Kinh tế

Vườn chim Việt

Được biết đến là một trong những người đầu tiên nhân giống thành công một số loài chim, gà quý hiếm, anh Trần Nhữ Giáp, chủ nhân khu bảo tồn chim tư nhân lớn nhất Việt Nam “Vườn chim Việt” không chỉ thành công trong công tác bảo tồn các loại động vật quý hiếm mà còn mở ra một ngành nghề kinh doanh mới mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Để hiểu rõ hơn về xu thế và ngành nghề kinh doanh các loài chim, gà quý hiếm, chúng tôi đã tìm đến trang trại Vườn chim Việt của anh Trần Nhữ Giáp ở xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Tp. Hà Nội. Anh Giáp được coi là người tiên phong cho ngành nghề kinh doanh rất đặc biệt này.

Trần Nhữ Giáp cho biết, anh xây dựng Khu bảo tồn Vườn chim Việt xuất phát từ niềm đam mê và sở thích sưu tầm các loài chim quý. Bằng số tiền ít ỏi còn lại sau những lần kinh doanh thất bại, anh Giáp đã mua 2 chú chim trĩ đỏ về để nuôi chơi nhưng không ngờ một thời gian sau chúng sinh sản. Từ đó ânh tò mò lên mạng tìm kiếm thông tin về loài này và bắt đầu nảy ra ý tưởng nhân rộng mô hình nuôi chim trĩ đỏ.


Vào thời điểm đó, chim trĩ đỏ là loài nằm trong sách đỏ của Việt Nam nên anh Giáp đã gặp không ít khó khăn trong việc xin cấp phép nuôi. Để hoàn thành thủ tục pháp lý cho trang trại, anh đã phải mất gần 2 năm chứng minh loài chim trĩ đỏ này có thể sinh sản được trong môi trường nhân tạo. Và đến tháng 6/2009, anh Giáp mới có được giấy cấp phép nuôi và nhân giống loài chim này. Vườn chim Việt của anh Giáp là trang trại nuôi chim đầu tiên và duy nhất được cấp phép nuôi chim sinh sản và bảo tồn các loài động vật quý hiếm.

Chính từ đây, anh Giáp đã nhân giống thành công hàng vạn con chim trĩ đỏ. Thành quả này của anh đã góp phần đưa chim trĩ ra khỏi danh sách động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam.


Trang trại Vườn chim Việt của anh Trần Nhữ Giáp có diện tích hơn 2ha tại xã Đông Mỹ - Hà Nội.


Khu trang trại của anh Giáp hiện nuôi rất nhiều vịt trời.


Kiểm tra sức khỏe con giống thường xuyên.


Những chú công ngũ sắc tại Vườn chim Việt.


Một chú công ngũ sắc quý hiếm được lai tạo thành công tại Vườn chim Việt.


Hiện tại ở Vườn Chim Việt, chim công được nhân giống rất nhiều để bán lại cho những khu sinh thái
nuôi làm cảnh; bình quân mỗi năm, Vườn chim Việt thu về khoảng hơn 1 tỷ đồng tiền bán chim công.



Giống gà có xuất xứ từ Ba Lan được anh nhập khẩu về và mang hiệu quả kinh tế cao.


Loài vịt uyên ương biểu tượng của nước Nga cũng được nhân giống thành công tại Vườn chim Việt.


Các nhân viên của Vườn chim Việt tiêm vắc xin phòng bệnh cho chim công.


Ngoài việc phát triển kinh tế từ những giống gia cầm thương phẩm thì hiện ở Vườn Chim Việt
còn nuôi và bảo tồn rất nhiều loài chim quý hiếm.



Khách hàng tới Vườn Chim Việt tìm chọn mua con giống.

Từ thành công ở mô hình nuôi chim trĩ đỏ, hiện nay Vườn chim Việt của anh Trần Nhữ Giáp có hơn 100 loài chim khác nhau, với đủ tên tuổi của các loài chim quý hiếm cả trong và ngoài nước như: chim trĩ đỏ, chim trĩ xanh, chim công, gà lôi trắng, vịt uyên ương, vịt trời, sâm cầm…

Khu bảo tồn Vườn chim Việt rộng hơn 2ha của anh Giáp được biết đến là một khu bảo tồn chim tư nhân lớn nhất Việt Nam. Từ nhiều năm nay, nơi đây đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của nhiều người kinh doanh và những người chơi chim cảnh trong cả nước.

Hiện nay anh Giáp đã phát triển thành 4 trang trại với khoảng 7.000 cá thể chim trĩ, hơn 1000 cá thể chim công, gà rừng tai trắng, gà lôi vằn, sâm cầm, chim le le... cùng hàng nghìn con vịt trời thương phẩm.

Các giống chim ở Vườn chim Việt được chia làm ba nhóm. Nhóm một là những loài nuôi làm thương phẩm như chim trĩ, vịt trời… Nhóm hai dùng để làm cảnh là những loài chim quý như: vịt uyên ương, gà lôi trắng, sâm cầm, chim le le… Và thêm một nhóm nhỏ khác nuôi với mục đích bảo tồn và nghiên cứu đó là chim hồng hạc và hắc hạc.

Theo thống kê, mỗi tháng trang trại của anh Giáp cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 chim trĩ các loại, 100 chim công giống và trưởng thành, 4.000 con vịt trời thương phẩm… Riêng việc tiêu thụ chim công đã thu về cho trang trại của anh mỗi năm trên dưới 1 tỷ đồng.

Không dừng lại ở mô hình thành công của cá nhân mình, anh Giáp còn giúp cung cấp nguồn chim giống cho rất nhiều chủ trang trại ở các tỉnh thành như Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Tp. Hồ Chí Minh.. cùng nuôi thành công mô hình chim trĩ sinh sản.



Tủ ấp trứng do anh Trần Nhữ Giáp tự làm ra.


Khu ấp nuôi giống gà con có xuất xứ từ Ba Lan.


Những chú chim công 1 tuần tuổi.


Những chú vịt trời con mới được ấp nở.

Hiện anh Giáp còn nghiên cứu viết sách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi các loài gia cầm, thủy cầm quý hiếm để làm tài liệu hướng dẫn cho những hộ nông dân muốn nuôi các loài chim này.

Dù rất bận rộn, nhưng mỗi năm, anh Giáp đều dành thời gian đi sang các nước như: Úc, Singgapore, Thái Lan... là những quốc gia có ngành chăn nuôi chim phát triển để học hỏi thêm kinh nghiệm và cập nhật kỹ thuật nuôi mới, với mong muốn giúp cho bà con nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao nhất trong ngành chăn nuôi các loài gia cầm, thủy cầm quý hiếm của Việt Nam./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Tất Sơn

Yến Helen Khánh Hòa- Dệt sợi yến kết nối tình yêu thương

Yến Helen Khánh Hòa- Dệt sợi yến kết nối tình yêu thương

Với tâm huyết dệt từng sợi yến, nâng niu và trân quý sản vật của địa phương Cam Ranh, những người lao động của Công ty Helen Solar-Yến Khánh Hòa đã tần tảo, miệt mài làm “nghề Yến” để mang đến những dải yến ngọt ngào tinh khôi mà chim Yến hiến dâng cho đời. Yến Helen đang dần chinh phục thị trường và lòng người cùng câu chuyện giữ trọn niềm tin với từng sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng.

Top