Tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán là tổng hòa của tạo hình dân gian vui tươi với phong cảnh thiên nhiên bằng kỹ thuật khắc in độc đáo có từ đầu thế kỷ XX.
Để làm một tác phẩm tranh khắc gỗ, theo họa sĩ Trần Nguyên Đán cho biết, khó nhất là ở ý tưởng đề tài để làm sao cùng một chủ đề có thể cho ra nhiều bản khắc khác nhau. Tranh khắc gỗ của ông có hai loại đề tài là các bức phong cảnh và người đang lao động sản xuất. Người xem cảm nhận trong tranh ông giàu nhịp điệu, có cảm giác mọi nhân vật cũng như nhà cửa, đồng ruộng, sông hồ, thuyền bè, núi non… đều đang nhảy múa nhịp nhàng. Ngắm tranh của ông có thể hiểu được ông đã thấm đẫm hồn dân tộc từ đề tài cho đến tạo hình.
Trưởng thành về nghề lúc đất nước còn chiến tranh và bao cấp nên họa sĩ Trần Nguyên Đán vẫn giữ thói quen khắc trên gỗ, kể cả khi phải ghép để được tấm lớn. Ông dùng bộ dao khắc với các lưỡi chữ V, lòng máng có cán cầm và tiếp xúc trực tiếp một tay xuống mặt gỗ để tạo ra các đường sắc nét. Bên cạnh cách khắc gỗ tranh dân gian cổ điển, ông còn thêm các kỹ thuật khắc lượn mang phong cách hiện đại để tạo những vết khắc phong phú và đầy cảm xúc trên mặt gỗ.
Các tác phẩm sẽ được phác thảo chi tiết rồi chuyển qua mộc bản.
Từ những dụng cụ rất đơn giản nhưng hoạ sĩ Trần Nguyên Đán đã ra được những tác phẩm độc đáo.
Công đoạn dùng giấy than để in các chi tiết lên mặt gỗ.
Khắc gỗ là công đoạn mất nhiều thời gian và công sức nhất.
Tác phẩm khắc trên gỗ hoàn thiện sẽ được lăn qua mực đen trước khi đặt giấy lên để in.
Các đường lăn trên bản khắc phải đều để khi lên giấy không bị nhoè.
Trong quá trình in lên giấy hoạ sĩ dùng xơ mướp để thoa lên bề mặt giấy cho các đường nét được in đều.
Tác phẩm được hoàn thiện.
Gần 50 năm gắn bó với loại hình nghệ thuật tranh khắc gỗ hoạ sĩ Trần Nguyên Đán
được biết đến là cây đa bề thế trong làng tranh khắc Việt Nam. |
Tranh của họa sỹ Trần Nguyên Đán đã đi sâu vào lòng mọi tầng lớp yêu mến mỹ thuật bởi các nét khắc duyên dáng, mộc mạc, đầy xúc cảm và đậm chất trữ tình. Sau khi đã khắc trên gỗ, họa sĩ Trần Nguyên Đán đã in tranh trên giấy dó, giấy điệp hoặc trên lụa, vải mộc, toan vẽ…
Mới đây, hơn 100 tác phẩm tranh khắc gỗ họa sĩ Trần Nguyên Đán sáng tác giai đoạn 1967-2015 đã được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa thu thập và trưng bày tại triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”.
Đánh giá về những tác phẩm tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa nhận xét: “Tranh của họa sĩ Trần Nguyên Đán bao giờ cũng nổi bật tinh thần dân tộc Việt từ bố cục, mảng đậm nhạt đến đường nét, màu sắc… thậm chí cả cái duyên dáng làm điệu cũng có hồn dân tộc”.
Đến nay đã về hưu nhưng ông vẫn dành thời gian và trí tuệ tiếp tục cho ra đời những tác phẩm tranh khắc gỗ có giá trị. Họa sĩ Trần Nguyên Đán chia sẻ rằn ông vẽ nhiều nhưng không có ý định giữ tác phẩm làm tài sản riêng để sau này làm Bảo tàng cá nhân, ông muốn gửi nó đến những nhà sưu tập, bảo tàng nghệ thuật trong và ngoài nước để tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật đồ họa tranh khắc gỗ Việt Nam./.
Tác phẩm "Hà Nội trong mắt tôi".
Tác phẩm "Thành phố hoa phượng đỏ".
Tác phẩm "Tôi yêu Hà Nội".
Tác phẩm "Cô gái Dao Đỏ".
Tác phẩm "Ngày xuân quan họ".
Tác phẩm "Hội An trong mắt tôi".
Tác phẩm "Phố bên sông".
Tác phẩm "Quốc Tử Giám mùa thu".
Tác phẩm "Chùa Cầu Hội An". |
Tác phẩm của họa sĩ Trần Nguyên Đán đã được tặng giải Nhất Triển lãm 10 năm Nghệ thuật Đồ họa Toàn quốc năm 1985; giải Ba Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1994; giải B Triển lãm Mỹ thuật Khu vực I (Hà Nội) năm 2000; Đặc biệt, năm 2007, họa sĩ Trần Nguyên Đán đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa Nghệ thuật đợt II cho 5 tác phẩm tranh khắc “Nghệ thuật Hàng Trống”, “Chăm học chăm làm”, “Trở lại Tam Bạc”, “Hội đền Hùng” và “Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội”.
|
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long