần thúc đẩy cơ hội giao lưu văn hóa giữa hai nước thông qua hội họa dân gian”./.
 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Trần Công Đạt


Top