TÒ HE là tên một doanh nghiệp đã được vinh danh vì có những đóng góp tích cực cho cộng đồng và đó cũng là tên của câu chuyện về những con người đang âm thầm khơi dậy, nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo trong tranh vẽ của các cô bé, cậu bé là trẻ em tàn tật, mồ côi, lang thang cơ nhỡ…, những đối tượng luôn nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng xã hội
“Năm 2005, khi tham gia vào hoạt động của một tổ chức phi chính phủ, tôi được đi thăm một bảo tàng ở Barcelona. Ở đó, tôi đọc được câu nói nổi tiếng của danh họa Pablo Picasso trên bức tường, “Tôi chỉ cần bốn năm để có thể vẽ được như Raphael nhưng tôi đã dành cả đời mình để vẽ như một đứa trẻ”. Điều này khẳng định cảm nhận của tôi bấy lâu nay rằng, tranh vẽ của trẻ em thực sự đã và luôn là một chuẩn mực về cái đẹp”, chị Phạm Thị Ngân- Phó Giám đốc Công ty cổ phần TÒ HE chia sẻ với chúng tôi khi được hỏi từ đâu chị có ý tưởng lấy chất liệu chính là tranh vẽ “100% hồn nhiên” của các em để in lên những sản phẩm thời trang và đồ trang trí gia đình như: quần áo, khăn mũ, túi, ví, sổ tay, đồ dùng cho nhà bếp...
Anh Nguyễn Đình Nguyên- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TÒ HE (ngoài cùng, bên phải) hướng dẫn
cách phân biệt và phối màu cho trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Phúc Tuệ. (Ảnh: Trần Thanh Giang).
Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt khi các em hoàn thiện bức tranh của mình. (Ảnh: Trần Thanh Giang).
Phu nhân Thị trưởng London (Vương quốc Anh)- bà Barbara Bear (trang phục áo xanh)
ngắm những sản phẩm in tranh của trẻ em khuyết tật trong một chuyến công tác tại Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu). |
Đây là ý tưởng kinh doanh mới mẻ, lấy chất liệu chính là tranh vẽ của trẻ em tàn tật, cơ nhỡ tại các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, như Trung tâm Phúc Tuệ, trung tâm chăm sóc, phục hồi sức khỏe tâm thần, hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ khuyết tật trí tuệ; Trung tâm Sao Mai, trung tâm phát hiện và can thiệt sớm, chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ.
Từ tinh thần đó, những sản phẩm của Công ty TÒ HE đều dựa trên nền tảng khai thác vẻ đẹp hồn nhiên, màu sắc tự do và trí tượng tượng không giới hạn trong tranh vẽ làm họa tiết trang trí. Với nguyên liệu thân thiện môi trường, thiết kế đơn giản như chính các em cảm nhận cuộc sống, Công ty TÒ HE đã mang lại cho thị trường những sản phẩm độc đáo, thân thiện. Hơn nữa, đây còn là câu chuyện về những sản phẩm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là: sự thiếu thốn trong cuộc sống không thể ảnh hưởng đến tinh thần sống lạc quan, yêu đời, tâm hồn trong sáng, trí tưởng tượng bay bổng cùng ước mơ cao đẹp của các cô bé, cậu bé chịu thiệt thòi trong cuộc sống...
Tranh vẽ in trên áo. (Ảnh: Trần Thanh Giang). |
Tranh vẽ in trên ba lô đi học. (Ảnh: Trần Thanh Giang). |
Tranh vẽ in trên bộ đồ dùng trong bếp.
(Ảnh: Trần Thanh Giang). |
Tranh vẽ in trên túi đựng đồ của Ông già noel.
(Ảnh: Trần Thanh Giang). |
Tranh vẽ in trên túi vải. (Ảnh: Trần Thanh Giang). |
Để có được những bức tranh “100% hồn nhiên” đó, những người quản lý công ty đã kết hợp với các tổ chức tình nguyện khác tổ chức lớp học hướng dẫn sáng tạo (vẽ tranh, xé giấy, nặn…) cho các em tại nhiều trung tâm khuyết tật, mồ côi… Mỗi buổi học là một cơ hội để các em được vui chơi, giao lưu học hỏi, thỏa sức sáng tạo. Sau mỗi buổi học này, tranh vẽ của các em được các nhà thiết kế thời trang và đồ họa chọn lọc, sử dụng in lên sản phẩm. Một nửa kinh phí thu được từ các hoạt động của tổ chức sẽ được trích vào quỹ TÒ HE để hỗ trợ trực tiếp cho các em có nhiều tranh vẽ được sử dụng, chuyển trung tâm khuyết tật trang trải thêm cho cuộc sống hoặc tài trợ các chương trình có mục đích bảo vệ, chăm sóc và giúp đỡ trẻ em thiệt thòi trên cả nước.
Anh Nguyễn Đình Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TÒ HE chia sẻ về mục tiêu phát triển sản phẩm: “Chúng tôi sẽ cố gắng đưa sản phẩm của TÒ HE đến với tất cả mọi người như một nỗ lực gieo trồng sự hồn nhiên, trong sáng và niềm vui trong trẻo của các em. TÒ HE mong muốn đem lại những giá trị nhân văn cao đẹp trong cuộc sống bộn bề no toan ngày hôm nay...".
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang- Tư liệu