Nghệ thuật

Sơn mài Bình Dương

Trải qua hơn 300 năm phát triển, nghệ thuật sơn mài của tỉnh Bình Dương đã trở thành một trong những vốn quý về mĩ thuật, thể hiện bản sắc văn hóa của địa phương. Nó thực sự là dấu ấn trong đời sống của người dân nơi đây với biết bao sản phẩm, góp phần vào di sản truyền thống mĩ thuật Việt Nam.
Nghề sơn mài ở Bình Dương có từ thế kỉ 17, sau quá trình di dân từ miền Trung, miền Bắc vào vùng đất mới. Sau thời gian khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp, người dân đã thực hiện những bức tranh sơn mài đầu tiên, chủ yếu qua việc quét sơn vẽ tranh phong cảnh về cây đa, bến nước, mái đình, lũy tre làng... Từ lối sáng tác cha truyền con nối, các lớp nghệ nhân sơn mài Bình Dương đã dày công gửi gắm cả tâm huyết để dần hoàn thiện thành tác phẩm sơn mài nghệ thuật độc đáo bằng vẻ đẹp lộng lẫy và sâu lắng. Đặc biệt, sơn mài Bình Dương vẫn luôn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà tính cách Á Đông. Với nguồn nguyên liệu gỗ các loại, kết hợp với sơn dầu Phú Thọ, một loại chất liệu có màu sắc đẹp, lạ, bóng, bền, nghệ nhân đã tạo nên lớp men đen bóng đặc trưng cho những tác phẩm sơn mài Bình Dương.
 

Sơn mài Bình Dương luôn giữ được vẻ đẹp truyền thống và mang đậm phong cách Á Đông.

Một xưởng sản xuất sản phẩm sơn mài tại làng nghề Tương Bình Hiệp ở Bình Dương.

Sản phẩm sơn mài Bình Dương đa dạng về kiểu cách và phong phú về chủng loại.

Sản xuất sản phẩm độc bình sơn mài tại cơ sở Tư Bốn ở xã Tương Bình Hiệp.

Nghệ thuật vẽ trang trí trên sơn mài.

Nghệ thuật vẽ trang trí trên sơn mài.

Có thể nói Bình Dương, mà cụ thể là ở thị xã Thủ Dầu Một là vùng đất duy nhất cả nước chứa đựng đầy đủ 3 loại hình của sơn mài truyền thống, đó là: sơn mài trang trí, sơn mài ứng dụng và tranh sơn mài. Thông qua các đặc điểm nghệ thuật và kĩ thuật làm sơn mài, các nghệ nhân, họa sĩ đã khéo kết hợp giữa truyền thống và cách tân để tạo nên một địa danh nghệ thuật, một thương hiệu nổi tiếng, đó là: Sơn mài Bình Dương.

Ông Lê Bá Linh, chủ cơ sở sơn mài Tư Bốn ở xã Tương Bình Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một cho biết, để sản xuất ra một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh, từ gỗ nguyên liệu đến khâu cuối cùng phải qua một quy trình với 25 công đoạn. Trong đó, để bảo đảm độ phẳng, bóng láng, nghệ nhân phải gia công rất kĩ lưỡng từng công đoạn và trung bình mỗi sản phẩm phải mất khoảng 3 tới 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng. Theo thời gian, sản phẩm sơn mài Bình Dương ngày càng đạt được những giá trị cao hơn về nghệ thuật nhờ những bí quyết nghề nghiệp được truyền thụ trong từng gia đình, dòng họ.

Theo ông Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh Bình Dương, đỉnh cao của sơn mài Bình Dương là vào những năm 1945 - 1975. Hàng sơn mài giai đoạn này đã xuất khẩu sang các nước châu Âu và có giá trị thương mại lớn bởi trình độ mĩ thuật, chất lượng nghệ thuật cũng như sự đa dạng phong phú về mẫu mã. Tại các Hội chợ Munich (CHLB Đức) 1964, Hội chợ Công Thương Sài Gòn 1974, Triển lãm Kinh tế - Khoa học Kĩ thuật toàn quốc 1975... đại diện sơn mài Bình Dương đều giành được Huy chương Vàng.

Từ lâu, sơn mài Bình Dương đã được định hình và phát triển chủ yếu tại các phường, xã Chánh Nghĩa, Phú Cường, Tương Bình Hiệp, Tân An, Định Hòa thuộc thị xã Thủ Dầu Một. Riêng xã Tương Bình Hiệp được coi là chiếc nôi của nghề sơn mài Bình Dương. Tại đây hiện có tới hơn 400 hộ hoạt động kinh doanh, sản xuất liên quan đến lĩnh vực sơn mài. Sản phẩm sơn mài của Tương Bình Hiệp rất đa dạng như: tranh, bình, lọ, đĩa, vòng tay, hộp… cho đến bàn, ghế, giường, tủ các loại và được thể hiện bằng nhiều cách như sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc.

Do chịu đựng tốt khí hậu vùng hàn đới châu Âu, không bị bong nứt hoặc biến dạng, nên các sản phẩm sơn mài Bình Dương thường được ưa chuộng tại thị trường các nước EU. Hiện các cơ sở sơn mài Bình Dương đang định hướng chiến lược sản xuất các sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu, kết hợp với tập trung cải tiến kĩ thuật, mẫu mã để thu hút lượng khách hàng, phát triển kinh tế làng nghề.
 

Hình ảnh gà theo phong cách truyền thống trong tranh sơn mài Bình Dương.

Vẻ đẹp sông nước bình dị và đằm thắm trong tranh sơn mài Bình Dương.

Người nghệ nhân phải trải qua 25 công đoạn tỉ mỉ và công phu
mới cho ra một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh.

"Thầy đồ", một chủ đề truyền thống
được thể hiện trong tranh sơn mài Bình Dương.

Mô típ nghệ thuật truyền thống "trăng, thuyền, sông nước" 
được thể hiện khá độc đáo trong tranh sơn mài 
Bình Dương.

Sự kết hợp giữa chủ đề tân thời
và cổ điển trong tranh sơn mài Bình Dương.

Ngày nay, kế thừa truyền thống nghệ thuật đặc sắc của làng nghề cùng với kĩ thuật hiện đại, nghệ thuật sơn mài Bình Dương luôn đem lại nguồn cảm hứng thẩm mĩ bất tận cho nhiều nghệ sĩ, là tiếng nói nghệ thuật thú vị giúp bạn bè trong nước và thế giới hiểu thêm về một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Hữu Thành

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Hữu Thành

Những trang sử bằng hình sắc – Hòa quyện nghệ thuật và ký ức lịch sử

“Những trang sử bằng hình sắc” – Hòa quyện nghệ thuật và ký ức lịch sử

Sáng 19/12/2024 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội), triển lãm nghệ thuật “Những trang sử bằng hình sắc” chính thức khai mạc thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật và những người muốn tìm lại ký ức lịch sử hào hùng.

Top