Kinh tế

Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản ở Hà Nội

Với sự nỗ lực cũng như các giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, chuỗi liên kết nông sản an toàn ở Hà Nội là động lực để khôi phục cũng như thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô sau dịch COVID - 19.
Dù dịch COVID -19 tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhưng thời gian qua trên địa bàn Tp. Hà Nội, các chuỗi liên kết nông sản vẫn hoạt động ổn định. Ông Vũ Văn Kỳ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, Hợp tác xã vẫn duy trì ổn định sản xuất trong thời gian vừa qua và ở thời điểm hiện tại, các hộ dân đang đẩy mạnh chăm sóc rau, màu bảo đảm cung ứng ra thị trường.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) nhận định, hiện nay, khi dịch COVID -19 bị khống chế, chuỗi thực phẩm Lan Vinh của công ty đang đẩy mạnh việc liên kết với các trang trại chăn nuôi để cung cấp từ 4.000 đến 6.000 con gà/ngày cho các đơn vị đã ký hợp đồng. Việc sản xuất theo chuỗi, không chỉ kiểm soát được dịch bệnh, nguồn gốc mà các doanh nghiệp, người nông dân hoàn toàn có thể yên tâm về đầu ra cũng như giá thành của sản phẩm.

Nhận định, sản xuất theo chuỗi là giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện tại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, ông Tạ Văn Tường phân tích: “Thực tế cho thấy, khi dịch 
COVID -19 diễn biến phức tạp, giá thịt, rau bán ở chợ dân sinh lên xuống thất thường, có lúc tiểu thương lợi dụng dịch bệnh đẩy giá tăng đột biến, nhưng các chuỗi vẫn bán với mức giá ổn định theo hợp đồng đã ký...”.


Tính đến tháng 5/2020, diện tích sản xuất rau an toàn của Hà Nội đạt trên 16 nghìn ha,
hình thành 151 vùng sản xuất rau an toàn tập trung được phân bố đều khắp các huyện ngoại thành. Ảnh: Tất Sơn


Mô hình trồng bưởi của vùng đất Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội.
Đây cũng là loại bưởi trồng theo phương pháp Vietgap- một sản phẩm tiêu biểu OCOP của nông nghiệp Hà Nội. ảnh: Việt Cường


Trang trại nuôi bò theo hướng “tổng hợp sữa - thịt” ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm. Ảnh: Đông Bách


Hà Nội đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Gà Mía Sơn Tây”, “Gà đồi Ba Vì” và “Gà đồi Sóc Sơn”.
Thành phố cũng đã xây dựng dựng được 21 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: VNP


Mô hình trồng rau an toàn tại huyện Thường Tín. Ảnh: VNP


Quy trình sơ chế tại trang trại nấm của công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Kính, Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: VNP


Sản phẩm dưa lê của Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội)
đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp chứng nhận tem mác. Ảnh: VNP


Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội  và Big C tổ chức Hội chợ trưng bày 95 gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu của miền Bắc. Ảnh: VNP

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện thành phố có 138 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phân phối tại 110 siêu thị, hơn 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Trung bình mỗi ngày các chuỗi cung cấp cho thị trường Hà Nội hơn 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt chế biến, 80 tấn sữa tươi và gần 100 tấn rau an toàn... Ở thời điểm hiện tại, khi các nhà hàng, bếp ăn tập thể... hoạt động trở lại, cũng là lúc các chuỗi tập trung gia tăng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết.

Cùng với các giải pháp hỗ trợ của thành phố, các địa phương cũng cần chủ động phát triển các chuỗi thông qua những sản phẩm có thế mạnh, đặc biệt là các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết: Năm 2020,  Đông Anh phấn đấu có 40-45 sản phẩm được thành phố đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Để xây dựng chuỗi từ các nhóm mặt hàng thế mạnh này, huyện đã xây dựng website và gắn tem truy xuất nguồn gốc QRcode cho gần 600 sản phẩm các loại tại 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến. Đây là cơ sở để huyện phân loại cũng như hỗ trợ quảng bá sản phẩm, hình thành kênh phân phối, liên kết đa dạng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào chuỗi hàng hóa…

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sản xuất theo chuỗi được ngành Nông nghiệp xác định là “chìa khóa” để khôi phục cũng như thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành Nông nghiệp cần trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế Thủ đô thì phát triển chuỗi là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, trước mắt, Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư thiết yếu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm (trong 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất) cho các đơn vị khi tham gia sản xuất theo chuỗi; đồng thời hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao.../.

 
Bài: Phong Thu - Ảnh: VNP


Top