Tháp Bình Sơn: Kiệt tác kiến trúc thời Lý - Trần

Tháp Bình Sơn: Kiệt tác kiến trúc thời Lý - Trần

Giữa vùng đất Tam Sơn yên bình, nép mình bên dòng sông Lô thơ mộng, một ngọn tháp gạch cổ màu đỏ thẫm vẫn lặng lẽ vươn cao suốt hơn bảy thế kỷ. Đó chính là Tháp Bình Sơn – kiệt tác kiến trúc thời Lý- Trần (1009 - 1400), hiện được xếp hạng Di tích quốc  gia đặc biệt và đã trở thành biểu tượng văn hóa tự hào của người Phú Thọ.

Nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh, xã Tam Sơn, tỉnh Phú Thọ, Tháp Bình Sơn là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo cổ còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam hiện nay. Với kiến trúc độc đáo, kỹ thuật xây dựng điêu luyện và giá trị lịch sử đặc biệt, ngọn tháp được ví như một biểu tượng trường tồn của văn hóa thời Lý-Trần.

Phần chân tháp rêu phong cổ kính – dấu tích của thời gian.

Tháp Bình Sơn hiện còn lại 11 tầng cùng một tầng bệ, tổng chiều cao khoảng 16,5 mét. Các tầng tháp thu nhỏ dần, tạo nên dáng vẻ thanh thoát và vươn cao như một đóa sen. Phần bệ chân tháp có chiều dài mỗi cạnh khoảng 4,45 mét, trong khi tầng trên cùng chỉ 1,55 mét, tạo cảm giác cân đối hài hòa và chắc chắn. Tháp không có lối đi lên bên trong, mà là xây đặc – hình thức đặc trưng của loại tháp thờ hoặc tháp mộ trong kiến trúc Phật giáo.

Tháp Bình Sơn nhìn từ trên cao.

Một điểm đặc biệt của Tháp Bình Sơn là kỹ thuật xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung thủ công không vữa. Các viên gạch được thiết kế với mộng khớp, gờ chỉ và mấu gắn kết chặt chẽ với nhau – một kỹ thuật lắp ráp xây dựng tinh xảo. Tổng cộng, ngọn tháp được xây dựng từ khoảng 13.000 viên gạch. Sự chắc chắn và bền bỉ của kết cấu này đã giúp công trình vượt qua bao biến động của thời gian, khí hậu và chiến tranh.

Gạch thân tháp được ốp vuông vức, phủ kín toàn bộ bề mặt tháp.

Điểm nhấn về mặt mỹ thuật của tháp chính là hệ thống hoa văn trang trí phong phú, đặc sắc. Tầng bệ và tầng 1,2 được chạm trổ tinh xảo các đề tài rồng thời Trần, hoa cúc, cánh sen, lá đề, tháp tỏa hào quang… tạo nên một tổng thể trang trí thẩm mỹ tuyệt mỹ, vừa thể hiện rõ tinh thần Phật giáo. Từ tầng 3 trở lên, hoa văn được giản lược dần, chủ yếu là các đường chỉ, hoa văn nhỏ gọn, khiến phần thân trên trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Sự chuyển tiếp giữa phần chân vững chãi và phần thân tháp thanh mảnh tạo nên một tổng thể rất hài hòa.

Tháp cao 14,7m, chân rộng gần 4,5m, được xây từ hơn 13.000 viên gạch đất nung.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng Tháp Bình Sơn có thể từng là tháp thờ xá lợi hoặc tháp lưu giữ kinh sách, gắn với chùa Vĩnh Khánh – một trung tâm Phật giáo xưa. Dù không còn ghi chép lịch sử rõ ràng, song dấu tích kiến trúc và nghệ thuật còn lại đủ để khẳng định vai trò quan trọng của công trình trong đời sống văn hóa – tín ngưỡng của vùng đất này suốt hàng trăm năm.

Dù bị mài mòn bởi thời tiết, tháp vẫn giữ dáng vẻ uy nghi, bền bỉ theo năm tháng.
Tháp mang hình khối thanh thoát, hoa văn tinh xảo – một kiệt tác kiến trúc thời Trần.
Một trong những tượng thờ cổ tại chùa Vĩnh Khánh.

Với những giá trị nổi bật về lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật, Tháp Bình Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2016 – cấp độ bảo tồn cao nhất đối với các di tích lịch sử – văn hóa ở Việt Nam.

Du khách chiêm ngưỡng tuyệt tác kiến trúc Tháp Bình Sơn.

Không chỉ là một biểu tượng văn hóa của Phú Thọ, Tháp Bình Sơn còn là di sản kiến trúc quý hiếm của cả nước. Giữa những đổi thay của thời cuộc, ngọn tháp vẫn sừng sững như một chứng nhân lặng lẽ, nhắc nhở hậu thế về một thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo ở Tam Sơn.

Thực hiện : Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam


Top