Nghệ thuật

Trình diễn các điệu múa di sản của Thủ đô

Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Hà Nội không chỉ hấp dẫn bởi nét đẹp của các công trình kiến trúc cổ, những món ăn tinh tế, cách cư xử của con người mà hơn thế nữa những giá trị văn hóa phi vật thể nơi đây vẫn còn được lưu truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Vừa qua, trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội lần thứ 2, người dân Thủ đô đã được tận mắt chứng kiến 30 tiết mục đặc sắc với các loại hình như: Ca trù, hát chèo, hát xẩm, hát dô, hát ví, hát trống quân, chèo tàu, cồng chiêng, rối cạn... được các nghệ nhân, người thực hành di sản đang sinh hoạt tại 10 câu lạc bộ đại diện cho các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội trình diễn. Đây đều là những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội đã được cộng đồng nỗ lực giữ gìn, bảo tồn, tái tạo và trao truyền suốt nhiều năm qua.
 
Mở đầu chương trình là phần trình diễn của Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Cồng chiêng là nhạc cụ mang giá trị văn hóa quan trọng trong đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường. Cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Chính vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật trong ngôi nhà của mình và giữ gìn qua các thế hệ.
 
Tiếp đến người xem được mãn nhãn với các tiết mục múa rối cạn do các nghệ nhân phường rối Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức trình diễn. Múa rối là nghệ thuật dân gian truyền thống có nguồn gốc từ nền văn minh nông nghiệp. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngoài các phường rối nước thì phường rối cạn Tế Tiêu có nét đặc sắc rất riêng. Rối cạn Tế Tiêu có bề dày lịch sử hơn bốn trăm năm. Năm Hưng Phúc 1573, một vị quan tên là Trần Triều Đông Hải đã về Tế Tiêu khai khẩn đất hoang, lập làng giữ nước, dạy dân trồng cấy và sáng tạo ra nghề rối. Và nặng tình yêu với nghệ thuật truyền thống của cha ông, các nghệ nhân phường rối Tế Tiêu đã dày công gìn giữ đến hôm nay nghệ thuật múa rối cạn.
 


Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2 được diễn ra taị khhu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).


Phần trình diễn của Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất.



Rối cạn Tế Tiêu có bề dày lịch sử hơn bốn trăm năm. 

 

Tiết mục múa rối cạn do các nghệ nhân phường rối Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức trình diễn.



Xẩm là một loại hình dân ca của miền Bắc, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ.


Các cháu thiếu nhi, phụ huynh đến từ CLB truyền thống UNESCO Hà Nội và Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch trình bày tiết mục hát xẩm.


Lớp bồi dưỡng hạt nhân nghệ thuật truyền thống Thanh Xuân và nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung với các tiết mục Xẩm và chèo cổ.



Phần trình diễn Ca trù của các ca nương, kép đàn đến từ CLB Ca trù Hoa Hựu, ca nương An Như, Thúy Nga, trống chầu Văn Hựu, đàn đáy Linh Hương.



Khi nhắc đến Ca trù, không chỉ những người làm nghề, mà đông đảo nhân dân và du khách quốc tế đã dành sự quan tâm cho di sản phi vật thể độc đáo này.



CLB Ca trù Chanh Thôn, huyện Phú Xuyên là một trong những CLB có truyền thống lâu đời
cũng về tham dự với trống chầu NNUT Nguyễn Văn Vằng và đàn đáy NNUT Nguyễn Hồng Ngưu.



Phần trình diễn hát trống quân của CLB Trống quân xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ.



Hát trống quân là loại hình dân ca thi tài đối đáp thông qua những câu hát giao duyên
có nội dung trao đổi về kinh nghiệm sống giữa nam, nữ thanh niên, rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam.



Hát chèo tàu là loại hình nghệ thuật dân gian chỉ có ở Tân Hội, huyện Đan Phượng. Gọi là chèo tàu nhưng lại diễn xướng trên cạn.



Hội hát chèo tàu ở Tân Hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ vị tướng Văn Dĩ Thành, người đã có công đánh đuổi quân Minh xâm lược, bảo vệ quê hương.



Phần biểu diễn hát Ví của các nghệ nhân đến từ CLB Hát Ví xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai.



Hát Ví là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian gắn liền với sinh hoạt của nhân dân vùng châu thổ Bắc Bộ.

Hát chèo tàu là loại hình nghệ thuật dân gian chỉ có ở Tân Hội, huyện Đan Phượng. Gọi là chèo tàu nhưng lại diễn xướng trên cạn. Hội hát chèo tàu ở Tân Hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ vị tướng Văn Dĩ Thành, người đã có công đánh đuổi quân Minh xâm lược, bảo vệ quê hương. Người dân đã kết hợp những truyền thống ca hát vốn có của vùng đất này để tạo ra một lễ hội đặc sắc tưởng nhớ ông. Nội dung của tất cả các bài hát đều là ca ngợi hoặc kể lại những chiến công, những trận đánh xưa kia của vị tướng Văn Dĩ Thành. 
 
Xẩm là một loại hình dân ca của miền Bắc, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Trải qua nhiều thăng trầm, ngày nay, hát Xẩm vẫn được ưa thích, nhiều nghệ nhân và các nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu, bảo tồn và phát huy giá trị. CLB truyền thống UNESCO Hà Nội là một ví dụ, nơi đây đã thu hút và đánh thức được niềm đam mê Xẩm của các cháu thiếu nhi cùng phụ huynh.
 
“Tôi rất mừng vì ngày càng nhiều cháu nhỏ cùng phụ huynh yêu thích nghệ thuật xẩm và tìm đến học. Đấy là dấu hiệu đáng mừng cho thấy nghệ thuật hát xẩm nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung đã có sức lan tỏa và thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ”, nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch chia sẻ.
 
Đặc biệt, liên hoan này không chỉ là “sân chơi” để các nghệ nhân có dịp “phô diễn” mà còn là dịp để cộng đồng tiếp cận gần hơn và hiểu hơn về di sản. Bạn Phùng Thị Hà, 20 tuổi, phường Định Công (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được tiếp cận với nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Mỗi loại hình đều mang những nét đặc trưng, hấp dẫn. Nếu không đến xem hôm nay có lẽ em sẽ không biết Hà Nội có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, thú vị đến vậy”.

Văn hóa phi vật thể  là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc phát huy các di sản văn hóa dân gian trong đời sống đương đại không chỉ là bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản, mà còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp để văn hóa ấy không chỉ mang lại giá trị tinh thần cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội và là nền tảng cho chúng ta khi hội nhập thế giới./.

 
Bài và ảnh: Trần Thanh Giang

Vầng trăng trinh liệt - cách kể khác về 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc

"Vầng trăng trinh liệt" - cách kể khác về 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc

Vở kịch nói "Vầng Trăng Trinh Liệt" là một tác phẩm nghệ thuật sân khấu tiêu biểu của Nhà hát Kịch nói Quân đội, được dàn dựng dựa trên kịch bản "Mười cô gái Đồng Lộc" của nhà văn Hà Đình Cẩn. Vở diễn đã tái hiện một cách chân thực và xúc động câu chuyện về cuộc đời, chiến đấu và hy sinh anh dũng của 10 cô gái Thanh niên xung phong (TNXP) tại Ngã ba Đồng Lộc trong những năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Top