Du lịch

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội (còn có tên gọi khác là kỳ đài Hà Nội) được coi là “nhân chứng” khi đã hơn 2 thế kỷ in dấu và “sống” cùng những thăng trầm của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến. Giờ đây, Cột cờ Hà Nội là một điểm du lịch không thể bỏ qua trong hành trình khám phá lịch sử đất Hà Thành.
Nằm trong khuôn viên của Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Cột cờ Hà Nội được đánh giá là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long. Điều thú vị đầu tiên khiến hầu hết du khách khi đến thăm Hà Nội đều muốn đặt chân đến điểm di tích này chính là nét kiến trúc độc đáo, cổ kính của công trình.

Theo sử sách ghi chép, Cột cờ Hà Nội được xây dựng dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long (bắt đầu xây dựng từ năm 1805 và hoàn thành năm 1812).Cột cờ cao  41m, gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế Cột cờ có hình vuông, nhỏ dần lên trên, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch. Bố cục cân đối ấy đã tạo lên những đường nét thẳng, vững vàng cho Cột cờ Hà Nội.

Dưới thời nhà Nguyễn, Cột cờ có chức năng vọng canh, theo trục Bắc - Nam. Từ trên đỉnh của kỳ đài có thể quan sát cả một vùng rộng lớn bên trong và bên ngoài khu thành cổ. Trừ cửa hướng Bắc, ba cửa còn lại của Kỳ đài đều được khắc tên riêng. Cửa hướng Đông là "Nghênh húc" (đón ánh nắng ban mai), cửa hướng Tây là "Hồi quang" (ánh sáng phản chiếu), còn cửa Nam là "Hướng minh" (hướng về ánh sáng).



Cột cờ Hà Nội được xây dựng dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long
(bắt đầu từ năm 1805 và hoàn thành năm 1812).

Trải qua hơn 2 thế kỷ, những phần hư hỏng của Cột cờ Hà Nội đã được trùng tu lại nhưng vẫn giữa được hiện trạng ban đầu.
Du khách quốc tế khám phá Cột cờ Hà Nội.

Lối đi lên đỉnh Cột cờ là đường hầm được xây bằng đá và gạch.


Những khẩu pháo có từ thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19) được đặt dưới chân Cột cờ.



Những viên đạn bằng đá được lưu giữ dưới chân Cột cờ Hà Nội.


Xác máy bay của địch bị bắn hạ trong Cuộc kháng chiến chống Mỹ
được trưng bày tại bảo tàng Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.



Chiếc xe tăng mang biển số 985 sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được trưng bày tại Bảo tàng.


Du khách thăm khu trưng bày máy bay nằm ngay dưới chân cột cờ Hà Nội.


Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam nhìn từ trên Cột cờ Hà Nội.


Cột cờ Hà Nội không chỉ là một biểu tượng hùng thiêng của Hà Nội
mà còn là một điểm đến du lịch không thể bỏ của Hà Thành.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, Cột cờ Hà Nội được quân Pháp dùng để làm đài quan sát. Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội. Chính vì vậy, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hình ảnh Cột cờ Hà Nội cũng đã được in trang trọng trên đồng tiền được phát hành đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đến ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội” đã trờ thành giây phút thiêng liêng với người dân Thủ đô. Còn trong cuộc chiến tranh chống phá hoại của Mỹ, Cột cờ lại chuyển sang là đài quan sát của bộ đội phòng không Hà Nội. Từ đỉnh cột cờ có thể nhìn thấy cả Hà Nội và vùng ngoại ô.

Hơn nửa thế kỷ qua, gắn trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội” là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay lồng lộng trên nền trời của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Với hơn 200 năm tồn, Cột cờ Hà Nội chính là một “nhân chứng lịch sử”, một biểu tượng vinh quang và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, theo con số thống kê của Ban quản lý khu di tích Cột cờ - Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, mỗi ngày có 1000 - 2000 du khách đến thăm quan cụm di tích này. Điểm di tích này mở cửa tất cả các ngày trong tuần, trừ hai ngày thứ 2 và thứ 5 đóng cửa để vệ sinh bảo dưỡng.

Đặc biệt, khi đến thăm Cột cờ, du khách còn được thăm quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Đây là một trong những Bảo tàng quốc gia quy mô hàng đầu trong hệ thống bảo tàng quân đội. Hiện, Bảo tàng đang trưng bày và lưu giữ gần 16 vạn hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý, đặc biệt là 2 bảo vật quốc gia (Máy bay MiG21 số hiệu 5121 và xe tăng T54B số hiệu 843)./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Tất Sơn

Cung Thiếu nhi hiện đại bậc nhất Thủ đô

Cung Thiếu nhi hiện đại bậc nhất Thủ đô

Sau gần 3 năm thi công (từ năm 2021 đến năm 2024), Cung Thiếu nhi Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là một trong những công trình văn hóa giáo dục lớn nhất góp phần mang đến không gian phát triển toàn diện cho thiếu nhi Thủ đô. 

Top