Nghệ thuật

Kỳ bí mặt nạ Khmer

Trong các loại hình nghệ thuật diễn xướng, múa hát truyền thống của người Khmer ở Nam Bộ, mão và mặt nạ là hai loại phục trang đặc biệt mang đậm màu sắc huyền bí, linh thiêng, thể hiện đậm chất văn hóa truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Và có lẽ vì thế mà nghề làm mão, mặt nạ cũng là nghề mang tính "cha truyền con nối". 
Người Khmer Nam Bộ gọi những chiếc mũ mang hình đầu các nhân vật hoặc linh vật trong văn hóa tín ngưỡng dân gian là mão. Cùng với chiếc mặt nạ, mão được dùng làm phục trang trong nghệ thuật múa hát truyền thống của người Khmer.

Anh Lâm Sony (ngụ tại ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) mới 27 tuổi nhưng đã có hơn mười năm theo nghề làm mão và mặt nạ. Ba của anh là lão nghệ nhân Lâm Phên với hơn 30 năm trong nghề. Ông đã truyền dạy lại cho con trai mình những ngón nghề gia truyền của dòng tộc. Theo anh Sony, những chiếc mão hay mặt nạ của người Khmer đều được làm từ vải hoặc giấy, và phong cách của nó thể hiện rõ sở thích và sự sáng tạo của mỗi nghệ nhân.


Để làm nên một chiếc mão hoặc mặt nạ, các nghệ nhân người Khmer Nam bộ 
thường bồi đắp vải hoặc giấy lên một khuôn đúc sẵn bằng đất sét hoặc xi măng.



Vật liệu làm mão và mặt nạ của người Khmer khá đơn giản gồm một số loại như: vải, giấy, đất sét.


Ngày nay người ta còn dùng xi măng làm khuôn để có thể tái sử dụng được nhiều lần.


Tùy vào mỗi loại mão, mặt nạ mà có những kiểu trang trí màu sắc và hoa văn đặc trưng riêng.



Nghề làm mão và mặt nạ của người Khmer Nam bộ có tính chất "cha truyền con nối".



Nghệ nhân Kim Mạnh ở 
huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh là người có thâm niên gần 30 năm trong nghề làm mão và mặt nạ.


Nghệ nhân Kim Mạnh cho biết người làm mão và mặt nạ là những người rất am hiểu văn hóa của người Khmer.


Mão và mặt nạ là hai loại phục trang đặc biệt trong những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người Khmer.


Một diễn viên đội mão chằn dẫn đầu đoàn diễu hành trong ngày tết Chol Chnam Thmay.

Để làm ra một chiếc mão hay mặt nạ người nghệ nhân phải trải qua một số công đoạn như: tạo khuôn, đắp vải hoặc dán giấy và sơn trang trí hoa văn.

Để tạo khuôn mão, mặt nạ, các nghệ nhân thường dùng đất sét nhão để nhồi nặn, tạo thành hình đầu và các chi tiết mắt, mũi, miệng, tai... rồi mang đi phơi khô. Ngày nay, nhiều nghệ nhân thường dùng xi măng để tạo khuôn, cách này có ưu điểm là khuôn được tái sử dụng nhiều lần.

Khuôn sau khi khô, người làm sẽ dùng vải (vải màn hoặc vải thô cắt nhỏ khoảng 5x7cm) hoặc giấy bìa, giấy báo nhúng vào keo rồi dán lên khuôn đất. Keo ở đây có thể được lấy từ nhựa của trái thon hop còn xanh (giống trái mù u, một loại cây ở địa phương - PV) hoặc dùng hồ dán hay các loại keo công nghiệp.

Khuôn đất được bồi đắp bằng 8 đến 12 lớp vải hoặc giấy để tạo một độ dày và cứng nhất định cho mão, mặt nạ. Khuôn sau khi được bồi vải hoặc giấy xong người ta đem phơi khô cho các lớp vải hoặc giấy kết dính chắc lại rồi đập bỏ phần khuôn đất sét bên trong, như vậy là đã có được một chiếc mão hoặc mặt nạ thô như ý. Riêng chiếc mão còn phải thực hiện thêm công đoạn tạo hình cho phần đỉnh đầu rồi mới trang trí hoa văn, sơn tạo màu sắc. Tùy vào nhân vật cần tạo hình như: bà chằn, khỉ Hanuman, hoàng hậu, công chúa, mặt hề… mà người nghệ nhân phải tuân thủ theo những quy chuẩn tạo dáng, màu sắc và hoa văn đặc trưng riêng.

Nghệ nhân Kim Mạnh (ấp Trà Les, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú) có gần 30 năm trong nghề cho biết, người chế tác các loại mão, mặt nạ đòi hỏi phải có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa Khmer, có như vậy mới tạo ra được những sản phẩm đúng chuẩn, thể hiện được thần sắc, bản chất của nhân vật. Các công đoạn để làm nên một sản phẩm đều hoàn toàn bằng thủ công và phải thật cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ. Tùy các loại mão, mặt nạ đơn giản hay phức tạp mà thời gian hoàn thành cũng khác nhau. Các nghệ nhân chủ yếu chỉ làm khi khách hàng yêu cầu hoặc trong các dịp lễ, tết truyền thống của người Khmer.

Các loại mão, mặt nạ này thường được sử dụng trong những dịp lễ, tết truyền thống của người Khmer như: Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok, lễ hội Đôn Ta… hay được trình diễn trong các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer như: múa Rô băm, múa Chhay dăm, hát Aday, hát Dù Kê.../.

Một số kiểu mặt nạ và mão truyền thống của người Khmer:


















Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

Những trang sử bằng hình sắc – Hòa quyện nghệ thuật và ký ức lịch sử

“Những trang sử bằng hình sắc” – Hòa quyện nghệ thuật và ký ức lịch sử

Sáng 19/12/2024 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội), triển lãm nghệ thuật “Những trang sử bằng hình sắc” chính thức khai mạc thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật và những người muốn tìm lại ký ức lịch sử hào hùng.

Top