Người “truyền lửa” cho điện ảnh Việt Nam trên hành trình hội nhập quốc tế
Dẫu không xuất hiện quá nhiều trước ống kính nhưng Tiến sĩ Ngô Phương Lan lại là người bền bỉ đứng sau sân khấu, âm thầm "truyền lửa" cho điện ảnh Việt Nam trên hành trình hội nhập với thế giới. Mới đây, bà đã được Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp trao tặng Huân chương Văn học và Nghệ thuật bậc sĩ quan, một trong những huân chương danh giá nhằm tôn vinh những cá nhân có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thúc đẩy quan hệ hợp tác văn hóa quốc tế.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, bố là Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân, một trong những người đặt nền móng cho nền hoạt hình Việt Nam, mẹ là diễn viên Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Lan nên từ sớm điện ảnh đã trở thành niềm đam mê và lý tưởng sống của bà Ngô Phương Lan.
Ở tuổi đôi mươi, bà rời Hà Nội để theo học tại trường Đại học Điện ảnh Quốc gia VGIK (Moscow, Liên Xô). Tại đây, bà có cơ hội tiếp cận với những tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới và dần hình thành tư duy phản biện với ảnh hưởng từ góc nhìn độc đáo của các đạo diễn như François Truffaut, Alain Resnais…
bà Ngô Phương Lan. Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Trở về Việt Nam, công tác tại Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bà đã dành trọn tâm huyết cho sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà. Sau đó, trên cương vị Cục trưởng Cục Điện ảnh, bà đã thổi một luồng gió mới vào ngành điện ảnh trong bối cảnh ngành có nhiều chuyển biến với sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của khu vực tư nhân.
Không chỉ là nhà quản lý, bà còn là nhà phê bình, nhà nghiên cứu với những công trình học thuật có giá trị, nổi bật là luận án tiến sĩ “Tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam” đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình đưa điện ảnh Việt Nam đến gần hơn với công chúng quốc tế. Công trình nghiên cứu này được xuất bản bằng tiếng Anh đã góp phần giới thiệu sâu sắc hơn về sự đa dạng, tính phức tạp và tiến trình phát triển của nền điện ảnh nước nhà.
Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Trong những năm công tác tại Cục Điện ảnh, những đóng góp của bà tại các liên hoan phim, trong vai trò giám khảo quốc tế, qua các công trình nghiên cứu, hoạt động giảng dạy và sự hiện diện tích cực ở một số tổ chức chuyên ngành, tất cả đều là minh chứng rõ nét cho một hành trình cống hiến bền bỉ, đầy đam mê và lan tỏa, góp phần khẳng định vị thế của điện ảnh Việt Nam không chỉ về chất lượng nghệ thuật mà còn cả về sự phát triển kinh tế năng động.
Điểm nhấn rõ nét nhất là bà đã hợp tác với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, chính quyền thành phố Saint Malo cùng các nhà hoạt động văn hóa và điện ảnh Pháp, trong đó có các đạo diễn nổi tiếng như Claude Lelouch, Regis Wargnier tổ chức thành công Liên hoan phim Việt Nam tại Pháp ở Saint Malo nhằm giới thiệu, vinh danh các bộ phim Việt Nam chọn lọc và các phim Pháp về Việt Nam.
Sau khi nghỉ hưu, bà thành lập Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam với vai trò là cầu nối giữa các cơ quan quản lý và giới chuyên môn, đồng thời khích lệ các tỉnh thành trở thành những địa điểm quay phim, ghi hình bằng cách xây dựng các chính sách thu hút mới.
Năm 2023, bà sáng lập Liên hoan Phim Châu Á Đà Nẵng - liên hoan phim thường niên đầu tiên của Việt Nam (DANAFF). Ở mùa thứ hai, bà đã triển khai tổ chức hội thảo chuyên đề cùng chương trình chiếu phim đặc biệt nhằm tôn vinh mối quan hệ giữa điện ảnh Pháp và Việt Nam.
Với những nỗ lực không mệt mỏi trong việc kết nối điện ảnh Việt Nam - Pháp, cũng như đào tạo và phát triển tài năng trẻ cho lĩnh vực điện ảnh Việt Nam, mới đây bà đã được nước Cộng hòa Pháp ghi nhận bằng việc trao tặng Huân chương Văn học và Nghệ thuật bậc sĩ quan.
Bà Rachida Dati - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp cho biết: “Huân chương cao quý này nhằm tôn vinh hành trình phi thường của một người phụ nữ vượt qua mọi giới hạn và rào cản, hết lòng vì điện ảnh. Tầm ảnh hưởng của bà đã lan tỏa vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Bà cũng là biểu tượng sống động cho mối quan hệ bền chặt giữa hai đất nước Việt Nam và Pháp”.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Trần Thanh Giang & Tư liệu