Văn hóa

Lễ hội Nghinh Ông ở Vũng Tàu

Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức ở Đình thần Thắng Tam thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là dịp để ngư dân tạ ơn nghề biển, cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc.

Lễ hội Nghinh Ông tại đình Thắng Tam Vũng Tàu năm 2022 diễn ra trong 3 ngày từ ngày 11-13/9 (tức ngày 16, 17, 18/8 Âm lịch) gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Lễ rước Ông diễn ra tại nhà truyền thống Cách mạng (số 1 đường Ba Cu) về đình Thắng Tam ( đường Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam), cúng giỗ Tiên hiền và các anh hùng liệt sĩ, lễ thỉnh sắc thần, cúng tế Ông Nam Hải, lễ xây chầu đại bội, trình diễn tuồng cổ… Phần hội gồm các trò chơi dân gian vui, khỏe, tái hiện các hoạt động của ngư dân như: câu cá, kéo co nam nữ, đẩy cây, cờ ca rô trên cát, đan lưới; nhảy sạp, cướp cờ, nhà phao leo núi "chinh phục thử thách"; thi thả diều, bắn bi sắt cho ngư dân.. Các hoạt động Lễ hội tổ chức tại khu vực Bãi Trước, miếu Hòn Bà và khu Di tích lịch sử đình Thắng Tam. Tổ chức phần hội tại Khu vực bờ kè biển Cáp treo Vũng Tàu và khu vực cột cờ Bãi Sau.

Các tàu thuyền làm lễ ngoài biển.
Các hoạt động Lễ hội Nghinh Ông Vũng Tàu được tổ chức hàng năm là dịp để quảng bá hình ảnh Thành phố du lịch sạch ASEAN
đến du khách trong và ngoài nước, phát triển lễ hội trở thành sản phẩm du lịch của địa phương.
Lễ hội Nghinh Ông là dịp ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển,
đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn.
Các bậc bô lão dẫn đầu đoàn rước tiến về Lăng Ông.
Hóa trang trong lễ thỉnh sắc thần, cúng tế Ông Nam Hải ở đình Thắng Tam.

Đại diện của UBND TP Vũng Tàu cho hay “Lễ hội nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu là nét sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống của nhân dân thành phố biển, nó không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn mà còn là dịp để cho ngư dân và du khách thập phương thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội nghinh Ông là một biểu tượng văn hóa dân gian, một di sản văn hóa dân tộc cần được duy trì, giữ gìn và phát triển hơn nữa. Các hoạt động Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu được tổ chức hàng năm là dịp để quảng bá hình ảnh Thành phố du lịch sạch ASEAN đến du khách trong và ngoài nước, phát triển lễ hội trở thành sản phẩm du lịch của địa phương”.

Ngay sau Lễ khai mạc, Ban Tổ chức Lễ hội gióng 3 hồi trống, 3 hồi chiêng làm hiệu lệnh cho đoàn lân sư rồng thực hiện nghi thức “khai nghinh thủy tướng”, rước kiệu nghinh Ông về đình thần Thắng Tam. Lễ rước có hình tượng cá Ông làm bằng giấy, đội ngũ tham gia Lễ nghinh Ông gồm nhiều người đóng vai các quan hầu mặc trang phục khăn đóng áo dài trang trọng, theo sau là đoàn quân sĩ, ngư phủ tháp tùng. Ngoài ra còn có các nghệ sĩ tuồng, các diễn viên hóa trang thành ông Phúc – Lộc – Thọ…vừa đi vừa nhún nhảy tưng bừng theo điệu chiêng trống, tạo nên không khí lễ hội vô cùng rộn ràng, náo nhiệt.

Nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tham gia lễ hội.
Hàng nghìn ngư dân và tàu thuyền tham gia lễ hội.
Nhiều tàu thuyền của ngư dân hội tụ để rước Ông.
Hóa trang thế giới biển trong lễ hội.

Theo các bậc bô lão, đình thần Thắng Tam được xây dựng vào năm Canh Thìn (1820), thời nhà Nguyễn, để thờ 3 vị Tiên hiền có công khai sáng vùng đất Vũng Tàu. Sau đó, đến cuối thế kỷ 19, người dân địa phương xây dựng thêm miếu Bà Ngũ Hành và Lăng Ông Nam Hải, tạo thành Khu di tích đình thần Thắng Tam như ngày nay. Ngày nay, cứ đến ngày 16, 17, 18/8 âm lịch hàng năm, lại diễn ra Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam-Vũng Tàu, hàng vạn người dân và du khách thập phương từ khắp nơi đã quy tụ về đây để thắp hương, khấn vái cầu an, tri ân các bậc Tiên hiền và cá Ông Nam Hải. Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam là lễ hội truyền thống của ngư dân phố biển Vũng Tàu đang được UBND tỉnh bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thực hiện: Kim Phương/Báo ảnh Việt Nam


Top