Văn hóa

Tình nguyện viên JICA đồng hành cùng Việt Nam

Hơn 20 năm qua, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đã cử hơn 500 tình nguyên viên người Nhật có nguyện vọng phát huy những kinh nghiệm và kỹ thuật của mình để đóng góp cho sự phát triển Việt Nam. Chị Niizeki Mihoko và anh Makamura Masaya là những người tiêu biểu đang miệt mài đóng góp công sức quảng bá văn hóa, du lịch và chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo giới thiệu của tổ chức JICA, chúng tôi đến gặp chị Niizeki Mihoko, tình nguyện viên Nhật Bản làm việc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Chúng tôi khá ngạc nhiên khi một cô gái người Nhật lại có thể giới thiệu tường tận về những hiện vật mang nét đặc trưng về Việt Nam cho khách du lịch như vậy.

Chị Niizeki Mihoko cho biết, từ khi còn bé chị đã thích công việc tình nguyện viên và muốn chia sẻ kinh nghiệm cũng như kiến thức của mình với những người khác. Khi thấy trên website của JICA có đăng thông tin chương trình Phái cử Tình nguyện viên Hợp tác Hải ngoại Nhật Bản, chị đã nộp hồ sơ và trúng tuyển. Niizeki Mihoko đã được tham gia lớp tập huấn ngôn ngữ Việt Nam và các kỹ năng làm việc trong 70 ngày tại Nhật Bản trước khi đến Việt Nam làm việc vào năm 2014.


Chị Niizeki Mihoko là tình nguyện viên của JICA làm việc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.


Công việc của chị Niizeki Mihoko là hỗ trợ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong việc sắp xếp biên dịch tài liệu ra tiếng Nhật.


Ngoài công việc chính là hỗ trợ biên dịch, xây dựng website bằng tiếng Nhật
vào lúc rảnh rỗi chị Niizeki Mihoko  còn làm hướng dẫn viên tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.



Anh Nakamura Masaya, tình nguyện viên JICA cùng các đồng nghiệp Việt Nam chăm sóc trẻ trong giờ học ngoài trời
tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An.


Nakamura Masaya chăm sóc cho trẻ khuyết tật tại Việt Nam.


Công việc chính của anh Nakamura Masaya  là hỗ trợ Trung tâm trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho trẻ.


Giờ phục hồi chức năng cho trẻ tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An.


Theo anh Nakamura Masaya kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản đã giúp anh rất nhiều trong công việc tại Trung tâm Thụy An.


Ngoài việc trực tiếp chăm sóc cho trẻ khuyết tật anh Nakamura Masaya còn đem những kiến thức,
kinh nghiệm mình được học về lĩnh vực này chia sẻ cùng các đồng nghiệp Việt Nam.



Anh Nakamura Masaya và các cán bộ Trung tâm Thụy An chăm lo từng bữa cơm cho trẻ.


Tình nguyện viên Nhật Bản trực tiếp hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ tại Trung tâm Thụy An.

Công việc của Niizeki Mihoko tại Việt Nam là hướng dẫn khách tham quan Bảo tàng Phụ nữ và dịch các thông tin về những hiện vật, sách báo... từ tiếng Việt sang tiếng Nhật. Hiện Mihoko đang cùng với đồng nghiệp của mình xây dựng website Bảo tang phụ nữ Việt Nam tiếng Nhật để đưa nhiều thông tin về Việt Nam hơn nữa tới Nhật Bản. Niizeki Mihoko vui vẻ chia sẻ: “Khi tôi gặp những du khách người Nhật, họ nói với tôi rằng Việt Nam là đất nước rất thú vị và muốn tìm hiểu nhiều thông tin hơn nữa. Điều này khiến cho tôi cảm thấy công việc hiện tại của mình khá hữu ích cho việc giúp quảng bá văn hóa Việt Nam đến với đất nước Nhật Bản”.

Chúng tôi đến Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội để gặp anh Nakamura Masaya làm một công việc tình nguyện đặc biệt. Công việc hàng ngày của anh hỗ trợ các giáo viên ở trung tâm trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng, giáo dục và hướng nghiệp cho trẻ em khuyết tật của các tình thành phía Bắc Việt Nam. Được biết trước khi tới Việt Nam, Nakamura Masaya từng làm giáo viên phụ trách học sinh khuyết tật về trí tuệ, tự kỷ và rối loạn hành vi của Trường giáo dục đặc biệt Yawata ở Kyoto.

Vì vậy, bằng kinh nghiệm làm việc của mình, anh đã sử dụng phương pháp phân tích hành vi ứng dụng, các hình ảnh, vừa giảng dạy cho các em gặp khó khăn về ngôn ngữ có thể hiểu được dễ dàng.

Nakamura Masaya chia sẻ: “Tôi hy vọng với sức lực nhỏ bé của mình có thể giúp ích cho các em nhỏ và giúp các giáo viên Việt Nam nâng cao trình độ để có thể hướng dẫn các em trên lớp một cách hiệu quả.”./.



 

Ông Mutsuya Mori,
Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam
"Chương trình Phái cử Tình nguyện viên Hợp tác Hải ngoại Nhật Bản được chính thức bắt đầu ở Việt Nam vào năm 1995. Khi những đóng góp ban đầu ở lĩnh vực giáo dục của các tình nguyện viên được công nhận và đánh giá cao, chương trình đã mở rộng sang các lĩnh vực khác như y tế, phát triển địa phương, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ".

 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Việt Cường

 


Top