Tiêu điểm

Dấu mốc mới trong hợp tác Mekong - Nhật Bản

Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 diễn ra ở thủ đô Tokyo dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kết thúc tốt đẹp. Với quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản lên Quan hệ đối tác chiến lược và thông qua Chiến lược hợp tác Tokyo 2018 định hướng cho hợp tác Mekong - Nhật Bản giai đoạn 2019 - 2021, hội nghị đã tạo một dấu mốc mới trong hợp tác Mekong - Nhật Bản.
Nâng cấp lên Quan hệ đối tác chiến lược

Tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongluon Sisoulith, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã rà soát tình hình hợp tác thời gian qua; thảo luận các phương hướng lớn của hợp tác giai đoạn mới cũng như trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực.

Thủ tướng Nhật Bản Abe và các nhà lãnh đạo các nước Mekong ghi nhận sau 10 năm hình thành, hợp tác Mekong-Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu theo định hướng được đề ra là xây dựng một tiểu vùng hòa bình và ổn định lâu dài; phát triển kinh tế, đóng góp tích cực cho hội nhập ASEAN.

Về chiến lược Tokyo 2015 cho giai đoạn 2016-2018, các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc triển khai hàng trăm dự án trong nhiều lĩnh vực, giúp cải thiện kết nối cơ sở hạ tầng, thúc đẩy gắn kết kinh tế - công nghiệp và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và khu vực Mekong. Lãnh đạo các nước Mekong đánh giá cao việc Nhật Bản đã hỗ trợ hơn 750 tỷ yên giai đoạn 2016-2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe duyệt Đội danh dự tại lễ đón. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN


Trong ảnh (từ phải sang trái): Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen chụp ảnh chung. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10.
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Trong ảnh (từ phải sang trái): Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen và các đại biểu chụp ảnh chung với các đội trưởng đội tuyển bóng đá U17 Mekong và Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước báo chí, sau hội đàm.
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các trưởng đoàn dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10
yết kiến Nhà vua Nhật Bản Akihito. Ảnh: TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản, Ngài Chuichi Date. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, Ngài Tadamori Oshima. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Kinh doanh Mekong-Nhật Bản, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) chủ trì. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật – Việt.
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Thủ tướng Nhật Bản Abe và các nhà lãnh đạo các nước Mekong đã quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản lên Quan hệ đối tác chiến lược. Theo đó, phương hướng hợp tác trong thời gian tới sẽ tập trung vào ba trụ cột chính gồm: kết nối linh hoạt và hiệu quả; xã hội lấy người dân làm trung tâm; hiện thực hóa mục tiêu Mekong xanh.
Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức “Năm giao lưu Mekong-Nhật Bản 2019” nhằm thúc đẩy hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân các nước Mekong và Nhật Bản. Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Chiến lược Tokyo 2018 cho hợp tác giai đoạn 2019-2021 cùng ba phụ lục danh sách các dự án phối hợp giữa hợp tác Mekong-Nhật Bản với các chương trình, khuôn khổ hợp tác phát triển toàn cầu và khu vực. 

Vai trò của Việt Nam trong hợp tác Mekong - Nhật Bản

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, báo Japan Times - tờ báo tiếng Anh lớn nhất Nhật Bản - số ra ngày 6/10 đã đăng bài viết của Giáo sư Ryo Ikebe, thuộc Khoa Kinh tế, trường Đại học Senshu, về hợp tác Mekong - Nhật Bản và vai trò của Việt Nam.

Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Tiểu vùng sông Mekong - gồm các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Tiểu vùng này cũng có một vị trí địa lý đặc biệt, kết nối với các thị trường lớn và các nền kinh tế năng động của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, cũng như các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với các lợi thế như vậy, Tiểu vùng Mekong có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất - tiêu dùng của ASEAN và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Với mục đích thiết lập một “vòng cung tự do và thịnh vượng” trong đó khu vực Mekong là thành tố chính, cơ chế hợp tác với Tiểu vùng sông Mekong được Nhật Bản thúc đẩy từ năm 2007. Chiến lược Tokyo 2012, sau đó là Chiến lược Tokyo 2015 được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản với cam kết hỗ trợ 750 tỷ yên (hơn 6,6 tỷ USD) từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản trong vòng 3 năm nhằm thực hiện mục tiêu bao trùm, gắn kết, bền vững cho hợp tác Mekong – Nhật Bản, đưa khu vực này tăng trưởng chất lượng cao.

Về vai trò của Việt Nam trong hợp tác Mekong - Nhật Bản, Giáo sư Ikebe nhấn mạnh nằm ở vị trí cửa ngõ, hạ nguồn của sông Mekong, Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều cơ chế hợp tác của Tiểu vùng sông Mekong, trong đó đặc biệt chú ý tới hợp tác Mekong - Nhật Bản. Việt Nam đã tham gia các hoạt động thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS); tích cực cùng với các nước Tiểu vùng sông Mekong đàm phán và hoàn thành các quy định, thủ tục về chia sẻ số liệu, giám sát sử dụng nước, duy trì dòng chảy, bảo vệ nguồn nước sông Mekong; tham gia tích cực vào sáng kiến “Một thập kỷ Mekong Xanh” trong hợp tác Mekong - Nhật Bản…

Các cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng và phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam đã chính thức tiếp nhận vai trò là điều phối viên quan hệ ngoại giao ASEAN-Nhật Bản, qua đó khả năng sẽ đóng góp tích cực hơn nữa cho Hợp tác Mekong - Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chứng kiến lễ trao Bản ghi nhớ hợp tác y tế về phục hồi chức năng chất lượng cao cho bệnh nhân điều trị bệnh thần kinh sọ não giữa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Kitahara, Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN


Hai Thủ tướng chứng kiến lễ trao Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực chính sách biển và đại dương giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Văn phòng Nội các Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chứng kiến lễ trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương và Tập đoàn Sumitomo và Công ty TNHH Điện lực Vân Phong về dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chứng kiến lễ trao Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Cơ quan cảnh sát quốc gia, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản về lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Osamu Masuko, Tổng Giám đốc Mitsubishi Motors. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Tokyo Mitsubishi (Nhật Bản) phối hợp tổ chức. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kanetsugu Mike, Tổng giám đốc Ngân hàng MUFG - ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản; là ngân hàng bán lẻ, doanh nghiệp và đầu tư cốt lõi của Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với một số tập đoàn của Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự tọa đàm với các doanh nghiệp bất động sản của Nhật Bản, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng công ty Bến Thành và Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Tatsuo Yasunaga, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Mitsui
(Nhật Bản). Ảnh: Thống Nhất –TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Ngài Motoya Okada, Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON (Nhật Bản) - một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ khai trương các đường bay của Hãng hàng không VietjetAir đến Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Takehiko Kakiuchi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty Mitsubishi. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN
Giáo sư Ikebe đánh giá hợp tác Nhật Bản - Việt Nam trong khuôn khổ Mekong - Nhật Bản đã đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả hai nước, sự thịnh vượng của khu vực, cũng như củng cố quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình, thịnh vượng ở châu Á giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Trong khuôn khổ hợp tác Mekong - Nhật Bản, từ nhiều năm qua, Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Nhiều dự án đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như dự án cầu Nhật Tân, sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Cần Thơ, cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Cái Mép - Thị Vải (Thành phố Hồ Chí Minh), đường hầm Hải Vân... Các dự án cơ sở hạ tầng này cũng góp phần kết nối các nước Tiểu vùng sông Mekong và thực hiện chiến lược xuất khẩu cơ sở hạ tầng chất lượng cao của Nhật Bản.

Hợp tác Mekong - Nhật Bản đã củng cố hơn nữa quan hệ Nhật Bản - Việt Nam toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Năm 2017, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn FDI là 9,1 tỷ USD và tiếp tục duy trì trong 6 tháng đầu năm 2018 với vốn FDI đạt 6,5 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ở Việt Nam hiện khoảng 3.100, tăng 40% trong 4 năm qua. Số doanh nghiệp Nhật Bản là thành viên Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tính đến tháng 6/2018 là 1.788 doanh nghiệp, đứng đầu trong số các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản ở các nước Đông Nam Á.

Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 33,84 tỷ USD, quý I/2018 đạt 8,7 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 nhưng là lớn nhất của Việt Nam trong số các nước cùng tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)./.

Bài: VNP tổng hợp - Ảnh:TTXVN

Cách mạng tinh gọn bộ máy: Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả

Cách mạng tinh gọn bộ máy: “Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”

Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên mới, Việt Nam quyết tâm củng cố tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhằm tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Top