Văn hóa

Vang vọng hào khí Lam Sơn

Kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, lễ hội Lam Kinh năm 2018 được tổ chức trong 3 ngày từ 30/9 - 2/10/2018 (tức ngày 21, 22, 23.8 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) nhằm tái hiện chiến công hiển hách của anh hùng dân tộc Lê Lợi, mở ra thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.
Nhà Hậu Lê là triều đại từ tay trắng dựng lên nghiệp lớn, “mở triều đình ở nơi rừng rậm, phá quân giặc bằng gậy tầm vông” (Chí Linh sơn phú). Về danh nghĩa chính thống, nhà Hậu Lê là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử nước ta với 355 năm chia làm hai thời kỳ: Lê sơ 99 năm (1428-1527) và Lê Trung Hưng (Lê mạt) 256 năm (1533-1789) với tổng số 27 vị vua nối nhau trị vì.
Đúng 7h sáng, ngày 1/10 (22/8 âm lịch), đoàn rước kiệu vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung Túc Vương Lê Lai cùng kiệu của các văn thần võ tướng đi từ hướng cầu Bạch, qua Nghinh môn vào Sân rồng chính điện Lam Kinh bắt đầu cho việc thực hiện nghi lễ truyền thống khai hội Lam Kinh.

Cách đây vừa đúng 600 năm, vào đầu năm Mậu Tuất 1418, tại vùng rừng núi hiểm trở Lam Sơn (Thanh Hóa), Bình Đại Vương Lê Lợi đã chính thức dựng cờ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với sứ mệnh cao cả đó là đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, cứu dân, cứu nước.

Trải qua 10 năm kháng chiến gian khổ, “nếm mật nằm gai”, huy động sức mạnh của toàn dân, làm nên kỳ tích “rửa mối hổ thẹn ngàn thu”, “mở nền thái bình muôn thủa”, sự nghiệp Bình Ngô của dân tộc đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn bằng hội thề Đông Quan, ngày 22/11/1427 tại Thăng Long. Lê Lợi, sau đó lên ngôi hoàng đế, khôi phục Quốc hiệu Đại Việt, định đô ở Thăng Long và thành lập vương triều Hậu Lê, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử xây dựng và phát triển quốc gia Đại Việt trường thịnh. 

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm vào ngày 22 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ) tại khu vực Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá nơi an táng vua Lê Thái Tổ. Trước kia, theo định lệ, cứ ba năm một lần, vào ngày giỗ vua, các vua quan nhà Lê ở Ðông Kinh (Thăng Long) lại về Lam Kinh làm lễ. Nhân dân địa phương hàng năm mở hội tưởng nhớ, tôn vinh ngư­ời anh hùng dân tộc Lê Lợi.
 
Lễ rước kiệu vua Lê Thái Tổ và Trung Túc Vương Lê Lai về sân Điện Quang Đức 
thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.  

Đoàn rước kiệu vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung Túc Vương Lê Lai cùng kiệu của các văn thần võ tướng đi từ hướng cầu Bạch, qua Nghinh môn vào Sân rồng chính điện Lam Kinh bắt đầu cho việc thực hiện nghi lễ truyền thống khai hội Lam Kinh.  
 
Nghi thức tế lễ diễn ra trong Lễ hội Lam Kinh 2018. 

Lễ hội Lam Kinh là hoạt động thường niên nhằm ôn lại truyền thống hào hùng, tri ân công đức của anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng sỹ, nhân dân thời Lê đã có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
 
Trong khuôn khổ Lễ hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường trao mộc bản triều Nguyễn cho đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Trên mộc bản khắc nội dung vua Lê Thái Tổ lên ngôi và dựng quốc hiệu là Đại Việt năm Đinh Mùi (1427).

Với những thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế và văn hóa của vương triều Hậu Lê tồn tại kéo dài 360 năm, Lê Lợi đã được tôn lên địa vị một anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại nhất trong lịch sử quân chủ Việt Nam. Như lời nhận định nổi tiếng của nhà yêu nước Phan Bội Châu: “Lê Lợi là Tổ Trung hưng thứ hai của dân tộc Việt Nam, chỉ đứng sau Thủy tổ dựng nước là Hùng Vương và vị Tổ Trung hưng thứ nhất là Ngô Quyền”.

Màn Đọc chúc văn được thực hiện sau tiếng “Khởi chinh cổ” vang lên, với 3 hồi trống 9 hồi chiêng cùng sự có mặt của 100 Văn thần, Võ tướng cung kính tiến ra sân rồng để nghe chúc văn.

Một lần nữa, tại chính điện Lam Kinh, câu chuyện về sự đồng lòng của chủ tướng nhà Lê được tái hiện linh thiêng, hào hùng và sống động. Chủ tế vào vai Lê Thái Tổ dõng dạc cất vang những lời khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước, ngợi ca sức sống trường tồn của dân tộc. 

Sau các nghi lễ, phần hội thể hiện khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu dựng cờ khởi nghĩa, trải qua những năm tháng "nếm mật nằm gai" cho đến ngày khải hoàn. 
 

Phần hội diễn ra với chương trình nghệ thuật mang chủ đề: “Hào khí Lam Sơn tỏa sáng trường tồn".

Chương trình sân khấu hóa ca ngợi công đức của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các bậc trung thần nghĩa sỹ
và nhân dân trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược diễn ra cách đây tròn 600 năm.
 
Theo sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, mục Nhân vật chí: "Mùa đông, năm Bính Thân (1416)
vua Thái Tổ cùng 18 vị tướng thân cận của nhà vua, liên danh hội thề nguyện sống chết có nhau".
Trong ảnh: 
Tái hiện hội thề Lũng Nhai lịch sử. 

Lễ hội là dịp để mỗi người dân tưởng nhớ công lao của anh hùng dân tộc Lê Lợi
và bậc tiền nhân trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh 

Tái hiện hình ảnh nghĩa quân Lam Sơn thời kỳ đầu khởi nghĩa. 
 
Tiết mục múa kiếm thể hiện khí phách của nghĩa quân Lam Sơn.

Đội cồng chiêng Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Mường (huyện Ngọc Lặc) trình diễn tại lễ hội.

Những màn múa Xuân Phả được trình diễn trong lễ hội. 

Múa Xuân Phả ngợi ca công đức của vua Lê Thái Tổ và nền thái bình thịnh trị, cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Trong tiếng nhạc của bài Tụ nghĩa, hình ảnh thiêng liêng của hội thề Lũng Nhai được tái hiện sinh động. Lê Lợi từ trên đài cao đi xuống cùng với 18 nghĩa sĩ thề với trời đất quyết diệt trừ ngoại xâm, thống nhất giang sơn Đại Việt. Tiếng nhạc cùng với tiếng hét vang của đoàn người làm không khí ngày hội càng thêm hào hùng.

Giữa núi rừng Lam Sơn hùng vĩ, màn diễn sướng tiếp tục với bối cảnh nghĩa quân Lam Sơn bình thiên hạ, khởi đầu triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử Việt Nam

Đó cũng là lúc những màn múa Xuân Phả được trình diễn, ngợi ca nền thái bình thịnh trị, cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc./.
 
Nhà Hậu Lê là triều đại ban hành nhiều bộ luật nhất trong lịch sử phong kiến. Trong đó, Quốc triều hình luật (còn gọi là Lê triều hình luật, Luật Hồng Đức) được coi là bộ luật tiến bộ nhất, sử dụng trong thời gian dài nhất (từ 1483- 1815) và là đỉnh cao của nền pháp luật phong kiến Việt Nam.
 
 

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Công Đạt, Trần Thanh Giang
 

tranvanhieu


Top