Chân dung

Hiện tượng triển lãm của nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường

Những ngày cuối của năm 2019, tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội, triển lãm “Những cảm xúc bằng màu” của nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường được khai mạc. Triển lãm dự định mở cửa trong 10 ngày. Nhưng tác giả triển lãm sau đó đã phải gửi lời xin lỗi tới khán giả và các nhà sưu tập vì lý do triển lãm phải đóng cửa sớm hơn thời gian đã công bố. Mà lý do Triển lãm phải đóng cửa sớm lại rất đặc biệt “tranh đã bán hết”. Giám đốc nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, nơi diễn ra “Những cảm xúc bằng màu” của họa sỹ Trần Thị Trường đã tổng kết gây “sốc”như thế này: “Kể từ năm 1995 đến nay, đây là hiện tượng đầu tiên của Nhà triển lãm”. 
Giải mã “hiện tượng này”, tôi xin mượn lời nhận xét của một nhà văn nổi tiếng Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều khi xem triển lãm của họa sỹ, nhà văn Trần Thị Trường: “Người phục sinh linh hồn đồ vật”.

Trước tiên, xét ở góc độ nghệ thuật, để tài không mới, đó là những tĩnh vật như chiếc bình hoa, chiếc ấm, chiếc cốc, hay là chiếc đèn dầu,… Nhưng Trần Thị Trường đã có cách tiếp cận mới, mà như lời chia sẻ của bà “tĩnh mà không tĩnh”. Chúng tôi gọi vui bà như “người làm mới cổ vật”. Mới ở đây, không phải mới vẻ bên ngoài, mà mới ở linh hồn, ở giá trị của những đồ vật mà trên mình nó khoác lên những chiếc áo thời gian đến cả gần thế kỷ. “Những chiếc áo đó”, dưới bàn tay và tư tưởng của họa sỹ Trần Thị Trường, sống động như khi nhìn nó thì người ta nhìn thấy được chính quá khứ, ký ức và tuổi thơ của mình. 
 


Buổi cắt bang khai mạc triển lãm: “Những cảm xúc bằng màu” của họa sĩ Trần Thị Trường diễn ra cuối năm 2019. Ảnh: NVCC


Bà Pam DeVolder - Tham tán Thông tin-Văn hóa, ĐSQ Mỹ tặng hoa chúc mừng họa sỹ Trần Thị Trường. Ảnh: NVCC



Nhân viên ĐSQ Mỹ đón nhận bức tranh chân dung phó tổng thống Mỹ Kamala Harris do Họa sỹ Trần Thị Trường trao tặng. Ảnh: NVCC


Họa sĩ Trần Thị Trường làm việc trong phòng vẽ. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP



Cùng với sự thành công về hội họa Họa sỹ Trần Thị Trường còn được biết đến với vai trò là một nhà văn
với các tác phẩm: Phố Hoài, Hoa mưa, Thời gian ngoảnh mặt …. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP

 

Họa sĩ Trần Thị Trường trong quá trình hoàn thành một bức tranh kí họa. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP

 

Các tác phẩm văn học của họa sỹ, nhà văn Trần Thị Trường. Ảnh: Trần Thanh Giang/VNP

Đó là một trong những lý do, có những khán giả đến thăm triển lãm và quyết định mua tranh của họa sỹ Trần Thị Trường ngay từ phút đầu tiên chiêm ngưỡng.

Họa sỹ Trần Thị Trường, trước đó, được độc giả biết đến là một nhà văn với các tác phẩm nổi tiếng vào đầu những thập niên 90 của thế kỷ trước. Bởi vậy, khi tổ chức triển lãm, nhiều người vẫn nghĩ, đó là sự rẽ ngang cưỡi ngựa xem hoa của một nhà văn trong những lúc thư giãn tìm cảm xúc của những áng văn chương tiếp theo. 

Nhưng khi “mục sở thị” triển lãm của bà, không ít độc giả yêu thích văn chương của bà bất ngờ bởi sự chuyên nghiệp trong các kỹ thuật hội họa của từng tác phẩm, bên cạnh những giá trị tư tưởng, thông điệp đặc biệt.

Theo chia sẻ của nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường, thì bà cầm cọ còn trước cả khi cầm bút viết văn. Nữ nghệ sỹ đã từng đỗ vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khóa 73, Khoa Gốm sứ, nhưng chỉ học đến năm thứ hai thì bỏ học giữa chừng. Chính vì vậy mà đam mê thủa ban đầu của bà cũng bị gián đoạn.  

Đầu năm 2019, nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường sang thăm gia đình con gái đang định cư tại Mỹ. Lúc đó, con gái bà đang tham gia làm tình nguyện viên cho các lớp học ngoại khóa dạy vẽ cho trẻ em của một số giáo viên người Mỹ nên mời bà tham gia cùng. Đó là giây phút đầu tiên, bà quay lại với hội họa sau hơn 2 thập kỷ. Mọi người đều ngạc nhiên sau khi bức tranh gốm sứ được hoàn thành. Khi đó, các giáo viên dạy vẽ người Mỹ đều nói “ Quả là lãng phí một tài năng hội họa nếu bà không vẽ”. Cộng với lời động viên từ con gái, về Việt Nam, nhà văn Trần Thị Trường bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc quay lại với đam mê thủa ban đầu của mình. 

Với tính cách, làm gì phải làm hết mình, phải dành cả tâm hồn cho nó, sau khi quyết định sẽ quay lại với hội họa, nhà văn Trần Thị Trường đã rất may mắn như lời chia sẻ của bà đó là có được một người thầy có tâm và tử tế đồng hành, họa sỹ Hải Kiên, Giảng viên Trường Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. 

Chỉ trong 6 tháng, họa sỹ Trần Thị Trường đã cho ra đời hơn 40 bức tranh tĩnh vật, được người yêu hội họa và giới chuyên môn đánh giá cao. Có bức vẽ xong đã có ngay nhà sưu tập tìm đến. 

Theo nhà văn Trần Thị Trường, một tác phẩm hội họa đẹp phải hội tụ đủ 3 yếu tố là màu, hình và nội dung. Hai yếu tố đầu thuộc về kỹ thuật hội họa, còn yếu tố thứ ba, đó chính là yếu tố mà giới phê bình trong ngành đánh giá cao bởi họa sỹ Trần Thị Trường đã tạo ra cuộc đối thoại giữa người xem và tác phẩm, nhờ vào màu và hình. Chiếc ấm đun nước, ký ức Hà Nội thời bao cấp, đã hiện lên như một chiếc xe chuyên trở ký ức của một thời kỳ, đánh thức những kỷ niệm đã đi qua,… Nhà văn Trần Thị Trường chia sẻ: “Tôi cho rằng, mọi đồ vật xung quanh tôi đều có linh hồn, tôi vẽ cái linh hồn của nó”. 

Tranh của họa sỹ Trần Thị Trường, đơn giản nhưng nhiều gam màu. Chủ đạo đó là gam màu nhẹ mang tính cổ điển, gam màu sáng khi nhìn về quá khứ. Đây cũng là điểm đặc biệt khiến triển lãm của bà tạo ra một hiện tượng trong giới hội họa. Ngoài kỹ thuật hội họa chuyên nghiệp, thì giá trị tư tưởng, giá trị nhân văn và những thông điệp cuộc sống mới là điều làm lên “hiện tượng” Nguyễn Thị Trường. 


Một số tác phẩm tranh của họa sĩ Trần Thị Trường. Ảnh: NVCC:


















Nhà văn, họa sỹ Nguyễn Thị Trường cho biết, gốc của mọi vấn đề, đó là tình yêu của một người dành cho cuộc sống. Bà đã sống hết mình với sự tích cực. Cuộc sống của bà cũng đầy những thăng trầm nhưng người ta chưa bao giờ thấy người phụ nữ này đầu hàng trước số phận. Bà là người luôn mang một năng lượng tích cực và một con mắt hiền hòa, bao dung để nhìn cuộc sống và để bao dung, tha thứ. Chính vì lẽ đó mà người xem cảm thấy yêu đời, biết trân quý cuộc sống hiện tại hơn khi xem tranh của Trần Thị Trường. 

Ngoài vẽ về tĩnh vật, đề tài sau này của bà được mở rộng hơn, đó là chân dung, phong cảnh,…

Đặc biệt, cũng trong năm 2019, cùng với sự thành công về hội họa, nhà văn Trần Thị Trường tiếp tục cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Phố Hoài, một tiểu thuyết đã tạo lên một hiện tượng, được đánh giá như “một bảo tàng ngôn ngữ về thời bao cấp”. Thế mới thấy, năng lượng sáng tạo ở tuổi 70 của một người yêu cuộc sống là thế nào?,… Nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường trước khi kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà còn nhắc nhở tôi rằng, hãy giúp bà truyền một thông điệp đến với độc giả rằng “Không bắt đầu nào là muộn cả, đừng bao giờ sợ muộn”. 

Nhà văn nổi tiếng Việt Nam, Tạ Duy Anh đã viết như thế này về nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường: “Một lương tâm mà chạm tới đâu, bóng tối thì co lại, còn ánh sáng thì tìm cách bừng sáng lên”./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang, Tư liệu NVCC

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top