Thương hiệu Việt

Protect - Câu chuyện mũ bảo hiểm phi lợi nhuận đầu tiên trên thế giới

Được thành lập từ năm 2001 bởi Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP), hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp xã hội, Protec, thương hiệu thuộc Công ty TNHH Thiết bị và Sản phẩm an toàn Việt Nam đã không chỉ cung cấp ra thị trường những chiếc mũ bảo hiểm “nhiệt đới” chất lượng cao, phù hợp khí hậu, con người Việt, mà còn góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông của nhiều thế hệ người Việt.
Từ lòng trắc ẩn của một doanh nhân Mỹ…

Protec được ra đời từ lòng trắc ẩn của một doanh nhân Mỹ khi trực tiếp chứng kiến và nhận thấy những rủi ro liên quan đến an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam.

Năm 1999, ông Greig Craft sang Việt Nam với mục đích thúc đẩy kết nối giao thương giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Khi đó, Việt Nam vẫn đang bị cấm vận. Ông Greig Craft là người đã kết nối đưa nhiều doanh nghiệp của Mỹ vào hoạt động tại Việt Nam trong giai đoạn đầu, nổi bật phải kể đến: Ford, Motorola,…

Trong quá trình hoạt động và làm việc tại Việt Nam, trực tiếp chứng kiến những rủi ro liên quan đến an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam, ông Greig Craft đã có trăn trở, “tại sao mọi người không đội mũ bảo hiểm trong khi đó đây là liều vacxin rất hữu hiệu để phòng chống chấn thương sọ não”.

Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ cũng có một số ít người đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, nhưng ông Greig Craft nhận thấy đó là những chiếc mũ nhìn giống như “nồi cơm điện” không phù hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam.



Toàn cảnh nhà máy Protec mới xây năm 2019 để triển khai chiến lược xuất khẩu mũ bảo hiểm Made in Vietnam sang thị trường châu Âu.


Nhà máy của Protec nằm tại Lô C15, Khu công nghiệp Bá Thiện II, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
với công suất lên tới 8,000,000 mũ mỗi năm phục vụ mục đích sản xuất mũ xe máy và mũ xe đạp.



Hầu hết các sản phẩm mũ bảo hiểm Protec đều được sản xuất từ chất liệu nhựa ABS cho phần vỏ của mũ.
Đây là loại chất liệu cứng cáp, có khả năng chịu va đập và chịu nhiệt cực tốt.



Protec có hệ thống phòng thử nghiệm test sản phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu đối với sản phẩm mũ bảo hiểm của châu Âu.



Đặc biệt, hiện nay, Protec còn là doanh nghiệp có số lao động khuyết tật đang chiếm tỷ lệ 20 – 30% trong tổng số 120 lao động sản xuất trực tiếp.


Công ty mũ bảo hiểm phi lợi nhuận đầu tiên trên thế giới, thương hiệu Protec không chỉ hoạt động với mục đích phi lợi nhuận
còn có sứ mệnh chính là tuyên truyền, giúp cho nhiều thế hệ người Việt nâng cao nhận thức trách nhiệm về an toàn giao thông.



Protec có đội ngũ chuyên gia đến từ Mỹ để cùng thiết kế, nghiên cứu các dòng mũ bảo hiểm.

Nhìn thấy thực tế này, ông Greig Craft đã sáng lập quỹ phòng chống thương vong Châu Á, với mục tiêu triển khai các dự án mũ bảo hiểm tập trung vào nhóm đối tượng trẻ em. Theo ông Greig Craft, trẻ em khi thay đổi được nhận thức từ việc được giáo dục, trang bị kiến thức về an toàn giao thông, sẽ là những người có sức lan tỏa truyền tải thông điệp đến mọi người. Ngày đó, chính cựu tổng thống Mỹ, Bill Clinton, trong chuyến thăm Việt Nam đã giúp ông Greig Craft khởi động chương trình.

Ban đầu, mũ bảo hiểm sử dụng trong dự án được lấy từ một nhà máy tại Hồng Kông tuy nhiên sẽ không thuận tiện về lâu dài. Đó là lý do, đầu năm 2000, ông Greig Craft đã thành lập nhà máy mũ bảo hiểm Protec đầu tiên tại Việt Nam, đúng vào thời điểm Mỹ và Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ.

Theo bà Hoàng Thị Na Hương, Tổng giám đốc của Protec, sản phẩm mũ bảo hiểm của công ty thực hiện hai nhiệm vụ chính: phục vụ các hoạt động tuyên truyền an toàn tham gia giao thông của Quỹ AIP và cung cấp cho người tham gia giao thông Việt Nam một chiếc mũ phù hợp với thời tiết, khí hậu của Việt Nam. Năm 2001, nhà máy chính thức đi vào hoạt động.

Chiếc mũ bảo hiểm đầu tiên do Protec sản xuất có tên là mũ bảo hiểm nhiệt đới. Để thiết kế ra chiếc mũ này, Protec đã tiến hành đo 5000 mẫu đầu người Việt Nam để từ đó đưa ra các thông số kỹ thuật chính xác rồi mới thiết kế khung hợp lý cho chiếc mũ bảo hiểm của người Việt. Bên cạnh đó là những yếu tố khe thông gió, nhựa ABS an toàn, bền nhẹ phù hợp với khí hậu Việt Nam, đem lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng.

Sau này, mũ bảo hiểm Protec đã được cải tiến về hình thức, mẫu mã để ngày càng phù hợp hơn với thị yếu thị trường ở mỗi thời điểm.

Cứ 5 năm, các chuyên gia của Protec và Quỹ AIP kết hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng và cập nhật các thay đổi về tiêu chuẩn về mũ bảo hiểm.

…Đến các chiến dịch cộng đồng

Câu chuyện về khách hàng của Protec, như chia sẻ của bà Na Hương: “Trách nhiệm của Protec là giúp mọi người thay đổi nhận thức về an toàn khi tham gia giao thông. Nếu khách hàng đều là những người tiêu dùng thông minh và đặt an toàn lên hàng đầu thì chúng tôi có cơ hội tồn tại ở thị trường này. Còn nếu người tiêu dùng Việt Nam vẫn dễ dãi với các dòng mũ bảo hiểm kém chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay thì chúng tôi không có cơ hội phát triển”.

Dễ dàng nhận thấy, ở Việt Nam, những chiếc mũ bảo hiểm có giá 30.000 đồng được bày bán tràn lan trên các con phố, và người tiêu dùng chỉ cần dừng xe là có thể mua được ngay. Với lòng trắc ẩn của người sáng lập, ông Greig Craft, nhận thấy mũ bảo hiểm như liều vacxin phòng chống trấn thương sọ não, thì quả thật người tiêu dùng Việt đã vô trách nhiệm với an toàn của chính bản thân.

Đó là lý do khiến Protec không chỉ sản xuất ra chiếc mũ bảo hiểm chất lượng, an toàn, mà còn kiên trì triển khai các dự án cộng đồng, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. “Cuối cùng bạn vẫn phải đảm bảo an toàn, chọn thương hiệu nào cũng được, nhưng bạn phải trang bị một kiến thức để chọn được một chiếc mũ bảo hiểm an toàn đồng hành cùng bạn trên các con đường”, bà Na Hương nhấn mạnh.



Một trong các chương trình, dự án cộng đồng của Protec.


Các dự án mũ bảo hiểm cho trẻ em được Protec triển khai từ nhiều năm qua ở khắp các vùng miền trên cả nước.

 

Protec cũng đã triển khai hệ thống cửa hàng bán lẻ để “nhắm đến nhóm khách hàng quan tâm thực sự đến sự an toàn của bản thân và con cái họ”.









Hầu hết các sản phẩm mũ bảo hiểm Protec đều được sản xuất từ chất liệu nhựa ABS
cho phần vỏ của mũ. Đây là loại chất liệu cứng cáp, có khả năng chịu va đập và chịu nhiệt cực tốt.

Một trong các dự án tiêu biểu mà Protec đã triển khai đó là dự án mũ bảo hiểm trong trường học cho trẻ dưới 6 tuổi. Protec sẽ đưa ra các tiêu chí trọn trường như có trên 80% trẻ em đi xe đến trường hoặc cha mẹ trở đi học, trường đó phải nằm trên tuyến đường giao thông có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông,… Sau đó, Protec sử dụng phương pháp đánh giá của CDC Mỹ, đó là quay ngẫu nhiên trước và sau khi tuyên truyền đội mũ bảo hiểm, để đo tỷ lệ phần trăm thay đổi trước và sau khi can thiệp. Dự án không chỉ là tặng mũ cho các cháu học sinh rồi đi, mà có cả một chương trình giáo dục trải dài cả năm học, tuyền truyền, nhắc nhở, giáo dục, kèm theo các trò chơi liên quan một cách sinh động, linh hoạt. Ở một số khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Yên Bái, kết quả trung bình thu được của dự án là, trước can thiệp 13 – 16% đội mũ bảo hiểm, sau can thiệp tỷ lệ đã tăng lên trên 80%.

Đặc biệt, hiện nay, Protec còn là doanh nghiệp có số lao động khuyết tật đang chiếm tỷ lệ 20 – 30% trong tổng số 120 lao động sản xuất trực tiếp.

Ngoài nhóm khách hàng doanh nghiệp, bà Na Hương cho biết, Protec cũng đã triển khai hệ thống cửa hàng bán lẻ để “nhắm đến nhóm khách hàng quan tâm thực sự đến sự an toàn của bản thân và con cái họ”. Số đông khách hàng của Protec thường quyết định mua sản phẩm sau khi đọc được những thông điệp và giá trị xã hội của Protec.

Năm 2019, Protec chuyển đổi nhà máy để thực hiện chiến lược xuất khẩu mũ bảo hiểm đến thị trường châu Âu. Hiện nay, Protec đang nghiên cứu và cho sản xuất các dòng sản phẩm mũ bảo hiểm xe đạp, mũ bảo hiểm trượt tuyết, leo núi, mũ bảo hiểm xe máy theo tiêu chuẩn châu Âu,… Với những dòng sản phẩm đòi hỏi công nghệ mới này, Protec còn đầu tư cả phòng thử nghiệm sản phẩm, nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất đối với mũ bảo hiểm xuất khẩu.

“Mong muốn của Công ty là tiến tới xuất khẩu để giới thiệu đến thế giới một dòng sản phẩm mũ bảo hiểm Made in Vietnam, tự hào được làm ra từ chính người lao động Việt Nam”, bà Na Hương chia sẻ./.
 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Protec cung cấp

Minh Tiến – Tập đoàn cà phê Việt tiên phong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

Minh Tiến – Tập đoàn cà phê Việt tiên phong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

Mô hình mô phỏng lại các sản phẩm của cà phê được sản xuất và chế biến theo mô hình kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn Cà phê Minh Tiến đã trở thành tâm điểm chú ý của Nhà triển lãm Việt Nam tại World Expo 2020. Mô hình kinh tế tuần hoàn mà Minh Tiến theo đuổi cũng là xu hướng đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới, hướng tới sự phát triển bền vững của nhân loại.

Top