Nghệ thuật

Phục dựng Thăng Long xưa

(BAVN Online) Năm 2010 khi kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong “Tổng tập Ngàn năm Văn hiến Thăng Long” gồm 4 tập, dày gần 12.000 trang, có 700 trang viết cùng 300 bức tranh sưu tập của họa sĩ Trịnh Quang Vũ với nội dung: các vương triều ở Việt Nam như nhà Hồ (1400-1407), Lê Sơ (1428-1527), Hậu Lê (1533-1788), Trịnh (1545-1788), Tây Sơn (1778-1802); 45 danh tướng và danh nhân như Lý Thường Kiệt (1019-1105), Nguyễn Trãi (1380-1442)...
Sau gần 40 năm cầm cọ, những công trình về trang phục các triều vua, phục chế những bức tranh cổ... đã đưa tên tuổi Trịnh Quang Vũ gắn liền với Thăng Long – Hà Nội 1000 năm tuổi.
Năm 2006, cùng với một nhóm họa sĩ tên tuổi, ông hoàn thành việc phục dựng 54 bức tranh cổ về Thăng Long – Hà Nội từ thế kỷ XI tới thế kỷ XIX. Qua nhiều nguồn tư liệu phong phú, đa dạng, nhất là những ghi chép xuất bản phẩm của các khách du lịch và giáo sĩ đến Việt Nam từ cuối thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII từng chứng kiến cảnh sinh hoạt đời thường, cảnh quan, đất nước, con người Việt Nam, họa sĩ Trịnh Quang Vũ đã tái tạo sinh động hình ảnh cuộc sống con người Thăng Long - Kẻ Chợ xưa sầm uất trên bến dưới thuyền, nhiều phong cảnh trữ tình cùng những bộ trang phục với hoa văn độc đáo.


Họa sĩ Trịnh Quang Vũ.

Các công trình nghiên cứu mỹ thuật cổ, lịch sử của học giả Trịnh Quang Vũ về Thăng Long – Hà Nội xưa.

Tác phẩm “Hồ Hoàn Kiếm” – sơn dầu 80 x 1m20.

Tác phẩm “Vua Lê vi hành” – tranh phục dựng.

Tác phẩm “Kinh thành Thăng Long thế kỷ XVIII” – sơn dầu 1m40 x 1m60 – tranh phục dựng.

Tác phẩm “Lễ hội Gióng” - lụa 80 x 120cm.

Tác phẩm “Thành Thăng Long năm 1672”.

Tác phẩm “Cửa Đông Nam thành Thăng Long”.

Tác phẩm “Làng cổ Gia Lâm – Hà Nội” – sơn dầu.

Ở bức “Chùa Một Cột”, với nét kỳ vĩ của kiến trúc đền đài, tháp cổ, chùa tạo nét uy nghi, lồng lộng giữa trời mây bao la. Tranh “Vua Lê (1428-1527) vi hành” lấy ý từ tập “Mô tả vương quốc Đàng Ngoài” in năm 1732 của S. Baron, ông đến Việt Nam cuối thế kỷ XVII và từng so sánh kinh đô Thăng Long không kém các thành phố phương Tây. Qua cuốn “Những điều kỳ thú khi du lịch vương quốc Đàng  Ngoài” do Jean Baptiste Tavenier xuất bản năm 1679 tại Paris– Pháp, họa sĩ Trịnh Quang Vũ đã phục dựng tranh “Kinh thành Thăng Long thế kỷ XVIII” với những đoàn tàu thuyền lộng lẫy mang đậm chất An Nam của vua chúa cùng với cảnh kinh thành Thăng Long hoa lệ xa xa...
Lịch sử phong kiến Việt Nam ghi nhận triều đại nhà Lê - Trịnh qua 200 năm gây dựng Đại Việt thành quốc gia hùng mạnh suốt thế kỷ XVI-XVIII, trong đó đô thị Thăng Long thời trung đại do Bình An Vương Trịnh Tùng (1570-1623) sáng lập tạo dựng dấu ấn huy hoàng. Chúa Trịnh Tùng xây dựng quần thể vương phủ Trịnh là một kiến trúc đa chiều vây quanh phủ chính theo mô hình kinh đô phong kiến Á Đông “phi truyền thống” không tường cao, hào sâu, đường phố rộng rãi, có các khu chức năng đô thị rõ ràng. Ngay tại trung tâm đô thị đã có thương điếm Hà Lan (1645), thương điếm Anh (1670). Thăng Long mới năng động, đông đúc cả triệu dân, hai vạn nóc nhà, có ba đường phố dài tới 3 dặm. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes năm 1627 khi tới Thăng Long lần đầu đã ngạc nhiên thán phục “thành phố lộng lẫy, ngang hoặc hơn Venice ”. Hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ đã thực hiện từng viết vẽ trong công trình "Lược sử Mỹ thuật Việt Nam" nhằm tái hiện lại một hình bóng Thăng Long cổ đầy hào hùng qua từng trang sử hình ảnh bằng tranh như: “Vương phủ thế kỷ XVII”, “Vương phủ nhìn từ phía Đông thế kỷ XVII”, “Lầu ngũ long bên sông Hồng và các chiến thuyền thế kỷ XVII”, “Bình An Vương Trịnh Tùng (1570-1623)” trong sách “Trịnh gia chính phả”, “Vương phủ tòa Đại Đường thế kỷ XVIII”.
Ngày 1-8-2010, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Biết tin này, ông vô cùng vui sướng: “Trên thế giới không còn nhiều Thủ đô có 1000 năm tuổi như Thăng Long – Hà Nội. Tôi ước mơ cùng các nhà sử học, khảo cổ làm sống lại những hình ảnh của Thăng Long ngàn năm văn hiến.".

Hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ:
Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1974, làm nghiên cứu sinh tại Viện phim Hàn lâm nổi tiếng DEFA - Đức (1976-1979). Trở về nước năm 1979, ông làm họa sĩ thiết kết tại Xưởng phim Tài liệu Khoa học Việt Nam. Sau đó chuyển sang Secofilm chuyên hợp tác quốc tế với nước ngoài năm 1990.

 
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Hoàng Quang Hà và Tư liệu

Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Hoàng Quang Hà và Tư liệu


Top