Nghệ thuật

"Xuân Thì": Cảm xúc không giới hạn

Vẻ đẹp mùa xuân qua góc nhìn độc đáo của các họa sĩ trong triển lãm “Xuân Thì 2” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (Quận 1) mang đến cho người xem nhiều cảm xúc về con người, cuộc sống của đất nước Việt.
Hơn 60 tác phẩm là tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh màu nước… đều nói về mùa xuân của sáu họa sĩ: Ngọc Anh, Diệu Hà, Tiểu Linh, Diệu Thúy, Đình Nghị, Thanh Lê với sáu phong cách rất khác nhau. Tất cả họ đều sinh sống ở nước ngoài nên mỗi người có cảm nhận về mùa xuân của đất nước một cách rất riêng, một tình cảm sâu đậm đối với quê hương Việt Nam.
Họa sĩ Thanh Lê lý giải về cái tên Xuân Thì: “Mùa xuân chỉ là một hạn định của cảm xúc cũng như sự giao thời của trời và đất. Tuy nhiên, mùa xuân của từng lục địa lại khác nhau, mùa xuân của mỗi người cũng không ai giống ai. Vì ngay tại thời điểm này đây, ở Melbourne thì mùa xuân mới vừa bắt đầu. Hay vào những đêm đông ở Cali, người Việt đi làm về lại bồi hồi thắp một nén nhang bên cành đào mới chặt, thắt lòng nhớ hôm nay là Tết ở Việt Nam”.



Một góc triển lãm “Xuân Thì 2”.


Trong tiết trời mùa thu của Tp. Hồ Chí Minh, công chúng lại được lạc vào không gian mùa xuân
 của “Xuân Thì”.


Chủ đề xuyên suốt trong triễn lãm là mùa xuân.


Triển lãm “Xuân Thì 2” mang đến cho người xem nhiều cảm xúc về con người, cuộc sống của đất nước Việt.

Mùa xuân của họa sĩ Thanh Lê là sen. Sen trong tranh của Thanh lê có sự chuyển động, có vui, có buồn nhưng vẫn nổi bật lên con đường vĩnh hằng. Trong nhiều bức tranh, sen đã tàn nhưng người xem vẫn cảm nhận được sự hy vọng, sự bền bỉ vươn lên tươi mới. Ẩn sâu trong những nét vẽ ở sen là sự dịu dàng, đằm thắm của phụ nữ. Mỗi bức tranh ở sen kể về câu chuyện đời mà Thanh Lê tài tình tài tình lồng ghép vào đó. Nhìn qua có vẻ chung chung, vô định nhưng suy nghĩ lâu sẽ cảm nhận được sự gần gũi trong đời sống.

Những vật dụng giản dị, đời thường trong sinh hoạt hàng này của người Việt như: Chiếc bàn, tà áo, chén cơm, đôi đũa… lại làm bừng lên mùa xuân qua nét vẽ của họa sĩ Diệu Thúy. Những người xa xứ bồi hồi, khắc khoải khi nhìn lại những vật dụng này. Tranh của Diệu Thúy cho ta thấy được nét đẹp nhẹ nhàng, bình dị. Mùa xuân của cô là mùa xuân thanh bình ở mọi nơi trong cuộc sống. Một điều đặc biệt, Diệu Thúy không vẽ tranh bằng cọ mà vẽ bằng bay nhưng lột tả được sự mềm mại, thể hiện rõ cảm xúc trên nét vẽ. Diệu Thúy là cái tên nổi tiếng của làng hội họa đương đại Việt Nam và được các nhà sưu tập tranh trên thế giới đánh giá cao.

Mỗi người một vẻ, trong mùa xuân ấy là muôn vẻ rực rỡ của hoa mẫu đơn trong tranh của Diệu Hà, là sự gợi nhớ về hồn xưa của người Việt qua những tác phẩm hoa lan, cúc, trúc… của Tiểu Linh, Ngọc Anh. Trong khi đó, họa sĩ Đình Nghị thể hiện mùa xuân bằng nét thanh xuân của người thiếu nữ. 
Chị Đinh Thị Hồng Thắm, Giảng viên trường Cao đẳng Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, một khách tham quan triển lãm chia sẻ: “Tôi cảm thấy có nhiều câu chuyện về cuộc đời trong tranh nhưng đều luôn hướng tới tương lai tươi đẹp giống như vẻ đẹp của mùa xuân”.

Trong tiết trời mùa thu của Tp. Hồ Chí Minh, công chúng lại được lạc vào không gian 
 mùa xuân của “Xuân Thì”./.




Tác phẩm của họa sĩ Diệu Thúy.




Tác phẩm của họa sĩ Diệu Hà.




Tác phẩm của họa sĩ Ngọc Anh.


Tác phẩm của họa sĩ Đình Nghị.




Tác phẩm của họa sĩ Thanh Lê.


Tác phẩm của họa sĩ Tiểu Linh.


Tác phẩm “Chiếc cầu tuổi thơ” của họa sĩ Ngọc Anh.

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân


Top