Chân dung

Võ sư Nguyễn Thành Chung và tình yêu với Y - Võ Việt

Hiện là Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Phát triển Văn hóa và Thể thao Việt Nam đồng thời là Trưởng môn phái Lạc Việt Võ đạo, Võ sư Nguyễn Thành Chung là người có nhiều cống hiến cho cộng đồng trong lĩnh vực phát triển võ cổ truyền dân tộc, kết hợp chữa bệnh bằng Đông y nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
Sinh năm 1963 tại Hà Nội, võ sư Nguyễn Thành Chung theo học võ từ năm 14 tuổi và là người mở rộng môn phái Lạc Việt Võ đạo tại Việt Nam. Với 30 năm thu thập những bài quyền, cước cũng như tinh hoa võ thuật cùng 10 năm trau dồi tri thức Y học Phương Đông (châm cứu, bấm huyệt), võ sư Nguyễn Thành Chung hiện là người sở hữu kho tàng văn hóa võ học và y thuật thâm sâu.

Hiện Lạc Việt Võ đạo có 64 võ đường với lịch học hàng tuần cũng như cộng tác với nhiều chương trình văn hóa lan tỏa các bài quyền, võ đẹp đến cộng đồng.
Với tâm huyết của mình, võ sư Nguyễn Thành Chung không chỉ phát triển môn phái Lạc Việt Võ đạo mà còn đưa ứng dụng y võ vào cuộc sống giúp nhân dân tự tập luyện, tự chữa các bệnh thông thường nâng cao sức khỏe và thể chất. Lạc Việt Võ đạo hiện nay có 64 võ đường và gần 10.000 môn sinh, về truyền thống lịch sử Môn phái Lạc Việt Võ đạo đang đứng đầu các môn võ cổ truyền tại Hà Nội với các phương pháp đào tạo và chương trình hấp dẫn, phong phú cổ vũ người tập luyện võ hăng say, hiệu quả qua các kỳ thi lên đai, hội diễn, trại hè võ thuật, thi người đẹp võ thuật của môn phái…. Đặc biệt, mỗi tuần có 1 buổi lên lớp của Võ sư Nguyễn Thành Chung về “Ứng xử xã hội trong giao tiếp hằng ngày”. Điều thú vị này đã làm cho sự gắn bó giữa các bạn đông môn được đoàn kết kể từ khi vào tập luyện.

Cùng với việc mở rộng môn phái Lạc Việt Võ đạo, đưa những bài tập võ truyền thống nhân rộng trong cộng đồng để mọi lứa tuổi có sức khỏe, cân bằng thể chất và nuôi dưỡng tinh thần, ông cũng là người lan tỏa tinh thần luyện tập thể thao phòng bệnh, chữa bệnh phổ thông đến mọi lứa tuổi ở Việt Nam. Đi tới đâu ông cũng làm gương cho sự rèn luyện và truyền dạy cho các môn sinh ở mọi lứa tuổi từ các cháu thiếu nhi 5 tuổi cho tới các cụ già 90 tuổi khi có nhu cầu về tập luyện sức khỏe nâng cao thể lực và vô bệnh tật.

Võ sư Nguyễn Thành Chung, người đã gây dựng môn phái Lạc Việt Võ đạo được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tặng bằng khen
và đưa môn phái vào danh mục môn võ văn hóa của dân tộc cần được bảo tồn phát triển. Ảnh: Việt Cường

Võ sư Nguyễn Thành Chung biểu diễn một tư thế võ đẹp của bài Hầu châu nguyệt của Chưởng môn phái Lạc Việt Võ Đạo. Ảnh: Việt Cường


Võ sư Nguyễn Thành Chung và bài múa đao “Phiên thân uyên ương đao”. Ảnh: Việt Cường





... được ông biểu diễn tại sân đền Quán Thánh, Hà Nội. Ảnh: Việt Cường

Mong muốn của Võ sư Nguyền Thành Chung là “phát triển và lan tỏa Võ thuật Cổ truyền ra quốc Tế để các bạn quốc tế biết về võ thuật Việt Nam".  Năm 2005, ông được Trung tâm giáo dục Quốc tế ILO (Thành phố Torino, Italia) mời dự hội thảo và giới thiệu võ cổ truyền Việt Nam tới người hâm mộ võ thuật tại châu Âu. Hội thảo thành công và đã nhận được sự đánh giá cao từ bạn bè quốc tế. Nhiều võ sư Italia đã theo tập môn phái Lạc Việt võ đạo, còn võ sư Nguyễn Thành Chung cũng theo học thêm một số kỹ thuật võ của Italia, từ đây mở ra sự hợp tác giao lưu văn hóa võ giữa hai quốc gia Việt Nam và Italia. Võ sư Nguyễn Thành Chung hiện đã được cấp bằng võ sư quốc tế và là võ sư đại diện của Việt Nam tham gia Hiệp Hội võ thuật chiến binh quốc tế tại Torino, Italia.

Tiếp nối thành công này, võ sư Nguyễn Thành Chung cũng đã đến nhiều quốc gia khác khác với tinh thần lan tỏa võ cổ truyền Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Nhiều võ sư nổi tiếng Nhật Bản đã sang Việt Nam thăm võ đường của môn phái Lạc Việt Võ Đạo và rất yêu thích những thế võ đẹp, đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhiều người đã nhờ Chưởng môn phái Nguyễn Thành Chung hướng dẫn tập luyện. Võ sư Nguyễn Thành Chung hiện mở rộng môn phái Lạc Việt Võ đạo tới nhiều tỉnh thành của Việt Nam và thu hút rất đông người luyện tập, theo học.

Lạc Việt Võ đạo đã tổ chức nhiều hội diễn lan tỏa tinh thần y võ và cấp bằng lên đai cho các môn sinh hàng năm cũng như hướng đến phát triển hình thức du lịch võ thuật, từ đó quảng bá văn hóa y võ cổ truyền của dân tộc Việt đến bạn bè quốc tế. Hơn 20 năm, võ sư Nguyễn Thành Chung cùng các học trò và cộng sự đã kết hợp với Học Viện An ninh Nhân dân và Học viện Cảnh sát Nhân dân dạy cho các học viên ở đây những kỹ thuật đặc thù cho phòng chống tội phạm theo kỹ thuật của các đường võ cổ, các đòn thế cận chiến với tội phạm, nhẹ nhàng, khéo léo. Đây là những bài võ giúp cho các chiến sĩ công an, cảnh sát trang bị thêm những kỹ năng để hoàn thành nhiệm vụ.

Võ sư Nguyễn Thành Chung cũng mở ra nhiều khóa học miễn phí giúp nhân dân có thêm kỹ năng tự vệ, bảo vệ sức khỏe của mình và rèn luyện tinh thần cương nghị, bình tĩnh trước mọi sự cố của cuộc sống. Hiện nay, võ thuật cổ truyền không chỉ là môn thể thao mang đậm bản sắc dân tộc mà còn là một phương thức tập luyện để đẩy lùi bệnh tật, nâng cao thể chất cho con người.



Võ sư Nguyễn Thành Chung với học trò nhỏ theo học lớp võ thuật cổ truyền tại môn phái ông là Chưởng môn. Ảnh: Tư liệu


Màn biểu diễn Thông thiên, nội khí công của các học trò môn phái Lạc Việt Võ đạo. Ảnh: Việt Cường


Võ sư Nguyễn Thành Chung trao kỷ niệm cho các võ đường tại hội diễn truyền thống của môn phái Lạc Việt Võ đạo

Chưởng môn phái Lạc Việt Võ Đạo Nguyễn Thành Chung và các huấn luyện viên của các võ đường Lạc Việt Võ đạo. Ảnh: Tư liệu

Võ sư Nguyễn Thành Chung đã được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tặng bằng khen và môn phái Lạc Việt Võ đạo được đưa vào danh mục môn võ văn hóa của dân tộc cần được bảo tồn phát triển.
Võ sư Nguyễn Thành Chung cũng là người luôn lấy tinh thần học, học nữa, học mãi làm kim chỉ nam trong sự nghiệp của mình. Thời trẻ, ông theo học 2 trường đại học là Kinh tế quốc dân và Đại học Luật Hà Nội và khi sự nghiệp võ thuật đang ở đỉnh cao, ông vẫn không ngừng học mà còn theo học thêm nghề Đông y. Theo ông thì: "Cần phải hiểu thấu rõ về cơ thể con người, Kỹ thuật vận động kết hợp với hô hấp đúng sẽ có hiệu quả thế nào cho các bệnh mãn tính như Hen phế quản hay Dạ dày… Kết nối thời khí Việt Nam với cơ thể người".

Từ đây, ông thấu hiểu Huyệt trong Đông y quan trọng thế nào trong việc chẩn đoán thương tích cũng như chữa bệnh. Thầy dạy võ và Thầy thuốc  Đông y được kết hợp nhuần nhuyễn trong ông đã chữa cho nhiều cháu nhỏ bệnh cận thị học đường, các cụ già bị lão hóa xương khớp và nhiều bệnh mãn tính khác bằng các kỹ thuật bấm huyệt và châm cứu. Ông đã đi nhiều tỉnh thành của Việt Nam để học hỏi tham quan học hỏi và luyện võ, chữa bệnh cho mọi người và luôn được học trò, bệnh nhân yêu mến. Võ sư Nguyễn Thành Chung chia sẻ: "Với tôi võ là nghiệp, y là nghề, tôi kết hợp hai loại hình này để giúp học viên và mọi người xung quanh mình khỏe hơn, từ đó có tinh thần làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng".

Giản dị, khiêm tốn và chan hòa, võ sư Nguyễn Thành Chung vẫn đều đặn hàng ngày dạy các môn sinh luyện võ. Căn nhà ông ở luôn đầy ắp tiếng cười của mọi người đến nhờ ông tư vấn, chữa bệnh và chia sẻ những buồn vui của cuộc sống. Với ông, võ và y là hai niềm đam mê theo ông suốt cuộc đời và điều làm ông vui nhất là đưa Y - Võ đến với nhiều người Việt Nam cũng như bạn yêu võ trên thế giới, cùng tham gia tập luyện đúng như tinh thần của Lạc Việt Võ đạo: “Người luyện Võ - Võ luyện người”. Ai luyện võ sẽ có đạo đức trong sáng,  ý chí vượt khó, nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc dân tộc…”./.

 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường và Tư liệu

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top