Đại lộ Võ Văn Kiệt, lúc đầu gọi là Đại lộ Đông - Tây, là tuyến đường hiện đại bậc nhất đi qua trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) theo hướng Đông - Tây. Đây là tuyến đường chiến lược góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho TP.HCM nói riêng và cả vùng Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung.
Dự án Đại lộ Đông - Tây được khởi công từ năm 1997 và bắt đầu thông xe giai đoạn I vào tháng 9 năm 1999. Dự án này có tổng mức đầu tư là 9.864 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay nước ngoài là 6.394 tỉ đồng từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng ngân sách nhà nước 3.470 tỉ đồng. Tháng 5 năm 2010, dự án phải tăng thêm vốn khoảng 3.600 tỉ đồng do thiết kế mở rộng thêm tại tuyến qua quận 2, nâng tổng mức đầu tư lên đến hơn 13.400 tỉ đồng.
Đây là trục giao thông chiến lược của một đô thị có số dân xấp xỉ 10 triệu trong tương lai không xa. Giờ đây, việc đi lại từ Đông qua Tây thành phố do không phải chạy qua trung tâm nên đã giảm ùn tắc, đồng thời rút ngắn được thời gian từ 20-25 phút. Con đường còn tạo điều kiện giảm mật độ cư dân trong thành phố nhờ việc quy hoạch giãn dân về phía bờ Đông sông Sài Gòn và phía Nam thành phố. Mặt khác, Đại lộ Đông - Tây còn góp phần cải tạo môi trường, đem lại vẻ mĩ quan đô thị cho thành phố. Bằng chứng là những khu nhà ổ chuột của hàng ngàn hộ dân ở hai bên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đang nhường chỗ cho những công viên rợp bóng cây xanh và những công trình công cộng hiện đại. Quan trọng hơn, những hộ dân phải di dời này sẽ có chỗ ở tốt hơn, môi trường sống văn minh hơn tại các khu tái định cư mới.

Đại lộ Võ Văn Kiệt, nhìn từ trên cao. Ảnh: Tư liệu.

Đua xe đạp mừng ngày Lễ 30/4 trên Đại lộ Võ Văn Kiệt. Ảnh: Tư liệu.

Lai dắt đốt hầm phục vụ việc thi công hầm ngầm vượt sông Sài Gòn. Ảnh: Lê Minh.

Một đoạn đường hầm đi qua quận Bình Thạnh. Ảnh: Tư liệu.

Cây cầu mới tạo sự thuận lợi cho giao thông đường bộ và đường thủy. Ảnh: Tư liệu.

Đại lộ Võ Văn Kiệt tạo nên một diện mạo mới cho TP. HCM. Ảnh: Tư liệu. |
Đại lộ Đông - Tây cũng là công trình đánh dấu bước trưởng thành mạnh mẽ của ngành xây dựng các công trình giao thông vận tải Việt Nam. Một trong những dấn ấn quan trọng nhất của công trình này là việc thi công hạng mục hầm ngầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Đây là hạng mục phức tạp và khó khăn nhất. Hầm Thủ Thiêm được thực hiện theo phương án hầm dìm. Hầm dài 1,49km, rộng 33m, cao 9m, có sáu làn xe, mỗi bên ba làn cho cả ôtô và xe máy, chưa kể hai làn thoát hiểm. Phần thân hầm gồm 4 đốt, mỗi đốt dài 93m, nặng 25.000 tấn, dày hơn 1,2m được cấu tạo bởi bê tông cốt thép chống thấm. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/giờ. Công trình có tuổi thọ theo thiết kế là 100 năm. Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 30 hầm loại này, phổ biến ở Nhật Bản, Hồng Kông, Thượng Hải, Australia, Mỹ, Anh... Riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước đầu tiên xây dựng hầm loại này. Được biết, đến nay, các nhà thầu đã thi công xong khoảng 95% toàn bộ khối lượng công việc. Dự kiến hầm Thủ Thiêm sẽ thông xe kĩ thuật và đưa vào sử dụng vào tháng 10/2011.
Dự kiến, khi tuyến đường này hoàn thành, toàn bộ tuyến giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên sẽ được mở thông suốt, góp phần cho việc phát triển kinh tế của TP.HCM nói riêng và các tỉnh nói chung.
Sáng 29/4/2011, Đại lộ Đông - Tây chính thức mang tên Đại lộ Võ Văn Kiệt. Đại lộ Võ Văn Kiệt có tổng chiều dài 13.2km, kéo dài từ đoạn giao nhau giữa đường Hàm Nghi và đường Tôn Đức Thắng, thuộc bờ Tây sông Sài Gòn (quận 1) đến cầu vượt Quốc lộ 1, huyện Bình Chánh. Phát biểu tại buổi lễ đặt tên mới cho Đại lộ Đông -Tây, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. HCM Nguyễn Thành Tài nhấn mạnh: “Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến dự án xây dựng Đại lộ Đông - Tây cũng như luôn trăn trở và trực tiếp chỉ đạo về những chiến lược, giải pháp, công trình mang tính đột phá, đưa thành phố ngày càng phát triển đi lên cùng cả nước. Việc đặt tên đường hôm nay là tâm nguyện, là tấm lòng của người dân thành phố ghi nhận và trân trọng với những đóng góp to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là đối với sự nghiệp phát triển bền vững của TP. HCM./.
Bài: Thịnh Phát - Ảnh: Lê Minh & Tư liệu BQL đầu tư xây dựng công trình GTĐT TP. HCM.