Kinh tế

Điển hình trong chuỗi sản xuất An toàn thực phẩm của Hà Nội

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã có những kết quả tích cực trong công tác điều hành, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, nâng cao giá trị chuỗi cung ứng nông sản cho người dân thủ đô 6 tháng đầu năm 2022. Điển hình trong số đó là hai mô hình HTX đạt tiêu chuẩn ATTP, ứng dụng công nghệ quản trị từ Nhật Bản: HTX rau sạch Cuối Quý(Đan Phượng, Hà Nội), HTX thủy sản công nghệ cao Đại Áng (Thanh Trì, Hà Nội).

Câu chuyện dùng sức khỏe để bảo hành rau sạch tại HTX rau Cuối Quý

Rau sạch của HTX rau Cuối Quý (Đan Phượng, Hà Nội) từ nhiều năm qua đã chứng minh được giá trị của hai chữ “an toàn” đối với người tiêu dùng. Sự an toàn của HTX được chính người chủ, là bà Đặng Thị Cuối khẳng định: “Tôi dùng chính sức khỏe của bản thân để đảm bảo cho những sản phẩm này”.

Trước đó, bà Cuối được vào lao động trong một trang trại trồng rau hữu cơ ở Đài Loan. Theo bà kể: “Trồng rau ở Đài Loan, năng suất cao gấp 2-3 lần đã đành nhưng độ sạch còn gấp hơn thế rất nhiều. Nước trồng rau sạch đến nỗi hơn cả nước uống vì nhà chủ dùng nước máy để ăn nhưng cũng thứ nước ấy phải qua máy lọc mới dám đưa vào hệ thống tưới tự động cho rau”.

Hệ thống rau sạch của HTX đạt các chứng chỉ an toàn. Ảnh: Phạm Thái Sơn
Bà Đặng Thị Cuối đang chăm sóc nhà lưới rau sạch học tập mô hình của Đài Loan. Ảnh: Phạm Thái Sơn
HTX rau sạch Cuối Quý đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ảnh: Phạm Thái Sơn
Các sản phẩm rau sạch của HTX luôn không đủ hàng để cung cấp ra thị trường. Ảnh: Phạm Thái Sơn

Bà Cuối say mê với nông nghiệp hữu cơ đến mức dành trọn 16 năm để học tập kinh nghiệm và công nghệ sản xuất rau sạch tại Đài Loan. Thậm chí, bà còn “kéo” cả chồng là ông Nguyễn Đăng Quý sang để chỉ cho ông cách làm.

Bắt tay sản xuất rau hữu cơ từ năm 2017, đến nay diện tích của trang trại là trên 15ha thiết kế với hệ thống thoát gió, thoát khí và tưới tiêu hiện đại. Mô hình HTX rau Cuối Quý còn cung cấp thực phẩm sạch cho 16 trường mẫu giáo và 3 chuỗi cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố. Trung bình mỗi địa chỉ sẽ đến nhận rau 1 - 2 lần/tuần và mỗi lần vào khoảng 2 - 3 tạ rau.

Thay vì phun thuốc diệt cỏ để khử trùng đất hoặc phun thuốc trừ sâu bằng các loại thuốc hóa học, bà Cuối mày mò, vận dụng kinh nghiệm đã có sử dụng phân hữu cơ và men vi sinh. Bà trộn men vi sinh với đường cát, sữa milo và ủ trong thời gian nhất định sau đó nghiền nát, lọc cặn bã rồi mới phun. Bà kiên trì với hình thức canh tác độc đáo “5 không”, đó là: Không phun thuốc diệt cỏ; Không phân bón hóa học; Không thuốc bảo vệ thực vật; Không kích thích tăng trưởng; Không giống biến đổi gen nhằm bảo vệ môi trường và “giữ chân” thiên địch.

Ứng dụng công nghệ tại HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng

Trên diện tích hơn 15ha, Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (xã Đại Áng) đang đầu tư áp dụng mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” với quy mô 15 bể nuôi.

Giám đốc HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng Nguyễn Văn Thiêm cho biết, các bể nuôi được lắp thiết bị máy sục khí, máy hút chất thải, hệ thống nước trắng, xử lý nước thải, ô xy hóa... nhờ đó, cá sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình sản lượng đạt khoảng 300 tấn cá/năm, doanh thu hơn 7 tỷ đồng/năm, cao hơn 1,8 lần so với nuôi cá theo phương pháp truyền thống.

HTX thủy sản Đại Áng có diện tích trên 15ha .Ảnh: Phạm Thái Sơn
Quy trình chế biến tại HTX . Ảnh: Phạm Thái Sơn
HTX thủy sản Đại Áng có 7 thành viên và 30 hộ liên kết. Ảnh: Phạm Thái Sơn
Một số sản phẩm tiêu biểu của HTX. Ảnh: Phạm Thái Sơn

HTX Thuỷ sản Đại Áng tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) được thành lập năm 2018, có 7 thành viên và 30 hộ liên kết với diện tích gần 70ha thả nuôi các loại cá truyền thống như rô phi, cá trôi, cá trắm… Mỗi năm, cho sản lượng khoảng từ 50 đến 60 tấn/ha, đạt doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/ha/năm, tạo việc làm ổn định cho 70 lao động tại địa phương, thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng./.

Thành phố tiếp tục xây dựng và phát triển 159 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó có 47 chuỗi sản xuất động vật, 06 chuỗi sản xuất thủy sản, 106 chuỗi sản xuất nguồn gốc thực vật, tăng 18 chuỗi so với cùng kỳ năm 2021.

 

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Sơn Phạm


Top