Kinh tế

Thêu May Mỹ Đức - Điểm sáng kinh tế làng ven đô

Công ty Cổ phần Thêu May Mỹ Đức với những sản phẩm may quần áo xuất khẩu sau 18 năm hành trình xây dựng và phát triển đã trở thành điểm sáng kinh tế làng ven đô của Hà Nội. Những sản phẩm thời trang của công ty đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia như: Hàn, Mỹ, Nhật...

Chị Bùi Thị Hoàn lớn lên ở làng nghề dệt truyền thống huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Với tài năng may thêu của người phụ nữ làng quê, chị đã học nghề, gây dựng sự nghiệp từ những bước đi đơn giản nhất là may, thêu các sản phẩm đính cườm thủ công. Năm 2004, chị bắt đầu mở xưởng thêu tay, đan móc ở thôn Mỹ Tiên, xã Bột Xuyên. Vừa làm vừa học hỏi, cộng với sự kiên cường bản lĩnh của người phụ nữ, khi sản phẩm đã chinh phục được thị trường trong nước chị quyết tâm mở rộng mảng xuất khẩu ra quốc tế. Chị nhận định rằng, thị trường may mặc đang rộng mở, người Việt Nam đủ tố chất để làm ra những sản phẩm bền đẹp có sức cạnh tranh với quốc tế. 

Chị Bùi Thị Hoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thêu May Mỹ Đức.
Những cuộc trao đổi với lãnh đạo các phòng ban trong công ty nhằm đưa ra những ý kiến đóng góp để các sản phẩm của công ty ngày càng hoàn thiện hơn.

Với niềm tin đó chị Hoàn cùng chồng đã đầu tư 5000m2 xây nhà xưởng tại xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức. Những ngày đầu mở xưởng, các phân xưởng của công ty Thêu May Mỹ Đức sáng đèn cả đêm, công nhân tăng ca liên tục để đơn hàng được xuất kho đúng thời hạn, bản thân chị Hoàn cũng có những ngày làm việc đến 3h sáng. Điều động viên quý giá cho sự nỗ lực của từng thành viên trong công ty là sản phẩm từ đường may, mũi chỉ đến phom dáng đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế, được khách hàng đánh giá cao và công ty đã đón nhận những đơn hàng lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Công nhân đang thực hiện công đoạn cắt vải.
Hệ thống máy may hiện đại của Công ty.
Công nhân đang trong công đoạn đính khuy lên sản phẩm áo.
Các công đoạn hoàn thiện sản phẩm được sắp xếp theo quy trình và rất khoa học.
Các công nghệ mới luôn được công ty cập nhật để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.
Để có được những sản phẩm có chất lượng tốt chị Bùi Thị Hoàn luôn sát sao trong công việc.

 

Trong 3 năm (2013- 2015), Công ty Cổ phần Thêu May Mỹ Đức đã xây dựng, mở rộng 2000 m2 xưởng sản xuất, đưa dây chuyền may công nghiệp vào từng phân xưởng. Doanh nghiệp đã xây thêm kho chứa nguyên phụ kiện, nhà xe cho công nhân, nhà ăn và văn phòng làm việc. Mỗi tháng Công ty đã xuất khẩu ra thị trường các nước hơn 1 triệu sản phẩm gồm quần áo thể thao nam, nữ, áo choàng mùa đông, quần áo trẻ em, trang phục bảo hộ kháng khuẩn, ... Tốc độ tăng trưởng của công ty là 20% một năm. Công ty cũng mở thêm một cơ sở sản xuất may mặc tại xóm 4 xã Phúc Lâm với diện tích nhà xưởng là 500 m2, tạo việc làm mới cho 100 lao động của làng quê giúp họ có thu nhập ổn định với 8 triệu đồng/ người/ tháng.

Các phân xưởng đều được trang bị các máy may hiện đại như máy trần đè điện tử, máy thùa bộ, máy một kim điện tử. Hệ thống dây chuyền máy may điện tử công nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài để nâng công suất cắt may chuyên nghiệp với năng xuất cao. 

Điều đặc biệt làm nên điểm sáng của doanh nghiệp địa phương này chính là ở tầm nhìn của người lãnh đạo và sự đoàn kết, say mê học hỏi của công nhân. Hàng năm, Công ty thường cử công nhân đi học tập, nâng cao trình độ tay nghề và tham gia các hội chợ tại thị trường Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan. Chị Bùi Thị Hoàn chia sẻ: Năm 2010 lần đầu tiên, chị ra quyết định cử nữ nhân viên xuất khẩu Phùng Thị Thùy Linh đi học ở Mỹ. Điều này đã tạo ra sự thành công ngoài mong đợi, không chỉ có Thùy Linh liên tục mang về cho công ty những đơn hàng mới mà cô còn mang niềm tự hào về sản phẩm may của làng nghề Mỹ Đức tự tin giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Công ty phát triển, ngoài doanh số để tiếp tục đầu tư sản xuất, ban lãnh đạo công ty đã đầu tư chiến lược cho nhân sự  và áp dụng công nghệ tiên tiến nhất của thế giới trong ngành may vào quá trình sản xuất. 

 


Một số sản phẩm may của Công ty Cổ phần Thêu May Mỹ Đức.

 

Năm 2012, Công ty Thêu May Mỹ Đức được nhận "Bảng vàng lưu danh" do nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao tặng. Giám đốc Bùi Thị Hoàn nhận danh hiệu " Người tốt việc tốt" do chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức vinh danh. Công đoàn ngành dệt may Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Sở Công thương Thành phố Hà Nội tặng nhiều giấy khen. Trong nhiều năm liền, Công ty đều là điểm sáng kinh tế của Mỹ Đức đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước với những đóng góp tích cực cho cộng đồng. 

Anh Hà, quản lý nhà máy chia sẻ: “Chiến lược của Thêu May Mỹ Đức là khẳng định thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế, khẳng định tay nghề của người Việt Nam và quan trọng hơn nữa là cùng đồng hành với người lao động làm đẹp làm giàu hơn nữa cho làng quê Hà Nội” ./.

Bài: Bích Vân, ảnh: Thanh Giang

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top