Cô gái trẻ kể chuyện văn hóa Việt qua board game

Cô gái trẻ kể chuyện văn hóa Việt qua board game

Bằng tình yêu dành cho nghệ thuật, tín ngưỡng và truyện dân gian, Nguyễn Thị Mỹ Linh đã tạo nên một sản phẩm đầy sáng tạo là  bộ board game lấy ý tưởng từ câu chuyện dân gian Việt Nam là “Sơn Tinh – Thủy Tinh” để vừa cho người chơi chơi giải trí, vừa góp phần truyền tải giá trị truyền thống theo cách hiện đại.

Cô gái trẻ Nguyễn Thị Mỹ Linh đã mang giá trị truyền thống theo cách hiện đại lên những sản phẩm ứng dụng đầy sáng tạo.

Nguyễn Thị Mỹ Linh- sinh viên ngành thiết kế đồ họa của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ về việc làm bộ board game “Sơn Tinh – Thủy Tinh”: “Em rất yêu thích với tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian Việt Nam nên khi lên ý tưởng thực hiện cho đồ án tốt nghiệp thì ngay từ đầuem đã nghĩ rằng mình phải làm một sản phẩm gắn liền với văn hóa Việt Nam.”.

Mỹ Linh đang chia sẻ với các bạn trẻ về bộ Board Game Sơn Tinh – Thủy Tinh của mình.

Linh quyết định biến đam mê thành chất liệu sáng tạo. Nhưng thay vì kể lại bằng tranh hay video như cách làm thông thường, cô chọn một hình thức hiện đại hơn là board game – trò chơi chiến lược đòi hỏi tư duy, tương tác, và cảm giác nhập vai mạnh mẽ.

Sau quá trình nghiên cứu nhiều truyện dân gian, Linh chọn câu chuyện “Sơn Tinh – Thủy Tinh” làm nền tảng. Cô không chỉ nhìn đây là một câu chuyện thời thơ ấu, mà là một biểu tượng văn hóa mang chiều sâu về cuộc đấu tranh giữa con người và thiên nhiên, giữa cái thiện và cái ác, công lao về trị thủy của ông cha xưa.

“Em muốn từ một cốt truyện quen thuộc, tái cấu trúc lại để kể một câu chuyện khác. Vẫn là Sơn Tinh – Thủy Tinh nhưng lần này người chơi là một phần của câu chuyện đó,” Linh nói.


Theo Linh thì khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện là giai đoạn tìm kiếm tài liệu và nghiên cứu tạo hình các nhân vật phải rất kỹ để không sai lệch với văn hóa gốc. Bởi ngoài 10 nhân vật chính, mỗi lá bài trong board game còn ẩn chứa một lớp nghĩa sâu sắc về tín ngưỡng dân gian khắp các vùng miền Việt Nam. Từng chi tiết tạo hình đều được phác thảo kỹ lưỡng dựa trên tài liệu nghiên cứu, sau đó Linh mới đưa vào thiết kế đồ họa. Linh lựa chọn để truyền tải thẩm mỹ truyền thống vào từng lá bài bằng nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống.

Để làm ra bộ board game mang đậm chất văn hóa Việt, Mỹ Linh đã phải nhờ đến nhiều thầy cô, giảng viên của mình tại trường kiến trúc.

“Tranh Hàng Trống có đặc trưng là đường nét đậm, mảng màu lớn và kỹ thuật tô màu thủ công. Em muốn giữ lại tinh thần đó, không chỉ để làm đẹp mà còn lan tỏa vẻ đẹp của dòng tranh này đến với người trẻ,” Linh chia sẻ.

Board game “Sơn Tinh Thủy Tinh” được dành cho từ 5 đến 10 người chơi và chơi theo hình thức đối kháng, nhập vai, suy luận. Khi tham gia trò chơi, người chơi sẽ phát lá bài và ẩn danh không cho người khác biết mình là ai. Trong quá trình chơi, song song với việc trải qua 5 vòng giao tranh tương đương với vòng giao tranh trong câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, người chơi sẽ phải suy luận được ra là ai đang cầm lá phe Thủy Tinh, ai đang cầm lá phe Sơn Tinh. Bên cạnh 10 lá bài nhân vật chính, còn có những lá bài phụ để đánh dấu kết quả thắng thua, đánh dấu những bình chọn trong 5 vòng đấu đấy. Và gồm 3 bảng chơi với 2 mặt tương đương với 5-10 người chơi


Linh chia sẻ: “Trò chơi này bên cạnh việc giải trí cũng như là rèn luyện tính suy luận cũng như là phản biện thì em muốn người chơi có thể tìm hiểu thêm về những tín ngưỡng dân gian và văn hóa Việt Nam.”.

Song song với việc hoàn thành bộ board game, cô gái trẻ Nguyễn Mỹ Linh cũng thực hiện thêm một số sản phẩm như túi xách, móc khóa, mũ, ốp điện thoại về câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tỉnh của Việt Nam để đồng bộ về chủ đề văn hóa Việt cho bộ đồ án tốt nghiệp của mình.

Mỹ Linh cùng các bạn tham gia chơi bộ board game Sơn Tinh – Thủy Tinh.

Theo chị Nguyễn Thị Thùy Trang – giảng viên ngành thiết kế đồ họa, Trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội sản phẩm như của Mỹ Linh là tín hiệu đáng mừng.

“Càng ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm tới văn hóa truyền thống và ứng dụng vào thiết kế hiện đại. Đây là một tín hiệu tích cực, bởi bảo tồn không có nghĩa là giữ nguyên trạng, mà là tiếp sức sống cho văn hóa trong đời sống hôm nay.”, chị Trang chia sẻ

Có thể nói “Sơn Tinh – Thủy Tinh” không chỉ là một trò chơi, mà là một cuộc hành trình kể chuyện Việt theo cách trẻ trung và sáng tạo của cô gái trẻ Nguyễn Thị Mỹ Linh. Khi người trẻ biết yêu và kể lại văn hóa của mình theo cách riêng, đó không chỉ là bảo tồn mà còn là hồi sinh văn hóa trong từng nhịp sống đương đại./.

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam


Top