Mới đây, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng Nam Định đã tổ chức triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” với mục đích cung cấp những kiến thức cơ bản cho người xem về hình tượng các linh vật tiêu biểu trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.
Triển lãm trưng bày gần 60 hiện vật là hình tượng sư tử và nghê từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn, được tạo tác bằng các chất liệu đá, gốm, sành, gỗ, đồng.
Tới tham quan các tác phẩm, người xem được tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình và ý nghĩa văn hóa của hình tượng linh vật sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Đó là những linh vật đi suốt cả chiều dài lịch sử dân tộc, mang theo những giá trị văn hóa mà ông cha ta từ hàng nghìn năm trước để lại.
Sinh viên Khoa Mỹ thuật Công Nghiệp trường Đại học Hòa Bình tham quan Triển lãm.

Triển lãm còn thu hút cả sự quan tâm của du khách nước ngoài.

Hình ảnh cửa Hiển Nhơn trong Hoàng Thành Huế với 2 con nghê đá chầu trước cửa.
Người xem thích thú với tác phẩm sư tử đá được làm từ thế kỷ 11 của chùa Bà Tâm (Hà Nội). Tác phẩm này được các nghệ nhân tạo hình mang nét hiền hòa, uyển chuyển, không khoe cơ bắp hay sự dữ dằn như tạo hình của sư tử Trung Quốc.
Hay như hình ảnh “nghê” được làm từ chất liệu gỗ (thế kỷ 17) tại đền vua Lê Thánh Tông (Thanh Hóa) cũng mang đến cho người xem những kiến thức mới. Tác phẩm có hình dáng oai vệ nhưng vẫn giữ được những hoa văn họa tiết đẹp, hiền hòa mang dấu ấn văn hóa Việt Nam .
Tới tham quan triển lãm, NSND Nguyễn Dân Quốc đã bày tỏ ý định trong các thiết kế sân khấu sắp tới của ông sẽ có các hình tượng nhân vật nghê và sư tử của Việt Nam với một hình ảnh thuần nhất.
Theo PGS – TS Nguyễn Đỗ Bảo cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sự xuất hiện của những linh vật như sư tử đá ngoại lai tại một số công sở, di tích hoặc trong không gian văn hóa người Việt đã trở thành một vấn đề đáng quan tâm và bức xúc trong dư luận thời gian qua. Triển lãm là dịp quan trọng để nâng cao nhận thức thẩm mỹ của công chúng, hướng đến mục đích không sử dụng các biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Nghê gỗ (thế kỷ 17) ở đền thơ vua Lê Thánh Tông (Thanh Hóa).

Bộ lư hương bằng gồm và đôi nghê gỗ (thế kỷ 19).

Sư tử đá (thế kỷ 11) ở chùa Bà Tâm (Hà Nội).

Đôi nghê đá (thế kỷ 17).

Chậu cảnh hình nghê đất nung (thế kỷ 19).

Nghê đồng (thế kỷ 17) ở thôn Hồng Tâm (Nam Định).
Bài, ảnh: Trần Thanh Giang