Tiêu điểm

Việt Nam có những đóng góp thực chất cho Đại hội đồng IPU

Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã kết thúc chuỗi hoạt động tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU-137) từ ngày 14-15/10/2017 tại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga và thăm chính thức Cộng hòa Kazakhstan từ ngày 16 -18/10/2017.

Hội nghị IPU-137: Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Là tổ chức nghị viện đa phương lớn nhất thế giới, trong hơn 120 năm hình thành và phát triển, IPU đã cho thấy sứ mệnh của mình trong việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa nghị viện các nước; tham vấn và thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan tới lợi ích quốc tế nhằm đề xuất hành động cho các nghị viện thành viên, qua đó đóng góp vào việc bảo vệ và thúc đẩy bảo đảm các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế; thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc hướng đến hòa bình và an ninh toàn cầu, đẩy mạnh phát triển bền vững, nâng cao vai trò phụ nữ trong chính trị và tăng cường đối thoại, giao lưu về giáo dục, khoa học và văn hóa…

Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham gia tất cả các hoạt động của IPU-137. Ngay phiên khai mạc và ngày làm việc đầu tiên của Đại hội đồng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu quan trọng, được nhiều Chủ tịch Quốc hội và Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội/Nghị viện các nước đánh giá cao, đã đề xuất, khuyến nghị những giải pháp rất sát hợp tình hình thế giới.






Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU - 137) 

tại thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga). Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Phiên họp toàn thể
của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU - 137). Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp toàn thể
của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU - 137). 
Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Saber H. Chowdhury.
Ảnh: Trọng Đức/TTXVN



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matvienko.
Ảnh: Trọng Đức/TTXVN



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Phó Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Trương Bình. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Sye-kyun. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Ali Ardeshi Larijani.
Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

 

Năm khuyến nghị được Chủ tịch Quốc hội đưa ra gồm nhóm thứ nhất, chúng ta khuyến nghị các nghị viện trên thế giới tập trung tạo khuôn khổ pháp lý về dân tộc và tôn giáo. Qua đó, với vai trò là cơ quan lập pháp, giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến khuôn khổ pháp lý này, tạo ra khuôn khổ pháp lý hợp pháp cho mọi người dân, mọi thành phần. Nhưng mong muốn cao nhất là tạo ra sự đoàn kết để xây dựng một thế giới hợp tác hòa bình.

Khuyến nghị thứ hai, các nghị viện cần xây dựng bộ tiêu chí làm cơ sở để giám sát hiệu quả. Nhóm thứ ba là quan tâm đến công tác truyền thông, truyền bá tư tưởng khoan dung, tinh thần hợp tác. Điều này rất quan trọng để các dân tộc, tôn giáo gần nhau hơn; nhóm thứ tư là tăng cường hợp tác song phương và đa phương để học hỏi lẫn nhau trong giải quyết các vấn đề tôn giáo, văn hóa, dân tộc. Nhóm khuyến nghị cuối cùng đề nghị Liên minh Nghị viện thế giới phối hợp chặt chẽ với Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các nghị viện thành viên tăng cường sáng kiến và hành động liên quan đến vấn đề tôn giáo, văn hóa. Qua gặp gỡ, trao đổi, nhiều Trưởng đoàn các nước cho rằng có thể nghiên cứu, áp dụng các khuyến nghị của Quốc hội Việt Nam vào nước mình.

Bên lề hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp gỡ, tiếp xúc với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran, Phó Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc. Các bạn đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, cho rằng vị thế Việt Nam càng ngày càng được nâng cao. Các bạn cũng đề xuất tăng cường hợp tác nghị viện, có quan hệ thường xuyên, trao đổi thường xuyên Đoàn cấp cao…

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trân trọng gửi thư mời các nước thành viên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tham dự Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội vào đầu năm 2018, lãnh đạo nghị viện các nước đã vui vẻ nhận lời.


Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức Đại hội đồng lần thứ 137 (IPU-137) có sự tham dự của hơn 160 nghị viện thành viên, số đại biểu chính thức lên tới 2.400 người, gần 100 Chủ tịch Quốc hội và 40 Phó Chủ tịch Quốc hội đã tham dự. Đại hội đồng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, nổi lên là sự trỗi dậy của trào lưu dân túy, dân tộc chủ nghĩa và xung đột sắc tộc, tôn giáo.


Tăng cường hợp tác Việt Nam-Kazakhstan

Rời Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lên đường thăm chính thức Cộng hòa Kazakhstan theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Kazakhstan Kassym Zhomart Tokayev và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Kazakhstan.

Trong cuộc 
hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin, hai nhà lãnh đạo cơ quan lập pháp hai nước đã trao đổi cụ thể, thực chất và thống nhất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng như quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, các nghị sỹ hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Kazakhstan Kassym Zhomart Tokayev; chào xã giao Thủ tướng Bakytzhan Sagintayev và có các cuộc gặp với Lãnh đạo Đảng cầm quyền Nur Otan, Đảng Cộng sản nhân dân Kazakhstan.




Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
 tại Trụ sở Hạ viện CH Kazakhstan ở thủ đô Astana. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin.
Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến với Chủ tịch Thượng viện CH Kazakhstan Kassym Zhomart Tokayev.
Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến với Chủ tịch Thượng viện CH Kazakhstan Kassym Zhomart Tokayev.
Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến với Thủ tướng CH Kazakhstan Bakhytzhan Sagintayev.
Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Ban lãnh đạo Đảng cầm quyền Nuotan của CH Kazakhstan.
Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

 

Trong các cuộc hội đàm, hội kiến và gặp gỡ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các nhà lãnh đạo, đại diện các đảng chính trị Kazakhstan đều bày tỏ vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian qua; khẳng định luôn dành những tình cảm tốt đẹp và sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Hai bên đã thống nhất thúc đẩy, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước, đưa các lĩnh vực hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất hơn và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.

Hai bên đánh giá, hợp tác giữa hai Quốc hội Việt Nam-Kazakhstan là kênh quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước; nhất trí sẽ tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp, bảo đảm lợi ích của người dân trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội.

Hai bên tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, cấp ủy ban và cơ quan phục vụ Quốc hội; phối hợp giám sát thực hiện các Thỏa thuận hợp tác mà Chính phủ hai nước đã ký, trao đổi thông tin về hoạt động nghị viện mỗi nước./.


Kazakhstan là nước có diện tích lớn nhất khu vực Trung Á, dân số chỉ hơn 16,6 triệu người, nhưng lại có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 8 trên thế giới. Việt Nam và Kazakhstan là thành viên Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực từ tháng 10/2016.

TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tháng 3 vừa qua theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Top