Nghệ thuật

Thư pháp Việt trên đá cuội

Từ những viên đá cuội thô cứng vô tri, bằng đôi tay tài hoa, khéo léo và tâm hồn nhạy cảm của một người nghệ sĩ chốn thiền môn, Đại đức Thích Giác Thiện (sinh năm 1979) đã trình bày lên đó những tác phẩm thư pháp tiếng Việt tuyệt đẹp và có nội dung mang đậm ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Đại đức Thích Giác Thiện có duyên với Phật pháp từ nhỏ khi lần lượt tu tại Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định, sau đó theo học tại Đại học Phật giáo Vạn Hạnh (Tp. Hồ Chí Minh). Thấy mình có năng khiếu viết thư pháp, thầy đã cố gắng rèn luyện, đồng thời tự mày mò sáng tạo thêm. Năm 2002, trong một lần sang Ấn Độ để thọ giới chính thức tại Bồ Đề Đạo Tràng, thấy nơi đây có những dòng kinh Phật được khắc lên đá rất lạ, thầy Giác Thiện đã nảy ra ý nghĩ sẽ viết kinh Phật bằng thư pháp tiếng Việt lên đá để truyền tải lời Phật răn dạy.


Đá dùng để viết thư pháp là các loại đá cuội to nhỏ, hoặc đá bán quý, đá quý có ở nhiều nơi trong nước.


Những ngọn bút lông dùng để viết thư pháp trên sỏi của Đại đức Thích Giác Thiện.


Những nét bút mềm mại và hoa mỹ của Đại đức Thích Giác Thiện trên viên sỏi thô cứng.


Đại đức Thích Giác Thiện đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam
xét công nhận kỷ lục "Người viết chữ thư pháp trên đá nhiều nhất Việt Nam”.

Ngày 22/04/2010, Đại đức Thích Giác Thiện đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "Người viết chữ thư pháp trên đá nhiều nhất Việt Nam”. Tháng 11 năm 2013, thầy Giác Thiện được Bộ Văn hóa Mỹ mời triển lãm thư pháp tiếng Việt tại Festival Quốc tế Vermont, được bạn bè quốc tế khen ngợi vì sự độc đáo và sáng tạo trên những viên đá cuội.
Trở về nước, thầy đi nhặt những viên đá cuội ở sông suối, núi non mang về tập viết. Theo thầy Giác Thiện cho biết, khắc chữ thường lên đá đã khó, để khắc được những chữ thư pháp lên đá cuội, một thứ đá giòn dễ vỡ càng khó hơn. Vì thế đòi hỏi người làm phải có một quá trình rèn luyện công phu, kiên nhẫn. Từ công đoạn chọn viên đá phù hợp với từng nội dung muốn viết, dùng máy khoan khắc chữ thư pháp lên thân đá rồi tô mực làm nổi bật con chữ là cả một quá trình rất tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo. Tùy số lượng chữ, nội dung chữ mà người làm có cách chọn viên đá sao cho phù hợp và mang tính mỹ thuật cao.

Năm 2005, Đại đức Thích Giác Thiện thực hiện những tác phẩm thư pháp Việt trên đá đầu tiên trên những cột đá trong chùa Diêu Phong (Tuy Phước) khi trở về quê nhà làm trụ trì tại ngôi chùa này.

Nội dung các bức thư pháp trên đá của thầy Thích Giác Thiện thường là những lời giáo huấn của Đức Phật, hoặc những lời hay ý đẹp của các bậc danh nhân, học giả... Qua bàn tay sáng tạo của thầy Giác Thiện, những viên đá thô cứng trở nên có thần, chúng không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn hàm chứa những nội dung tốt đẹp có tác dụng răn dạy, giáo dục con người.

Mười năm qua, Đại đức Thích Giác Thiện đã sáng tạo hàng chục ngàn tác phẩm như thế, đã mang đi giới thiệu ở nhiều nơi, nhiều sự kiện văn hóa trong nước và quốc tế. Hội quán Thạch Thiện (quận 5, Tp. Hồ Chí Minh) do Đại đức Thích Giác Thiện xây dựng từ lâu đã là nơi giao lưu, trao đổi, tìm hiểu về thư pháp, kinh Phật. Thầy Giác Thiện cũng thường xuyên mở những lớp viết thư pháp Việt miễn phí, vừa là việc thiện nguyện, vừa góp phần giới thiệu và giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt./.


Một tác phẩm thư pháp Việt trên đá cuội của Đại đức Thích Giác Thiện:




























 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

Cô gái trẻ kể chuyện văn hóa Việt qua board game

Cô gái trẻ kể chuyện văn hóa Việt qua board game

Bằng tình yêu dành cho nghệ thuật, tín ngưỡng và truyện dân gian, Nguyễn Thị Mỹ Linh đã tạo nên một sản phẩm đầy sáng tạo là  bộ board game lấy ý tưởng từ câu chuyện dân gian Việt Nam là “Sơn Tinh – Thủy Tinh” để vừa cho người chơi chơi giải trí, vừa góp phần truyền tải giá trị truyền thống theo cách hiện đại.

Top