Lần đầu tiên trong lịch sử WEF, lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến tham dự phiên khai mạc. Thành viên của Chính phủ, bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, 7 bộ trưởng, đã tham gia rất tích cực vào các phiên thảo luận khác nhau của WEF, đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm của các nước.
WEF ASEAN 2018 quy tụ 9 nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự, với 60 phiên họp. |
Chủ tịch WEF - Klaus Schwab nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, tính kinh tế, xã hội một cách cơ bản và mang tính đột phá. Sự cạnh tranh toàn cầu được xác định bởi năng lực cạnh tranh chứ không còn bởi giá thành. Để có thể định hướng thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi Chính phủ các nước ASEAN cần tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự cộng tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp là rất quan trọng. Ông Klaus Schwab tin tưởng, các quốc gia ASEAN với tầm nhìn phù hợp, với chính sách tối ưu, dân số trẻ và tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
![]() Phiên Khai mạc toàn thể Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN 2018 được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, GS. Klaus Schwab - người sáng lập Chủ tịch điều hành WEF cùng 9 nguyên thủ của các quốc gia ASEAN tham dự phiên Khai mạc. Ảnh: TTXVN ![]() WEF ASEAN 2018 quy tụ 9 nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự, với 60 phiên họp. Ảnh: Trí Dũng /TTXVN ![]() Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập, Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể WEF ASEAN 2018. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN ![]() WEF ASEAN 2018 tập trung thảo luận vào những vấn đề quan trọng của khu vực và trên thế giới dưới 3 chủ điểm chính: Quản trị khu vực và toàn cầu; Nền kinh tế và kinh doanh năng động; An sinh xã hội. Ảnh: TTXVN ![]() Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể: “Tầm nhìn mới khu vực Mekong” trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN ![]() Phiên thảo luận với chủ đề: “Triển vọng Địa chính trị châu Á”. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự và tham gia thảo luận. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN ![]() Diễn đàn Tăng trưởng châu Á 2018 với chủ đề: "Đổi mới để tạo ra thay đổi: Khám phá và truyền cảm hứng". Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến dự và phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN ![]() Phiên thảo luận với chủ đề: "Tương lai việc làm ở ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0". Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và tham gia thảo luận. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN ![]() Trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ gặp gỡ và đối thoại với lãnh đạo của hơn 50 tập đoàn tài chính, công nghệ toàn cầu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN ![]() Toàn cảnh Diễn đàn mở với chủ đề: “ASEAN 4.0 cho tất cả”. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN ![]() Phiên thảo luận với nội dung: “Cơ hội bị bỏ lỡ: Mạng lưới cộng đồng hải ngoại”. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN ![]() Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự và phát biểu tại buổi bế mạc WEF ASEAN 2018 . Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân tích những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho các nước ASEAN. Đó là sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn: điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm; tạo ra kết nối và chia sẻ các giá trị và sự sáng tạo mới…. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ những thách thức mà ASEAN phải đối mặt như: nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa, sự gia tăng khoảng cách thu nhập…
Theo Báo cáo nghiên cứu “Công nghệ và Tương lai việc làm ASEAN”, ASEAN có 630 triệu dân; 90% trong số này có tiếp cận với internet. Đến năm 2020-2022, khu vực này sẽ có những đổi mới, sáng tạo, đột phá về công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo, từ đó sẽ có những việc làm mới được tạo ra. |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch ASEAN 2018, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định, các quốc gia thành viên ASEAN đang ở một vị trí tốt để tận dụng những cơ hội mới mà cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mang lại. ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2020, chỉ sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Để đảm bảo toàn bộ khu vực có khả năng phát triển và tăng trưởng, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho rằng, ASEAN cần duy trì tính trung tâm, thống nhất của mình và trao quyền nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp. Cần có những cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp có khả năng tự thích ứng trong điều kiện cạnh tranh mới.
Theo Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, ASEAN cần tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng, gia tăng kết nối với các khu vực, cần có sự chuẩn bị để ứng phó tốt hơn với các nguy cơ. Đặc biệt, cần tập trung vào giáo dục và đào tạo kỹ năng để giải quyết các tổn thất công việc và bất bình đẳng về kinh tế và xã hội.
Tại hội nghị WEF ASEAN 2018, nhiều nội dung thiết thực đã được trao đổi, bàn luận sâu sắc như: Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Việc làm ASEAN trong thời 4.0; Cơ hội, thách thức cũng như hướng đi mới của hệ thống y tế ASEAN; Hướng tới an toàn giao thông đường bộ; Khai thác nguồn lực ngoại kiều của ASEAN...
Đánh giá về kết quả Hội nghị WEF ASEAN 2018, Chủ tịch WEF Klaus Schwab cho biết, đây là hội nghị thành công nhất trong 27 năm tổ chức Hội nghị của WEF về khu vực ASEAN và Đông Á. Hội nghị thành công trên nhiều khía cạnh, từ nội dung đến công tác lễ tân, an ninh, y tế, hậu cần, thông tin…
Thành công của Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã tạo nên dấu ấn quan trọng cho Việt Nam, khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao; thể hiện sức hấp dẫn và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế về triển vọng phát triển của Việt Nam; đồng thời khẳng định thế và lực mới của Việt Nam sau hơn 30 năm Đổi mới; thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế./.
![]() Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Cố vấn Nhà nước Myanmar, Bà Aung San Suu Kyi nhân dịp sang Việt Nam dự WEF ASEAN 2018. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN ![]() Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đồng chí Hồ Xuân Hoa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN ![]() Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN ![]() Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN ![]() Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN ![]() Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Karim Temsamani, Chủ tịch Điều hành châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn Google nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN ![]() Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp song phương Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN 2018. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN ![]() Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp song phương Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN 2018. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN ![]() Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã có 7.890 bài viết đưa tin (Hội nghị WEF tổ chức năm 2017 chỉ có hơn 2.000 bài viết), 7 triệu lượt người đã tham gia tương tác trên mạng xã hội đối với WEF ASEAN 2018; khoảng 13 nghìn lượt bài viết, comment trên facebook; 90 nghìn lượt người xem trực tuyến tại các phiên thảo luận khác nhau về WEF ASEAN 2018. |
Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN