Tiêu điểm

Shangri-La 2018: Đối thoại và xây dựng lòng tin để giải quyết các thách thức

Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp và thay đổi sâu sắc, Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 - diễn đàn được trông đợi nhất thảo luận về tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Singapore từ 1-3/6.
Dẫn đầu Đoàn Đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự đối thoại là Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh.

Việt Nam khẳng định tự chủ, hợp tác là nền tảng cho hòa bình:
Tại đối thoại, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, có bài phát biểu được nhiều quan chức quốc phòng và học giả các nước đánh giá cao, trong đó khẳng định một cách rõ ràng quan điểm của Việt Nam đối với các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế.

Trên cơ sở phân tích và đánh giá khách quan về diễn biến tình hình và các thách thức an ninh đang nổi lên tại khu vực, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, độc lập, tự chủ, tăng cường hợp tác và tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của an ninh, hòa bình và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới.

Đại diện Việt Nam cũng một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua các cơ chế đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế; thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương. Quan điểm này của Việt Nam được nhiều đại biểu chia sẻ. Thông qua diễn đàn, một lần nữa, Việt Nam lại đóng góp tích cực, chủ động và thể hiện trách nhiệm xây dựng của mình nhằm thiết lập một trật tự an ninh khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.



Bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam
gặp song phương Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis. Ảnh: Xuân Vịnh / Phóng viên TTXVN tại Singapore


Bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam
đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Hon Ron Mark.
Ảnh: Xuân Vịnh / PvTTXVN tại Singapore


Bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam
có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Vương Quốc Anh Gavin Williamson. 
Ảnh: Xuân Vịnh / Phóng viên TTXVN tại Singapore.


Bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam
có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Heng.
Ảnh: Xuân Vịnh - Phóng viên TTXVN tại Singapore.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng khẳng định trong cấu trúc an ninh khu vực thì ASEAN là một mẫu hình hợp tác, liên kết thành công của các nước vừa và nhỏ; ngày càng đóng vai trò tích cực, trung tâm cho những nỗ lực chung. ASEAN cũng đã góp phần định hình cấu trúc an ninh, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định của châu Á-Thái Bình Dương.

Bên lề Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 17, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã lần lượt có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng New Zealand Ron Mark; Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Gavin Williamson; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore Ng Eng Heng và các cuộc gặp song phương với các Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Pháp và Nhật Bản.
Đối với vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch một lần nữa nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên định và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); vừa là biện pháp xây dựng lòng tin chiến lược giữa ASEAN với Trung Quốc, vừa thể hiện quyết tâm của các nước đóng góp cho một trật tự an ninh khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.

Việt Nam cho rằng mọi hành động vi phạm chủ quyền của nước khác, quân sự hóa và gia tăng sức mạnh quân sự đều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đi ngược lại các cam kết khu vực. Thay vào đó, các bên có liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.

Các nước cần có trách nhiệm hơn với an ninh châu Á-Thái Bình Dương:
Châu Á nói chung và châu Á-Thái Bình Dương nói riêng vẫn tiếp tục trở thành nơi can dự, tương tác và cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ của các nước lớn trên thế giới. Trong khi đó, trật tự an ninh tại khu vực lại đang dần thay đổi theo diễn biến thực trạng cùng sự phân chia cán cân quyền lực trên thế giới.

Thêm vào đó là một loạt thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và phát triển khu vực như khủng hoảng hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và các hành động đơn phương, thiếu kiềm chế của một số bên liên quan… Hàng loạt thách thức an ninh khu vực thời gian qua khiến cho yêu cầu phải đối thoại để xây dựng lòng tin và nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực trở nên đặc biệt cấp thiết.

Do đó, tại cuộc đối thoại lần này đại biểu các nước đều có chung nhận định, cần phải tăng cường đối thoại, phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của mỗi quốc gia để cùng chung tay hóa giải thách thức, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực.



Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại phiên khai mạc
Đối thoại Shangri-La tại Singapore
 (SLD) lần thứ 17,ngày 1/6. Ảnh: AFP / TTXVN.


Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tham dự phiên toàn thể thứ nhất
Đối thoại Shangri-La lần thứ 17. Ảnh: Việt Dũng / PV TTXVN tại Singapore.


Ngày 2/6/2018, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch phát biểu tại phiên thảo luận
“Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á”. Ảnh: Việt Dũng / PV TTXVN tại Singapore.


Các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore ngày 2/6. THX / TTXVN.

Bất chấp những bất đồng, các nước đều để ngỏ xu thế đối thoại và hợp tác để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng lòng tin. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết nước này sẵn sàng hợp tác xây dựng với Trung Quốc dựa trên một mối quan hệ "hướng đến những thành quả," đồng thời, Mỹ cũng tăng cường hợp tác an ninh với các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hàn Quốc đề cao vai trò của đối thoại và ngoại giao trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Có thể thấy các tiếp cận của các bên trong việc tránh đối đầu, tránh leo thang căng thẳng và phối hợp một cách xây dựng vì an ninh và trật tự chung, khiến diễn đàn năm nay có được kết quả thực chất.

Về vấn đề Biển Đông, đại diện nhiều nước tiếp tục bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng leo thang căng thẳng ở vùng biển chiến lược này, đồng thời khẳng định cần giải quyết các tranh chấp khu vực trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.


Hơn 500 đại biểu chính thức là các quan chức quốc phòng và giới học giả đến từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 40 bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng, gần gấp đôi con số năm 2017 đã tham dự diễn đàn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa trái phép tại các thực thể ở Biển Đông, cho rằng hành động trên không chỉ đi ngược lại cam kết của chính Bắc Kinh, mà còn đe dọa và tạo ra các thách thức mới đối với tình hình an ninh khu vực. Theo ông, các bên cần có hành động trên thực địa phù hợp với các cam kết và luật pháp quốc tế, mọi hành động đơn phương thiếu kiềm chế hoặc quân sự hóa đều đi ngược lại trật tự luật pháp, gây căng thẳng cho tình hình khu vực.

Một trong những sự kiện được chú ý đặc biệt tại Đối thoại Shangri-La năm nay là bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, bởi đây là lần đầu tiên một thủ tướng Ấn Độ có bài phát biểu tại diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực này, và cũng bởi Ấn Độ hiện giữ một vai trò quan trong trong cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tôn trọng luật lệ, tuân thủ các quy định và luật pháp quốc tế, đảm bảo bình đẳng cho tất cả các quốc gia, không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ.... là những thông điệp được Thủ tướng Ấn Độ nêu bật trong lần xuất hiện tại Đối thoại Shangri-La 2018, trong đó đề cao các nguyên tắc hòa bình, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau…

Ấn Độ đã thể hiện quan điểm nhất quán với cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại, hợp tác với tất cả các nước, đặc biệt là với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để xây dựng khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương hòa bình và phát triển thịnh vượng.

Đối thoại Shangri-La lần này đã quy tụ số lượng đại biểu nhiều hơn, các nội dung đưa ra thảo luận cũng quan trọng và thiết thực hơn. Điều này gián tiếp cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các nước trong việc phân tích, định hình cấu trúc an ninh cũng như đề xuất các giải pháp hợp tác giải quyết các thách thức thức chung. Đã có nhiều nhận định chung và quan điểm đồng nhất được đưa ra, nhưng điều mấu chốt là các bên cần tiếp tục nỗ lực và hành xử một cách có trách nhiệm hơn nữa để cùng bảo vệ vững chắc hòa bình, ổn định và sự phồn vinh tại khu vực./.

 
Thực hiện: Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

Gắn kết nghị sĩ trẻ các quốc gia hướng tới các Mục tiêu toàn cầu

Gắn kết nghị sĩ trẻ các quốc gia hướng tới các Mục tiêu toàn cầu

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo" do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội từ ngày 14-17/9/2023 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố về “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Đây là Tuyên bố đầu tiên của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu qua 9 kỳ tổ chức. Điều đó thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ trẻ IPU trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Top