Chân dung

Bùi An Ninh - nữ đạo diễn phim ca nhạc đầu tiên của Việt Nam

Đạo diễn, NSƯT Bùi An Ninh, là thế hệ đạo diễn đầu tiên của Ban Văn nghệ, Đài truyền hình Việt Nam. Làm việc tại Đài ngay sau khi Đài Truyền Hình Việt Nam thành lập được một năm, bà là một trong bảy người thành lập lên kênh VTV3, góp phần “làm giàu” đời sống tinh thần của người dân Việt Nam những năm đầu thống nhất đất nước. Bà đồng thời cũng  người đầu tiên đem thể loại phim ca nhạc du nhập vào Việt Nam.
Từ hành trình ươm mầm tài năng…

Theo chân bà đến một cuộc họp tổng kểt năm của Chi hội Đối ngoại, Hội Nữ trí thức Việt Nam, tôi tình cờ nghe được trong lời phát biểu của Trần Ly Ly, giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, một nữ đạo diễn tài năng có một đoạn nhắc đến tên bà: “U Ninh, người đã dìu dắt chúng con từ khi còn là những cô bé, cậu bé sinh hoạt ở các cung văn hoá Thành phố”.

Trần Ly Ly là một trong số những nghệ sỹ tài năng hiện nay của Việt Nam đã nhận sự dìu dắt của đạo diễn Bùi An Ninh. Theo như câu nói dí dỏm đầy khiêm tốn của bà: “Những hạt mầm tôi ươm, may mắn, chưa hỏng quả nào”. Quả thật, trong mảnh đất của bà, những hạt mầm đó đều thành “trái thơm, trái ngọt” của nền nghệ thuật Việt Nam. Họ, người thì đang là diva nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam, người đang là những MC, đạo diễn, biên tập nổi tiếng được nhiều khán giả yêu mến. 



Đạo diễn Bùi An Ninh thời trẻ. Ảnh: Tư liệu NVCC



Đạo diễn Bùi An Ninh cùng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu năm 2005. Ảnh: Tư liệu NVCC



Những lúc rảnh rỗi, đạo diễn Bùi An Ninh còn có thú vui vẽ tranh màu nước. Ảnh: Công Đạt



NSƯT, Đạo diễn Bùi An Ninh sinh năm 1948, là con gái cả trong một gia đình cán bộ ở phố Cửa Bắc, Hà Nội. Ảnh: Công Đạt/ VNP

Theo lời chia sẻ của đạo diễn Bùi An Ninh, bà là người may mắn khi được đồng hành cùng những tài năng mà ở họ sức sáng tạo và sự đam mê lớn vô cùng. “Tôi chỉ là người dõi theo và tạo thêm những mảng đất để các tài năng đó được thoả sức sáng tạo. Cảm ơn các bạn đó vì sự dấn thân và không bao giờ bỏ cuộc”, đạo diễn Bùi An Ninh chia sẻ thêm.

Quan điểm trong hành trình ươm mầm tài năng nghệ thuật của Việt Nam của bà, đó là “làm phải sai, sai thì sửa, và sửa thì phải hay hơn”. Chính sự phóng khoáng trong tư duy làm việc, cùng những năng lượng tích cực trong hành trình dấn thân của bà, mà những tài năng nghệ thuật đã có những cơ hội được trải nghiệm, được rèn rũa để hoàn thiện mình. Đó là lý do, bà vẫn luôn được gọi bằng hai chữ gắn gọn “U Ninh” khi gặp lại những người đã từng đi qua hành trình của bà.

Là thế hệ đầu tiên xây dựng những chương trình văn hoá, giải trí cho người Việt, nên chắc chắn không thể thiếu những câu chuyện làm nghề ở những năm đầu đất nước giải phóng. Nhưng rất đặc biệt, những câu chuyện đều luôn lạc quan, dí dỏm và tích cực đúng chất của “U Ninh”. “Chúng tôi làm phim bằng một team nghiệp dư, nghiệp dư quay, nghiệp dư sáng tác, nghiệp dư diễn, chỉ có biên tập là chuyên nghiệp”, đạo diễn Bùi An Ninh nhớ lại những thời khắc làm nghề đầy thú vị. Tuy nhiên, cái đặc biệt của bà khiến các tác phẩm luôn được giới chuyên môn đánh giá cao và khán giả yêu thích đó là: “Chúng tôi luôn khai thác được tất cả điểm mạnh của những người đồng hành cùng ta, trân trọng họ, đánh giá đúng sức lao động, sự sáng tạo của họ, dù là nghiệp dư hay chuyên nghiệp”.

Nguyên tắc quan trọng nữa trong làm nghề, theo đạo diễn Bùi An Ninh đó là, phải luôn tìm được cái gì là đại diện cho mỗi thế hệ, làm chủ trong sáng tạo của mình và không quên luôn làm mới các tác phẩm của mình. Có lẽ chính những nguyên tắc đó đã giúp bà không chỉ có dấu ấn riêng trong hành trình ươm mầm tài năng mà còn luôn sáng tạo, cập nhật những xu hướng giải trí mới trong suốt hành trình làm nghề của mình.

…đến những chương trình giải trí nổi tiếng với nhiều thế hệ người Việt

Những sản phẩm văn hoá giải trí của đạo diễn Bùi An Ninh, phải kể đến đầu tiên có lẽ là dòng phim ca nhạc. Bà được biết đến là người đầu tiên đem dòng phim này của thế giới vào Việt Nam.

Thời gian ở Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam, một trong những đóng góp đáng kể của đạo diễn Bùi An Ninh và các đồng nghiệp quay phim đó là 3 phim truyền hình đoạt 3 giải Vàng qua các cuộc thi Liên hoan phim truyền hình toàn quốc: Tìm em cô ca sĩ (1991), Hoang hôn dang dở (1993), và Giọt mồ hôi rơi trên má mặt trời (1994) với cách thể hiện mới mẻ, sinh động.

Với VTV3, một kênh truyền hình được coi là “thanh xuân” của thế hệ 7x, 8x, đạo diễn Bùi An Ninh là nữ đạo diễn duy nhất trong 7 người sáng lập. Nhắc đến bà, các đồng nghiệp chỉ có một câu “sức làm việc kinh khủng”. Ekip của bà có lúc chỉ có 8 người nhưng phải sản xuất 19 chương trình trong một tuần, 76 chương trình trong một tháng.



Đạo diễn Bùi An Ninh làm việc với các đối tác Tây Ban Nha trong một chương trình về âm nhạc. Ảnh: Tư liệu NVCC 

 

Đạo diễn Bùi An Ninh tác nghiệp ở Anh năm 1999. Ảnh: Tư liệu NVCC


Đạo diễn Bùi An Ninh trang điểm cho diễn viên trong lần làm phim tài liệu về ngành than khoáng sản Việt Nam. Ảnh: Tư liệu NVCC



Đạo diễn Bùi An Ninh làm phim tài liệu về tập đoàn than Việt Nam những năm 1990. Ảnh: Tư liệu NVCC

Đặc biệt, bà cũng là người đem chương trình ca nhạc MTV, một chương trình nổi tiếng với thế hệ khán giả người Việt 7X, 8X. “Để có được một chương trình ca nhạc mới mẻ như MTV lên truyền hình, đó là sự hy sinh của những người trong cuộc”, đạo diễn Bùi An Ninh chia sẻ.

Là chương trình dành cho giới trẻ, làm việc với những người trẻ, bởi vậy tư duy làm việc của bà ngay từ những ngày đầu đó là tin tưởng người trẻ, tạo một môi trường để người trẻ thỏa sức sáng tạo, thể hiện hết tài năng của mình. Đó là lý do, những chương trình mới mà bà đem về luôn có sự thu hút đặc biệt với người trẻ. Bởi nó nói được tiếng nói đại diện cho chính thế hệ đó.

“Bà là một đạo diễn văn minh, một người lính làm nghệ thuật nghiêm túc”, đó là nhận xét của những đồng nghiệp dành cho đạo diễn Bùi An Ninh.

“Cứ làm, làm bằng năng lượng đam mê, năng lượng tích cực nhất của mình. Và đặc biệt luôn tin tưởng ở đồng đội, những người đồng hành cùng mình”, đó cũng là lời nhắn nhủ của bà với thế hệ các đồng nghiệp sau này./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Công Đạt, Tư liệu NVCC

Câu chuyện hiện tượng sân khấu Lệ Ngọc  

Câu chuyện “hiện tượng” sân khấu Lệ Ngọc 

Vài năm trở lại đây, có một sân khấu kịch mà ở đó, mỗi khi có vở diễn mới, khán giá luôn chật kín khán phòng, thậm chí còn cháy vé. Đây là một “hiện tượng” hiếm hoi đối với một sản phẩm văn hóa truyền thống vốn đã đánh mất vị thế, chỗ đứng trong lòng khán giả. Sân khấu Lệ Ngọc (do NSND Lệ Ngọc thành lập), sân khấu xã hội hóa đầu tiên của miền Bắc, đã trở thành điểm sáng cho hy vọng khôi phục một sản phẩm văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc Việt.

Top