Tiêu điểm

Vắc xin cho cộng đồng

Việt Nam đang phải ứng phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư với quy mô, mức độ lây lan nhanh, lớn nhất từ trước đến nay. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đợt dịch lần này Việt Nam đã có những sáng tạo trong “chiến thuật.”, cùng với chống dịch "phòng thủ," Việt Nam đã chuyển sang chủ động tấn công với chiến lược vaccine.
Những nỗ lực tiếp cận vaccine phòng COVID-19

Hiện vaccine phòng COVID-19 được xem là “vũ khí” tối thượng đối với nhiều quốc gia nhằm thoát khỏi đại dịch. Từ kinh nghiệm thực tế diễn ra ở các nước đã thực hiện tiêm chủng cho thấy, chỉ có vaccine phòng COVID-19 mới đưa được cuộc sống trở lại bình thường.


Cho đến nay, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 Việt Nam đã đàm phán được là 170 triệu. Trong số này có 38,9 triệu liều vaccine từ chương trình COVAX, 30 triệu liều từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech...
Ngày 18/5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vaccine phòng COVID-19. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vaccine một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho nhân dân.

Trước đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngay từ rất sớm, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã có chủ trương về nhập khẩu, sử dụng, sản xuất, nghiên cứu đối với vaccine. Chính phủ cũng đã có những Nghị quyết, văn bản chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất và sử dụng vaccine trên tinh thần để người dân tiếp cận nhanh nhất, rộng nhất, đảm bảo miễn dịch cho từng người dân và cho cộng đồng.

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, từ nhiều tháng nay, Bộ Y tế đã liên tục có nhiều cuộc tiếp xúc, đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19 từ các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vaccine đều được phía Việt Nam hướng tới, nhằm tranh thủ mọi khả năng, nguồn lực để có vaccine sớm nhất, phấn đấu cuối năm 2021 sẽ có miễn dịch cộng đồng.



Sáng 11/6/2021, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để cho ý kiến về tình hình phòng, chống dịch COVID-19
và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Tham dự cuộc họp có các đồng chí trong Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
cùng đại diện các, bộ, ban, ngành liên quan. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Trí Dũng / TTXVN



Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio chuyển thông điệp của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
về việc Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine để phòng COVID-19. Ảnh: Dương Giang / TTXVN



GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và ngài Hùng Ba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa 
trao biên bản bàn giao lô hàng viện trợ gồm 500.000 liều vaccine và hơn 500.000 bơm kim tiêm. Ảnh: TTXVN phát

Tối 16/6, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài đã diễn ra lễ tiếp nhận lô gần 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch COVID-19. Vaccine này có tên là VAEVRIA Intramuscular Injection (tên khác COVID-19 Vaccine AstraZeneca Injection.
Vì vậy, Việt Nam đã là 1 trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng mua vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Việt Nam cũng là 1 trong 92 quốc gia được COVAX Facility hỗ trợ 38,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Đến nay, Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho 4 loại vaccine COVID-19 bao gồm: Comirnaty của Pfizer, A2D1222 của AstraZeneca, Sputnik-V của Gamalaya, Vero-Cell của Sinopharm cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID. Ngoài ra, vaccine Moderna cũng đang trong quá trình xem xét phê duyệt.


Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP / TTXVN



Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP / TTXVN



Lực lượng y bác sỹ Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Thủ Đức cùng các tình nguyện viên hoàn thành đợt ra quân chiến dịch tiêm chủng
vaccine phòng COVID-19 cho gần 1.000 cán bộ, nhân viên người lao động tại Công ty TNHH phần mềm FPT
và Công ty Nipro tại Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh. Dự kiến, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành
việc tiêm chủng 786.000 liều cho các lực lượng cán bộ, công nhân, lao động và lực lượng vũ trang sẽ hoàn thành trước ngày 27/6.



Trong ảnh là Khu vực chờ khám sàng lọc, tư vấn trước khi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 . Ảnh: Thanh Vũ / TTXVN

Theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên sẽ cần khoảng 150 triệu liều vaccine. Như vậy, nếu con số đàm phán 170 triệu liều sẽ được ký kết và về Việt Nam đúng theo cam kết của các đối tác, chúng ta hoàn toàn có thể đạt dược mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.

Ngày 19/6, Chính phủ ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP về mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC). Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca (AZ) sản xuất của Công ty VNVC với các điều kiện kèm theo.


Chiều 20/6, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế đã phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tiếp nhận 500.000 liều vaccine Vero-Cell của Sinopharm và 502.400 chiếc bơm kim tiêm chủng dùng 1 lần, loại 1ml.

Quỹ vaccine: Góp thêm nguồn lực đẩy lùi dịch bệnh COVID-19

Trước bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, một trong những chủ trương chiến lược của Việt Nam là mọi người dân đều được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Theo mục tiêu đề ra, Việt Nam cần đảm bảo vaccine tiêm chủng trong năm 2021 và cho những năm tiếp theo. Bộ Y tế đã tính toán và đưa ra số lượng dự kiến cần khoảng 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, tổng kinh phí ước tính khoảng trên 25.200 tỷ đồng.



Tối 05/6/2021, tại Hà Nội, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự Lễ ra mắt Qũy vaccine phòng COVID-19. Đại diện các tầng lớp nhân dân ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Dương Giang / TTXVN


Đại diện các tầng lớp nhân dân ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Dương Giang / TTXVN



Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và truyền thống tương thân tương ái, ngày 10/6/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico
tổ chức Lễ quyên góp ủng hộ Quỹ phòng, chống COVID-19 nhằm chung sức với đồng bào trong nước chống dịch. Ảnh: Việt Hùng / P/v TTXVN tại Mexico



Về kinh phí để mua vaccine, ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.

"Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch COVID-19." (Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19 tối 5/6)
Tiếp nối các sự kiện phát động quyên góp của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là một chủ trương của Đảng, Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị để huy động nguồn lực xã hội thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp cả ở trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách Nhà nước thực hiện hiệu quả "chiến lược vaccine" gồm mua, nhập khẩu vaccine, chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân.

Quyết định thành lập Quỹ sớm được ban hành đã nhận được sự ủng hộ của người dân cả nước. Thời gian qua, có rất nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp cho công tác phòng, chống dịch cũng như cho việc mua vaccine phòng dịch COVID-19.

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 22/6, quỹ đã tiếp nhận 6.882 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).

Vaccine Việt cho người Việt

Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, để kiềm chế dịch COVID-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine trong nước chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai các nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng vaccine “made in Việt Nam”.

Ngày 11/6/2021, Bộ Y tế đã có Quyết định số 2899/QĐ-BYT về việc phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nano Covax phòng COVID-19.


Nano Covax hiện là một trong 15 vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Trường hợp được cấp phép, Việt Nam có thể sản xuất 100 triệu liều/năm.
Tổ chức nhận thử nghiệm lâm sàng là Học viện Quân Y và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Địa điểm triển khai tại Học viện Quân Y, tỉnh Hưng Yên, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, Tiền Giang và một số đơn vị đủ điều kiện theo quy định tại các tỉnh triển khai nghiên cứu.

Đối tượng nghiên cứu từ 18 tuổi trở lên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn lựa chọn và không có bất kỳ tiêu chuẩn loại trừ nào theo đề cương nghiên cứu.

Số lượng đối tượng tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 dự kiến khoảng 13.000 người để đánh giá tính an toàn, đáp ứng miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vaccine (bao gồm 1.000 đối tượng để đánh giá giữa kỳ về tính an toàn và sinh miễn dịch).

Theo thông tin từ Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, các đơn vị nghiên cứu đã hoàn thành thử nghiệm 1.000 mũi tiêm đầu tiên thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine phòng COVID-19 Nanocovax.
 
Sau khi tiêm thử nghiệm cho 1.000 người đợt đầu tiên của giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine “made in Vietnam," Học viện Quân y sẽ tiếp tục tiêm thử nghiệm cho 12.000 người còn lại theo tỷ lệ 2:1, tức 2 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược.



Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, ngành và các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu 
và các doanh nghiệp trong nước về sản xuất vaccine phòng COVID-19 s
áng 7/6/2021 tại Trụ sở Chính phủ. Ảnh: Dương Giang / TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, động viên các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ tại Phòng miễn dịch
(Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y). Ảnh: Doãn Tấn / TTXVN



Nhân viên y tế tiêm vaccine Nano Covax phòng COVID-19 cho tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm đợt 3 tại Học viện Quân y. Ảnh: Minh Quyết / TTXVN

Một ứng viên vaccine phòng COVID-19 khác đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 là vaccine COVIVAC của Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang. Vaccine này đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 để chuyển tiếp nghiên cứu giai đoạn 2 tại Thái Bình.

IVAC dự kiến quy mô sản xuất khoảng 6 triệu liều vaccine/năm; Nanogen dự kiến quy mô sản xuất khoảng 20-30 triệu liều vắc xin/năm và cả hai đơn vị này đều có thể nâng công suất khi được đầu tư.

Ngoài ra, ngày 7/5/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Một doanh nghiệp Việt Nam đã thảo luận, đàm phán với Nhà sản xuất Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 từ tinh chất mRNA (vaccine này chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất 5 mg, có khả năng bảo vệ cao, dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2). Hiện tại vaccine đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn 1, 2.

Nhà máy do doanh nghiệp này đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều/năm dự định bắt đầu sản xuất từ Quý 4/2021 hoặc Quý 1/2022.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắcxin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.

VABIOTECH cũng đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine phòng COVID-19 Sputnik-V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm./.


Tính đến 16 giờ ngày 22/6/2021, Việt Nam tổng cộng đã thực hiện tiêm 2.569.156 liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 là 133.843 người.
Trọng Chính (tổng hợp)

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tháng 3 vừa qua theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Top