Chùa Đại Giác thuộc ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa (Đồng Nai) gắn với câu chuyện lịch sử về mối tình ngang trái, yêu đơn phương của nàng công chúa nhà Nguyễn. Ngôi cổ tự cũng là chứng tích về con đường truyền bá Phật giáo từ những ngày đầu cha ông đi mở đất phương Nam.
Tương truyền, khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, công chúa Ngọc Anh vốn uyên thâm Phật học từng nương mình ở chùa Đại Giác để không muốn bị cuốn vào cuộc binh đao. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long (1802-1820), công chúa Ngọc Anh được triệu hồi về Kinh đô Phú Xuân (Tp. Huế ngày nay).
Lúc bấy giờ, ở phương Nam có một vị thiền sư đạo hạnh, thông kim bác cổ và khả năng thuyết giảng về Phật pháp đặc biệt xuất chúng là Liễu Đạt Thiệt Thành. Ông đã trở thành vị sư đầu tiên của miền Nam được vua Gia Long phong là Quốc sư. Đến đời vua Minh Mạng (1820-1841), thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành được mời về kinh đô để thuyết pháp cho hoàng tộc và triều đình. Sau khi được gặp và nghe thiền sư giảng đạo, công chúa Ngọc Anh đã đem lòng yêu say đắm, cuồng nhiệt. Tất nhiên, Thiền sư không thể phá giới và ra sức vừa khuyên giải, vừa cự tuyệt tình yêu của công chúa.
Cổng vào chùa Đại Giác.
Bút tích của công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh được lưu giữ tại chùa Đại Giác.
Hệ thống tượng phật thờ trong Chánh điện.
Phật Bà nghìn tay được đục đẽo và sơn son thếp vàng tinh xảo tại của Đại Giác.
Tượng Quan thánh đế quân.
Pho tượng Phật Quan âm Nam Hải trên tòa sen uy nghi dưới tán bồ đề ở chùa Đại Giác.
Phù điêu Phật Di Lặc với trẻ em.
Hệ thống tượng thờ trong chùa Đại Giác.
Tượng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma.
Tượng rồng vàng ngậm ngọc.
Các sư nữ hành lễ trong Chánh điện chùa Đại Giác.
Chùa Đại Giác là nơi tu hành của các sư nữ. |
Đang lúc khó xử, thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã xin trở vào Gia Định chịu tang sư phụ làm công chúa nhớ thương, sức khỏe ngày càng suy sụp. Sau đó, nàng xin triều đình vào Gia Định cúng dường nhưng thiền sư vẫn tìm cách lánh mặt và quyết định nhập thất 2 năm ở chùa Đại Giác.
Không gặp được người yêu, công chúa lại tìm về ngôi chùa trước đây mình từng quy y, tình cờ được biết thiền sư đang nhập thất, nàng năn nỉ được nắm tay thiền sư. Thiền sư cảm động đưa bàn tay cho công chúa qua ô cửa tịnh thất. Đêm ấy, tịnh thất phát hỏa bởi thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã tự thiêu để giữ vẹn tiết hạnh. Nàng công chúa Ngọc Anh sau đó cũng quyên sinh, để lại mối tình ngang trái, gắn với ngôi chùa Đại Giác linh thiêng đến tận ngày nay.
Ngày nay, ngôi chùa Đại Giác cổ kính nằm dưới tán cây bồ đề cổ thụ nằm ngay trung tâm Cù lao Phố có diện tích khoảng 3.000m2 được tường rào bao bọc xung quanh với 2 cổng vào. Cây bồ đề ngay giữa sân chùa do Hòa thượng Đinh Tông trồng vào ngày rằm tháng 11 năm Kỷ Mão (1939) và chính diện là pho tượng Phật Quan âm Nam Hải trên tòa sen. Khuôn viên chùa Đại Giác là một khu vườn rộng trồng cây trái, bên phải còn có khu bảo tháp với nhiều mộ tháp của các vị trụ trì đã viên tịch.
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, sau nhiều lần trùng tu, hiện kiến trúc của chùa Đại Giác có hình chữ tam với ba dãy nhà ngang nối liền nhau. Bên trong chùa thiết kế theo kiểu mẫu của các chùa xưa ở vùng Đồng Nai, với các cột tròn và cao vút, tạo không gian thoáng đãng. Các cột phía trước đều có câu đối, các cặp câu đối đều bắt đầu bằng chữ Đại và chữ Giác ở mỗi vế. /.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân