Tiêu điểm

Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với hạn mặn

Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra khốc liệt, các địa phương trong vùng đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, đồng thời, triển khai giải pháp cấp bách phòng, chống nhằm ổn định đời sống dân sinh.
Hạn mặn vượt mức kỷ lục năm 2016

Theo nhận định của các chuyên gia, năm nay, hạn hán, xâm nhập mặn được cho là khốc liệt chưa từng có trong lịch sử, vựa lúa gạo lớn nhất cả nước đang đối mặt với thách thức lớn.
11 tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn mặn, trong đó 5 tỉnh là Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Long An đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai. 


Bến Tre hiện có trên 5.200 ha diện tích lúa bị thiệt hại, khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tại tỉnh Long An, ước tính diện tích lúa bị ảnh hưởng trong mùa khô khoảng 13.500 ha; Sóc Trăng cũng có khoảng 4.000 ha lúa tại thiệt hại do xâm nhập mặn. Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, nước mặn đã làm ảnh hưởng đến tất cả các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh; hàng chục nghìn ha cây trồng tại “thủ phủ cây ăn trái” đã và đang thiếu nước trầm trọng.


Cánh đồng lúa khô nứt nẻ do hạn hán tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thông Hải


Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng kết hợp với hạn hán đã làm 20 nghìn ha lúa chết tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thông Hải


Những luống dưa hấu chết héo do hạn hán tại xã Thủy An huyện Ba Tri,  tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thông Hải


Hơn 10 công đất trồng dưa hấu của anh Nguyễn Tấn Phong xã Thủy An huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre chết héo vì hạn mặn. Ảnh: Thông Hải


Lúa chết khô vì nhiễm mặn tại xã Mỹ Nhơn huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thông Hải


Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô.
Xâm nhập mặn làm thiệt hại khoảng gần 39.000 ha diện tích sản xuất lúa. Ảnh: Thông Hải
Không chỉ gây thiệt hại về sản xuất, hạn mặn còn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Cụ thể, hạn mặn gay gắt đã gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở ĐBSCL. Hiện có tới 96.000 hộ dân không đủ nước sinh hoạt. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay và lần sau càng khốc liệt hơn lần trước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô; nền mặn ở cửa sông Cửu Long được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 3; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn và vùng Cà Mau duy trì ở mức cao đến hết tháng 4-2020.

Chủ động để thích ứng lâu dài

Thời gian qua, thực hiện, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về việc ĐBSCL chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, toàn vùng đã gia cố được hơn 580 km bờ bao, đắp 207 đập ngăn lũ; các địa phương cũng chủ động xả lũ lấy nước vào ô bao để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, với diện tích trên 141.351 ha. Trong năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục bố trí kinh phí 5.157 tỷ đồng để thực hiện 20 dự án phòng, chống hạn mặn ở ĐBSCL.

Trước dự báo khô hạn năm nay sẽ phức tạp hơn năm 2016, từ giữa năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn, mặn. Nhờ các công tác dự báo, cảnh báo sớm nên mặc dù đến thời điểm hiện tại, mức độ hạn, xâm nhập mặn đã đạt mức kỷ lục nhưng mức độ thiệt hại đã được giảm thiểu đáng kể, trên 90% diện tích lúa đông xuân ở ĐBSCL đã tránh hạn và né mặn thành công do có chỉ đạo cấy sớm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn tại Cống An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Ảnh: Thống Nhất / TTXVN


Đo độ mặn tại một kênh nội đồng trên địa bàn xã an Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thông Hải


Người dân xếp hàng chờ xin nước sạch tại Tp Bến Tre. Ảnh: Thông Hải


Người dân huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre mua nước sạch với giá 120.000đ/ mét khối nước. Ảnh: Thông Hải


Xây cống ngăn mặn với kinh phí gần 10 tỷ đồng trên kênh trục 418 thuộc hệ thống thủy lợi Cầu Sập, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thông Hải
Vấn đề đáng lo ngại nhất đến thời điểm hiện tại vẫn là đảm bảo được nguồn nước cho sinh hoạt ở một số khu vực. Hiện nhiều địa phương ở ĐBSCL đang khẩn trương làm mọi cách để đưa nước ngọt về với người dân. Trong chuyến công tác tại chỉ đạo công tác chống hạn, mặn tại ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các địa phương phải tập trung giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Thủ tướng cũng đã đồng ý chi cho 5 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp mỗi tỉnh 70 tỷ đồng để ứng phó với tình trạng hạn, mặn.
“Sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL đang áp dụng "3 chuyển dịch": dịch chuyển lịch thời vụ để "né hạn, mặn", sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa”.
Theo TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL


Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ đẩy mạnh xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh nhằm cân bằng các nguồn nước, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước nước một cách hợp lý theo không gian, thời gian đặc biệt là quy định các phương án phân bổ nguồn nước trong trường hạn hán, thiếu nước cho các mục đích sử dụng nhất là đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân./.
 
Bài: Thông Hải - Ảnh: Thông Hải, TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những dấu ấn đậm nét ở Quốc hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những dấu ấn đậm nét ở Quốc hội

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tâm huyết, trăn trở cho hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, với kinh nghiệm thực tiễn qua 2 nhiệm kỳ giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội (khóa XI, XII), Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo toàn diện, khách quan, sâu sắc về tổ chức và hoạt động của Quốc hội; đồng thời có những định hướng chỉ đạo rất sát sao việc đổi mới để Quốc hội ngày càng hoàn thiện hơn.

Top