Văn hóa

“Mắt thần” báo bão, lũ vùng Bắc Trung Bộ

Trên tuyến đường thiên lý Bắc – Nam, ngay đầu cầu Bến Thủy thuộc phường Trung Đô (Tp. Vinh, Nghệ An) trên dãy núi Dũng Quyết có một trạm Ra đa được người ngành Tài nguyên Môi trường ví “mắt thần” vẫn ngày đêm phát đi những tín hiệu cảnh báo bão, lũ trong những ngày mùa bão đang cận kề.

Trạm Ra đa Vinh thuộc “biên chế” Đài Khí tượng – Thủy văn Bắc Trung Bộ. Khu vực Bắc Trung Bộ theo địa giới của ngành Tài nguyên và Môi trường gồm ba tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Khu vực này có địa hình khá phức tạp, có núi cao hướng Tây, đồng bằng nhỏ hẹp và đường bờ biển kéo dài,  được Tổng Cục Khí tượng Thủy văn ghi nhận là cái rốn của bão, lũ của “khúc ruột” Miền Trung. Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ cho biết, trong 5 năm gần đây, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều hơn, cục bộ hơn, khó lường hơn. Công nghệ dự báo phát triển lớn và mạnh, Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ đầu tư nhiều  dự án phục vụ công tác dự báo trong đó có Trạm Ra đa Vinh là điểm nhấn quan trong trong tuyến hệ thống các tuyến trạm khí tượng, thủy văn, hải văn của Đài.

Trịnh Đức Trường, Trưởng trạm Ra đa Vinh đã cung cấp những thông tin cơ bản về lịch sử Trạm như sau: Năm 1993, Trạm Ra đa thời tiết Vinh được thành lập và được trang bị một ra đa MRL-5 do Cộng hòa Liên bang Nga sản xuất (Thiết bị này do Ủy ban nhà nước Liên Xô (Trước đây) tặng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đến năm 2008, ra đa này đã dừng hoạt động do không có các linh kiện thay thế. Năm 2000, trạm đã được trang bị thêm ra đa TRS - 2730 do hãng Thomson của Cộng hòa Pháp sản xuất, đây là loại ra đa thường được số hóa, không quét được khối theo yêu cầu.


Trạm Ra đa Vinh là một tòa tháp cao 37m, được đặt trên núi Dũng Quyết. Hình quả cầu tròn là vòng ngoài bảo vệ ăng ten ra đa. Trạm có 3 phòng chức năng gồm: Phòng vòm che ra đa, Phòng thiết bị, linh kiện ra đa và Phòng quan trắc và phân tích dữ liệu. Ảnh: Nam Nguyễn



Quan trắc viên Hồ Duy Sơn bảo dưỡng ăng ten ra đa theo định kỳ. Ảnh: Yên Ninh





Quan trắc viên Hồ Duy làm việc trong Phòng thiết bị, linh kiện ra đa. Ở Phòng này luôn có máy phát điện dự phòng để đảm bảo ra đa được hoạt động liên tục,
không bị ngắt quãng tín hiệu. Ảnh: Yên Ninh



Ông Lê Đức Cương (áo trắng), Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ cùng các quan trắc viên theo dõi hiện tượng thời tiết
trên màn hình ra đa quét được. Ảnh: Yên Ninh



Hai quan trắc viên Cao Thị Hoàng Lam và Hồ Duy Sơn theo dõi vùng quét của ra đa ở Phòng quan trắc và phân tích dữ liệu. Ảnh: Yên Ninh



Trạm Ra đa Vinh là một trong 4 trạm ra đa dự báo thời tiết hiện đại nhất Việt Nam của Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Ảnh: Nam Nguyễn
Năm 2017, nằm trong dự án Tăng cường năng lực đối phó với thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra  (Dự án ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản), trạm được xây dựng và lắp đặt thiết bị mới tại địa chỉ hiện tại là Núi Dũng Quyết, phường Trung Đô, thành phố Vinh. Ra đa này có thể phát hiện mục tiêu khí tượng có bán kính lên đến 450 km, phát hiện được tộc độ gió lên đến 200 km. Như vậy, nếu lấy núi Dũng Quyết làm tâm điểm của hình tròn vùng Bắc Trung Bộ, “mắt thần” ra đa này có thể bao quát toàn bộ những hiện tượng thời tiết di thường của 3 tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh.
 Năm 2020, Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ đã thực hiện dự báo, cảnh báo kịp thời 14 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới và 1 vùng áp thấp,  trong đó, có 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực, 28 đợt không khí lạnh, trong đó, có 3 đợt không khí lạnh gây ra rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, trong đó, có 5 đợt nắng nóng diện rộng; 23 trận dông, tố, lốc, mưa đá và 7 đợt mưa lớn trên diện rộng đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân trong khu vực.


Nói về vấn đề này, Trịnh Đức Trường  cho biết, khác với các hệ thống quan trắc thông thường, ưu điểm của quan trắc ra đa là quan trắc nhanh. Trong khoảng thời gian vài phút đã có thể lấy được thông tin về mây và các hiện tượng thời tiết liên quan trong một khu vực rộng hàng trăm kilômét với chiều dày hàng chục kilômét. Vì vậy mà hoạt động của ra đa thời tiết đóng một vai trò đáng kể cho công tác giám sát thời tiết trong khu vực rộng lớn, theo dõi hoạt động của các hoàn lưu cỡ vừa như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn (gây ngập lụt)… Ngoài ra trong những trường hợp cần thiết ra đa thời tiết có thể phục vụ cho công tác dự báo cực ngắn ở địa phương cụ thể, trong một địa bàn hẹp. Đặc biệt, trong công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, ra đa là công cụ quan trọng trong việc xác định tâm bão, hướng và tốc độ di chuyển của bão khi chúng nằm trong vùng hoạt động của ra đa.

Và giờ này, “mắt thần” Trạm Ra đa Vinh đang chuẩn bị để đón tín hiệu và “bắt mạch” cơn bão mới đang đổ về Biển Đông. Những số liệu mà Trạm Ra đa Vinh quan trắc được gửi về Tổng Cục Khí tượng Thủy văn để đưa ra nhưng bản tin cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân./.

Bài: Yên Ninh - Ảnh: Nam Nguyễn, Yên Ninh

Văn hóa dân gian qua sự sáng tạo của thế hệ gen Z

Văn hóa dân gian qua sự sáng tạo của thế hệ gen Z

Triển lãm “Dân gian trong gen Z” mang tới 39 tác phẩm từ các họa sĩ minh họa thuộc gen Z trên khắp cả nước do Tired City phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức đã mở ra nhiều nguồn cảm hứng cho đông đảo khán giả yêu nghệ thuật trên hành trình tìm hiểu về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Top