Văn hóa

Bus Hà Nội và hành trình 5 năm mở rộng địa giới Thủ đô

Hình ảnh những chiếc xe bus hai màu vàng-đỏ đặc trưng từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô Hà Nội và du khách. Đặc biệt, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, hệ thống xe bus Hà Nội càng trở nên có ý nghĩa trong việc phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân.
Giao thông đô thị luôn là vấn đề bức xúc đối với nhiều thành phố lớn trên thế giới, Thủ đô Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ, nhất là khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (sáp nhập thêm tỉnh Hà Tây, một số địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc và Hoà Bình). Để giải quyết bài toán ách tắc giao thông nội đô, việc phát triển hệ thống xe bus là mối quan tâm hàng đầu và được đặt vào chiến lược phát triển chung của Thành phố.

Đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng đã “vi hành” để kiểm tra chất lượng của các tuyến xe bus. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của xe bus trong giao thông của Hà Nội hiện nay.
 

Hình ảnh chiếc xe bus mang hai màu vàng-đỏ đặc trưng đã trở nên quen thuộc đối với người dân Hà Nội và du khách.


Hiện có khoảng 1.000 điểm dừng, đỗ xe bus ở nội và ngoại thành.


Mỗi ngày có khoảng hơn 10.000 lượt xe bus sẵn sàng phục vụ khách trên các tuyến đường ở Thủ đô.


Ước tính, mỗi ngày Hà Nội có khoảng hơn 1 triệu người đi xe bus,
giúp hạn chế được trên 700 ngàn lượt xe máy tham gia giao thông, giảm đáng kể tình trạng ách tắc ở nội đô.


Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ở các quận, huyện xa trung tâm thành phố,
Transerco đã nâng tổng số tuyến xe bus từ 65 tuyến lên 77 tuyến, phục vụ được khoảng 550 triệu lượt khách/năm.

Anh Đỗ Văn Thuyết, tài xế xe bus tuyến 35 (xe mang biển số 29T-5844) đã có nghĩa cử đẹp
khi trả lại cho hành khách số tài sản lớn gồm nhiều giấy tờ quan trọng và 12,5 triệu đồng bị bỏ quên trên xe.


Những tuyến xe bus vươn dài từ nội đô ra vùng ngoại ô Ba La, Hà Đông (thuộc Hà Tây cũ).


Hoặc đến tận Mê Linh (thuộc Vĩnh Phúc cũ).


Hình ảnh các nhân viên xe bus luôn tận tình, niềm nở phục vụ khách trở thành một nét đẹp thường thấy trên các tuyến xe bus của Hà Nội.

 
Có mặt tại trạm trung chuyển xe bus Cầu Giấy, chúng tôi mới thấy được hết vai trò của xe bus trong đời sống sinh hoạt đi lại hàng ngày của người dân Hà Nội. Từ sáng sớm đến gần đêm khuya, những chiếc xe bus nối đuôi nhau rời bến rồi về bến, những dòng người liên tục lên xuống xe cho thấy sự hối hả trong nhịp sống của một đô thị thời hiện đại.

Tính đến thời điểm hiện nay, vận tải hành khách bằng xe bus được xem là giải pháp tốt cho vấn đề giao thông công cộng của Thành phố. Qua 5 năm mở rộng địa giới, hệ thống xe bus Hà Nội đã cải thiện đáng kể, được người dân quan tâm và tin dùng.

Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới, để tăng cường việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các vùng ngoại ô, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), đơn vị quản lý nhiều tuyến xe bus nhất của Hà Nội, đã cho xây dựng thêm nhiều trạm trung chuyển tại huyện Đông Anh, thị xã Sơn Tây, bến xe Yên Nghĩa, nâng tổng số tuyến xe bus từ 65 tuyến lên 77 tuyến, phục vụ khoảng 550 triệu lượt khách/năm, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân Thủ đô.

Để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, Transerco cũng vừa đưa vào hoạt động 35 xe mới; 100% phương tiện đã được trang bị hệ thống âm thanh thông báo điểm dừng cho hành khách, tổ chức nhiều lớp tập huấn luật giao thông cho gần 2000 công nhân lái xe, nhân viên bán vé; tập trung kiểm tra xử lý các lỗi vi phạm luật giao thông và chấn chỉnh thái độ phục vụ của nhân viên.

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2013, hệ thống xe bus của Transerco đã vận chuyển trên 202,5 triệu lượt khách, chiếm trên 90% lượng khách đi xe bus của toàn thành phố, doanh thu đạt trên 2.042 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch và tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2012.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng Giám đốc Transerco cho biết, để khắc phục tình trạng quá tải khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, Transerco đã và đang triển khai đầu tư cơ sở vật chất để xe bus tiếp cận được tất cả các trung tâm hành chính quận huyện của thành phố, thị trấn và khu đông dân cư. Từ nay đến năm 2015, Transerco sẽ thay thế hơn 400 xe bus cũ, trung bình mỗi năm đầu tư thay thế từ 100-150 xe.

Sở GTVT Hà Nội cũng đang trình UBND Thành phố kế hoạch xây dựng mô hình hệ thống vé xe buýt tự động. Hệ thống này sẽ tích hợp với việc quản lý giám sát hành trình xe buýt (GPS) theo hình thức xã hội hóa. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến lên tới gần 271 tỷ đồng. Đây cũng là một biện pháp để nâng cao chất lượng của vận tải xe bus.

Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020 vận tải hành khách bằng xe bus sẽ đáp ứng 50 - 55% nhu cầu đi lại của nhân dân. Hiện tại, mạng lưới xe bus Hà Nội đang được vận hành bởi 15 đơn vị theo sự quản lý và điều hành chung của Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị. Hà Nội có khoảng 1.000 điểm dừng đỗ ở nội và ngoại thành, phục vụ hơn 10.000 lượt xe/ngày với hơn 1 triệu hành khách, nhờ đó hạn chế được trên 700 ngàn lượt xe máy tham gia giao thông, góp phần đáng kể trong việc giảm ách tắc giao thông ở Hà Nội.
 

Trung tâm quản lý điều động luôn theo dõi, giám sát mọi hoạt động của các tuyến xe bus.


Hộp đen được lắp đặt trên tất cả các xe bus để kiểm soát hành trình và tốc độ của xe nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách.


Các nhân viên xe bus làm thủ tục nhận vé trước khi xuất bến và trả vé thừa sau khi về bến.


Đảm bảo vệ sinh sạch đẹp trên mỗi chuyến xe bus là phương châm phục vụ khách hàng thân thiện của Hà Nội Transreco.


Kiểm tra, bảo dưỡng xe hàng ngày để đảm bảo vận chuyển hành khách an toàn.


Kết thúc một ngày làm việc, đội ngũ kỹ thuật lại tiến hành công việc dọn, rửa xe đến tận đêm khuya.


Những chiếc xe bus được dọn rửa sạch đẹp nằm nối dài trong bãi sẵn sàng cho một ngày mới.


 Và những chiếc xe bus màu vàng-đỏ đặc trưng lại tiếp tục một ngày mới đón đưa khách đi khắp mọi nẻo đường của Hà Nội.

 
Với ưu thế tuyệt đối là an toàn, giá rẻ, đảm bảo sức khoẻ cho người dân, xe bus Hà Nội đang nỗ lực phấn đấu vì một thành phố xanh, sạch đẹp. Xe bus là một phần không thể thiếu trong cuộc sống đời thường ở đô thị và đi xe bus cũng là một trải nghiệm thú vị với mỗi người. Vì vậy, nhiều kênh thông tin, diễn đàn liên quan đến xe bus đã ra đời như “Diễn đàn xe bus Hà Nội”, “Hội những người yêu xe bus”, đường dây nóng bus... với nhiều câu chuyện, phản ánh và chia sẻ thú vị về việc sử dụng xe bus của người dân Thành phố.

Qua 5 năm mở rộng địa giới, hệ thống xe bus Hà Nội đã góp phần đáng kể vào việc giảm ách tắc giao thông, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân mọi nơi, mọi lúc. Những chiếc xe bus đều đặn hàng ngày chở khách trên mọi nẻo đường của Thủ đô đã trở thành một nét đẹp của văn minh đô thị./.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Thông Hải, Thành Trung
 

Dấu ấn Triển lãm Quốc tế quốc phòng Việt Nam 2024

Dấu ấn Triển lãm Quốc tế quốc phòng Việt Nam 2024

Nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đồng thời chia sẻ chính sách, chủ trương xây dựng quân đội và phát triển nền công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam và các nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 từ ngày 19-22/12/2024 tại Sân bay Gia Lâm (đường Nguyễn Sơn, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội).

Top