Tiêu điểm

Những bức ảnh đi cùng vị tướng huyền thoại

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc, là vị tướng huyền thoại được nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế yêu mến, ngưỡng mộ. Nhân dịp Đại tướng tròn 100 tuổi (25/8/1911-25/8/2011), một cuộc triển lãm ảnh về “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp” vừa được long trọng tổ chức tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền (Hà Nội).
“Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp” là tên cuộc triển lãm ảnh do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Từ 300 ảnh tư liệu của cuốn sách ảnh cùng tên, 200 bức ảnh được chọn trưng bày trong buổi triển lãm đã phần nào thể hiện sinh động, chân thực về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời của vị tướng huyền thoại. Những bức ảnh đó là tập hợp các tác phẩm của nhiều nhà báo, nhà nhiếp ảnh có tên tuổi trong làng nhiếp ảnh Việt Nam, tư liệu của TTXVN, cũng như được sưu tầm từ tư liệu của các cơ quan, những người đồng đội, người dân đã có vinh dự được tiếp xúc, làm việc với Đại tướng.
 

Triển lãm ảnh “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức
và vinh dự đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến tham dự lễ khai mạc.

Ngôi nhà của ông bà Võ Quang Nghiêm, Nguyễn Thị Kiên tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình -
nơi Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời.

Trường Quốc học Huế, nơi Võ Nguyên Giáp đã theo học (1924 - 1927).

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo
thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho Võ Nguyên Giáp tổ chức đội quân
chủ lực đầu tiên - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Tại lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải
phóng quân, Võ Nguyên Giáp đã cùng toàn Đội, tuyên đọc Mười lời thề danh dự (do chính ông soạn thảo).

Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu tiên ở Hà Nội ngày 26/8/1945
sau khi giành được chính quyền.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội thành lập sau Tổng tuyển cử 6/1/1946
(Võ Nguyên Giáp đứng hàng thứ 2, ngoài cùng bên phải).

Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp (thứ 4 từ trái sang) cùng một số đại biểu tại Hội nghị Chính trị viên toàn quốc
lần thứ hai gồm các chính trị viên khu và các chính trị viên trung đoàn, họp từ ngày 6-11/3/1948.

Trên đường đi Chiến dịch Biên giới, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh (1950).

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Trung đoàn trưởng Thái Dũng (cụt tay)
và Tiểu đoàn trưởng Dũng Mã đang nghiên cứu sơ đồ tác chiến Chiến dịch Biên Giới.

Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Từ phải sang trái:
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp,
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Trần Đăng Ninh, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng.

Pháo binh nổ súng vào cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vào chiều ngày 13/3/1954.

Giờ G đã điểm, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng vào lúc 17h30’ ngày 13/3/1954.
(ảnh chụp từ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”).

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh Miền và Tư lệnh trưởng bộ đội Trường Sơn
Đồng Sĩ Nguyên bàn kế hoạch tác chiến, chuẩn bị Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào tại một cánh rừng Trường Sơn (1971).

Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975).
Trong ảnh, từ trái sang phải: Đại tá Lê Hữu Đức (Cục trưởng Cục Tác Chiến), Thượng tướng Hoàng Văn Thái
(Phó Tổng Tham mưu trưởng), Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), Thượng tướng Song Hào
(Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng,
Bí thư Quân ủy Trung ương), Trung tướng Lê Quang Đạo (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị).

Đại tướng nghỉ trưa trong một lần thăm lại di tích Địa đạo Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại tướng thăm đền Hai Bà Trưng, Hát Môn, Phúc Thọ (Hà Tây cũ): một lão nông tặng đĩa bánh trôi tượng trưng
cho lòng kính trọng của dân tộc với người có công với dân, với nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thắp hương tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ (tháng 4/2004).

Đại tướng thăm hầm Tướng De Castries, chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tháng 4/2004.
Bên cạnh là Đại tá Nguyễn Huyên, Trưởng Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac (1997).

Thư giãn bên cây đàn piano.

Triển lãm ảnh “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp”
thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
 
Sinh ra bên dòng sông Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người sớm giác ngộ con đường cách mạng. Từng tham gia viết báo cùng những nhà yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng khi làm tờ Tiếng Dân ở Huế, tham gia tổ chức tiền thân của Đảng rồi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành một nhà hoạt động chính trị, rồi Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị tướng mà tên tuổi đã đi vào lịch sử và đã chỉ huy quân đội thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ mà dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó.
Đến triển lãm, thông qua những bức ảnh kèm lời chú thích, người xem có thể hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Từ ngôi nhà của ông bà Võ Quang Nghiêm, Nguyễn Thị Kiện tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, nơi Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời đến ngôi trường Quốc học Huế, nơi Võ Nguyên Giáp từng theo học trong những năm 1924-1927. Những hình ảnh từ khi Võ Nguyên Giáp còn là giáo viên dạy tại trường tư thục Thăng Long (Hà Nội), tham gia gặp gỡ những nhà yêu nước, cho đến bức ảnh thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại Cao Bằng mà Võ Nguyên Giáp được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ tổ chức...
Thời kỳ toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp là những khoảnh khắc mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng các tướng sỹ sống và làm việc trên chiến khu Việt Bắc, trao đổi công việc, bàn bạc, xây dựng kế hoạch tác chiến... Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc quý giá, trong đó nhiều bức gắn với những thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc như bức ảnh chụp Đại tướng Tổng tư lệnh ra lệnh nổ súng lúc 17 giờ 30 phút ngày 13/3/1954...
Thời chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược là khoảnh khắc Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi, động viên chiến sỹ, quân dân tại nhiều địa phương, bàn bạc kế hoạch tác chiến, giao nhiệm vụ cho các tướng lĩnh, khảo sát các tuyến đường... Sau này là những tấm ảnh Đại tướng gặp gỡ, tiếp đón nhiều vị khách quốc tế như tiếp đón nguyên Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Tổng thống Chilê Michelle Bachelet, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac năm 1997...
Những bức ảnh gắn với những khoảnh khắc đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng để lại không ít ấn tượng trong lòng người xem. Đó là những bức ảnh Đại tướng thăm bà con đồng bào các dân tộc tại căn cứ địa cách mạng khi xưa, những giây phút thư giãn với sở thích cá nhân như chụp ảnh, ngồi đánh những bản nhạc mình yêu thích bên cây đàn piano, tập viết thư pháp, ngắm hoa trong vườn nhà…
Triển lãm ảnh “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp” thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem. Đến với triển lãm, mỗi người một cảm xúc riêng, song tất cả đều có chung cảm nhận, đó là sự kính trọng và niềm vui, niềm tự hào khi được chiêm ngưỡng những bức ảnh đã khắc họa chân thực chân dung một vị tướng tài ba của dân tộc nhưng cũng rất đỗi bình dị trong đời thường. Đây cũng là dịp để mỗi người hiểu và thêm tự hào về một thời đại lịch sử hào hùng của dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh. Triển lãm sẽ mở cửa tham quan đến hết ngày 3/9/2011./.
 
Thực hiện: Thục Hiền - Trịnh Văn Bộ

Thực hiện: Thục Hiền - Trịnh Văn Bộ

Khởi động Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025

Khởi động Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025

Trong không khí phấn khởi của hai dân tộc đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18/1/1950 - 18/1/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và cùng tuyên bố khởi động Năm giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc 2025.

Top