Chân dung

PGS.TS Trương Thanh Hương - Nhà khoa học của những công trình rối loạn mỡ máu

PGS.TS Trương Thanh Hương - nguyên Trưởng Phòng Tim mạch Nhi - Tim bẩm sinh, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai vừa được nhận giải thưởng Kovalevskaia 2020 với công trình Nghiên cứu “Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam”. Công trình này đã có nhiều ứng dụng hiệu quả trong thực tế khám và chữa bệnh cho nhân dân.
PGS.TS Trương Thanh Hương là bác sĩ nội trú tim mạch khóa đầu tiên của Đại học Y Hà Nội (1983-1987). Ngay sau khi tốt nghiệp bà đã về công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Sau đó, bà đã tiếp tục học tại  Đại học Paris VI rồi thực hành tại Bệnh viện Saint - Antoine và Bệnh viện Robert Debré Paris (Pháp) để có thể cống hiến tốt hơn cho công việc. 


PGS.TS Trương Thanh Hương  vừa được nhân giải Kovalevskaia 2020 cho nữ khoa học nghiên cứu xuất sắc. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP


Chuyên gia hàng đầu tim mạch của Việt Nam chúc mừng PGS.TS Trương Thanh Hương tại lễ trao giải Kovalevskaia 2020.
Ảnh: Tư liệu NVCC


PGS.TS Trương Thanh Hương trong một buổi giao ban tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP



PGS.TS Trương Thanh Hương tham gia một buổi họp giao ban thường niên tại phòng C5 Viện Tim mạch. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP



 PGS.TS Trương Thanh Hương và ê kíp tại phòng can thiệp mạch chi thuộc
 Viện Tim mạch,  Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP


PGS.TS Trương Thanh Hương cùng 2 bác sĩ xem phim chụp động mạch chi trong Phòng can thiệp mạch chi. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP

Tuy nhiên, thực tế lại mở ra cho bà một con đường mới khi bà nhận thấy mối liên quan mật thiết giữa tăng huyết áp (THA) và rối loạn lipid máu, đây là các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành. Bà đã đề xuất nghiên cứu này với thầy Phạm Gia Khải, Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch và xin ý kiến của Hội đồng khoa học để được nghiên cứu lĩnh vực này.

Vừa nỗ lực trong công việc vừa lặng thầm trong công tác nghiên cứu, TS Trương Thanh Hương đã thực hiện nghiên cứu 5 đề tài cấp Nhà nước, 3 đề tài cấp Bộ, 2 đề tài cấp Trường đại học Y, biên soạn 16 giáo trình, sách chuyên khảo và công bố 37 bài báo khoa học trên các tạp chí y học có uy tín về chủ đề tăng cholesterol máu.

Công trình nghiên cứu “Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam” do bà làm chủ đề tài đã có ứng dụng hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh ở Việt Nam. Công trình nghiên cứu áp dụng cho việc chăm sóc sức khỏe của gần 500 ngàn người dân Việt Nam mắc bệnh tăng cholesterol máu gia đình, ứng dụng vào xây dựng quy trình phát hiện và quản lý bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế.

Công trình gây tiếng vang trong giới y học khi lần đầu tiên hàng chục phả hệ đã được tư vấn di truyền bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam. Từ đó giúp Bộ Y tế xây dựng thành công mô hình quản lý sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi chăm sóc bệnh nhân mắc tăng cholesterol máu gia đình. Đồng thời, thông qua công trình này đào tạo liên tục cho gần 300 bác sỹ tại các tuyến về bệnh tăng cholesterol máu gia đình.

Không chỉ nghiên cứu, khám, chữa bệnh tại Viện Tim mạch, TS Trương Thanh Hương còn là giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội, bà  là chuyên gia đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế, hướng dẫn khoa học cho hơn 40 tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ nội trú. Bà đã góp phần là cầu nối của ngành y tế Việt Nam với quốc tế thông qua các đóng góp công trình nghiên cứu khoa học và hợp tác sáng tạo với các nhà khoa học, tập đoàn khoa học lớn trên thế giới như Pháp, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản...



PGS.TS Trương Thanh Hương  siêu âm tim cho bệnh nhân t
ại phòng khám. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP


PGS.TS Trương Thanh Hương xem phim chụp của bệnh nhân và trao đổi chuyên môn cùng các bác sĩ điều trị. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP



PGS.TS Trương Thanh Hương thăm khám bệnh nhân tại giường bệnh. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP

 

Các sinh viên đặt ra câu hỏi về chuyên môn với PGS.TS Trương Thanh Hương và luôn nhận được câu trả lời chi tiết của nhà giáo. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP



PGS.TS Trương Thanh Hương chia sẻ những kiến thức chuyên môn với đội ngũ bác sĩ nội trú tại Viện Tim mạch. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP

Ngoài ra, PGS.TS Trương Thanh Hương đã xây dựng và triển khai thành công kỹ thuật hiện đại như Holter điện tim, Holter huyết áp, kỹ thuật nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ trên thảm chạy. Năm 2012, PGS.TS Trương Thanh Hương nhận giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, danh hiệu "Nhà giáo ưu tú" vào năm 2014, PGS.TS.Trương Thanh Hương được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III với những thành tích xuất sắc trong công tác. Năm 2016, bà được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Niềm vui lớn nhất của người bác sĩ là được chữa bệnh cho bệnh nhân còn niềm vui của người làm khoa học là được đưa những công trình mình nghiên cứu có ứng dụng trong cộng đồng. Còn niềm vui của nhà giáo là được chia sẻ, truyền đạt những kinh nghiệm trong cuộc đời làm bác sĩ của mình đến thế hệ trẻ. TS Trương Thanh Hương đã và đang có thật nhiều niềm vui đó. Đó cũng là một lẽ sống thật đáng quý của một nhà khoa học luôn tận tụy với nghề, tận tâm với công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân./.

 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Trần Thanh Giang, TL NVCC

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top