Tuồng cung đình Huế là một loại hình kịch hát truyền thống mang tính bác học cao vì từ âm nhạc, lời ca cho đến tích tuồng, cách thức trình diễn đều được biên soạn, dàn dựng và kiểm duyệt công phu, nghiêm ngặt để phục vụ các bậc vua chúa trong cung nhà Nguyễn. Trải qua thời gian, tuồng cung đình Huế dần mai một nhưng may mắn được các nghệ sĩ giàu tâm huyết của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế ra sức bảo tồn và tìm cách chấn hưng loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Tuồng hay còn gọi là hát bộ, hát bội là một loại hình nhạc kịch truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Theo sử sách tuồng có từ thời nhà Trần (khoảng thế kỉ 13) và phát triển cực thịnh vào thời nhà Nguyễn (thế kỉ 19).
Trong tuồng có sự kết hợp của nhiều yếu tố như: ca, múa, âm nhạc, mỹ thuật, văn học...; lối diễn xuất mang nặng tính ước lệ; diễn viên được phục trang và trang điểm cầu kỳ, ấn tượng theo những thể thức riêng; nội dung các vở diễn thường mang âm hưởng hùng tráng, đề cao tinh thần trung quân ái quốc, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa và những bài học luân lí về cách ứng xử theo chuẩn mực đạo đức nho giáo truyền thống. Vì thế, thời phong kiến, đặc biệt là thời nhà Nguyễn, tuồng rất được tầng lớp trí thức, quý tộc, nhất là người trong hoàng cung yêu thích, coi trọng.
Thời nhà Nguyễn ở Huế, tuồng sớm được đưa vào cung để trình diễn phục vụ. Sử sách kể rằng, vua Thành Thái (trị vì 1889 - 1907) đam mê tuồng đến mức không chỉ ban thưởng tiền bạc mà còn phong tước hiệu cho nhiều bậc thầy tuồng giỏi. Thậm chí ông còn được biết đến là vị hoàng đế duy nhất của triều Nguyễn đã từng lên sân khấu diễn tuồng và cũng là một tay trống tuồng tài ba.
Trãi qua hơn một thế kỉ trị vì, nhà Nguyễn đã phát triển nghệ thuật tuồng đạt đến đỉnh cao rực rỡ. Từ một môn nghệ thuật dân gian, tuồng đã được nâng tầm thành một bộ môn nghệ thuật hoàn thiện mang tính bác học cao cả về mặt kịch bản cũng như nghệ thuật biểu diễn, trở thành quốc kịch của một quốc gia.
Dưới triều Minh Mạng (trị vì 1820–1841), vua đã cho xây dựng nhà hát Duyệt Thị Đường, nhà hát đầu tiên được xây dựng trong cung, chủ yếu để diễn các vở tuồng phục vụ cho vua, quan và hoàng thân quốc thích. Đến thời vua Tự Đức (trị vì 1847–1883) nghệ thuật tuồng phát triển tột đỉnh khi vua cho xây thêm nhà hát Minh Khiêm Đường, quy tụ các đào, kép giỏi về đây để tập luyện và biểu diễn, lại cho lập cả một ban chuyên trông coi việc biên soạn, hiệu chỉnh các vở tuồng.
Do chịu sự quản lí chặt của triều đình nên tuồng cung đình Huế khác khá xa so với tuồng dân gian trước đó. Chẳng hạn như tuồng cung đình quy định nghiêm việc kiêng nói huý, tức lời tuồng tuyệt đối không được phạm đến tên nhà vua và hoàng tộc; khi biểu diễn, diễn viên không được nhìn thẳng vào mặt vua, cách chào cũng phải tuân thủ theo cách thức nghiêm ngặt; nhân vật đóng vai vua trên sân khấu phải ngồi chệch, không được ngồi đối diện với vua; diễn viên không được tự ý thêm, bớt hoặc hát sai lời trong kịch bản…
Có thể nói, tuồng cung đình Huế phản ánh rõ nét thế giới quan của xã hội phong kiến nhà Nguyễn, là một đại diện mẫu mực cho trường phái sân khấu cổ điển và là di sản nghệ thuật của dân tộc.
Lịch sử sang trang, kể từ ngày chế độ phong kiến triều đình nhà Nguyễn chấm dứt, trải qua năm tháng, lớp bụi thời gian dần phủ mờ ánh hào quang thuở nào của tuồng cung đình Huế. May mắn thay, các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế hôm nay vẫn âm thầm, bền bĩ vượt qua bao khó khăn, thử thách gìn giữ được vốn quý của ngày xưa để lại.
Dẫu không còn ở vào thời kì hoàng kim như xưa nhưng sân khấu của các nghệ sĩ tuồng cung đình Huế vẫn thỉnh thoảng được sáng đèn để phục vụ công chúng và du khách nên cũng đã phần nào làm sống lại nghệ thuật tuồng cung đình Huế và đem đến cho người xem những suất diễn tràn đầy cảm xúc về một loại hình nghệ thuật từng được xem là “quốc kịch” của Việt Nam.
Đáng quý hơn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế hiện đang ấp ủ nhiều dự định lớn để chấn hưng bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Thời gian gần đây, nhiều vở diễn, trích đoạn tiêu biểu được phục dựng thành công và đã được đưa vào biểu diễn phục vụ công chúng. Nhiều trích đoạn hay còn được khéo léo dàn dựng, lồng ghép vào nhiều chương trình nghệ thuật của các kì Festival Huế như: đêm hoàng cung, lễ mừng năm mới, quảng diễn đường phố... để nghệ thuật tuồng cung đình có thể đến gần hơn với đông đảo công chúng và du khách.
Đặc biệt, tại Tuần lễ Festival Huế mùa hạ 2022 vừa diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên hơn 200 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã tổ chức thành công chương trình quảng diễn giới thiệu nghệ thật tuồng cung đình Huế. Chương trình đã thu hút sự quan tâm theo dõi đặc biệt của du khách và công chúng Huế với nhiều nội dung đặc sắc như lễ cúng tổ nghề tại Thanh Bình từ đường (nơi thờ tổ nghề tuồng cung đình Huế), lễ rước mặt nạ tuồng, quảng diễn nghệ thuật tuồng trên đường phố và trình diễn nhiều trích tuồng hấp dẫn, đặc sắc ở Nghinh Lương đình trước bến Phu Văn Lâu...
Các hoạt động giới thiệu, quảng bá tuồng đầy nhiệt huyết và không biết mệt mỏi của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho thấy khát vọng chấn hưng nghệ thuật tuồng cung đình luôn cháy bỏng trong tim của những người nghệ sĩ tuồng xứ Huế./.
Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Công Đạt, Thanh Hòa