Văn hóa

Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển

Tại Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 10 về Biển Đông, nhiều học giả cho rằng việc các nước gia tăng xây dựng lực lượng và quân sự hóa Biển Đông là nguy cơ bất ổn lớn nhất hiện nay. Để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông thời gian tới, các chuyên gia pháp lý tại Hội thảo nhấn mạnh các quy định của luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nghiêm cấm việc đe doạ hoặc sử dụng vũ lực.
Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 10 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” diễn ra trong hai ngày 11 & 12/11 tại Đà Nẵng đã thu hút sự tham gia của 220 đại biểu, trong đó có nhiều học giả uy tín quốc tế và đại diện các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Đánh giá chung về tình hình Biển Đông, các học giả nhất trí cho rằng đây là điểm khởi đầu của những thay đổi lớn lao ở khu vực do nằm ở nơi giao kết giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là điểm trung chuyển từ lục địa Á-Âu ra đến đại dương. Vì thế, tranh chấp Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp và chứa đựng nhiều tầng nấc, và là ví dụ nổi bật nhất về các tranh chấp trong khu vực.

Nhiều học giả cho rằng việc các nước gia tăng xây dựng lực lượng và quân sự hóa Biển Đông là nguy cơ bất ổn lớn nhất hiện nay và đang diễn ra nhanh chóng, không chỉ bởi sự gia tăng hiện diện các lực lượng trên mặt biển, mà cả dưới đáy biển và trên không.


Lễ khai mạc Hội thảo khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 tại Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa


Hội thảo thu hút sự tham gia của 220 đại biểu, trong đó có 89 học giả quốc tế. Ảnh: Thanh Hòa


Hội thảo diễn ra trong hai ngày với 8 phiên thảo luận với nhiều chủ đề khác nhau. Ảnh: Thanh Hòa


Tại Hội thảo lần này, các học giả đã trao đổi, đề xuất nhiều nội dung thảo luận mới,
thể hiện nỗ lực đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông. Ảnh: Thanh Hòa


Xét từ góc độ học thuật, vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề nghiên cứu
thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của giới học giả quốc tế. Ảnh: Thanh Hòa


Khoảng 110 phóng viên đến từ 60 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước theo dõi đưa tin về Hội thảo.
Ảnh: Thanh Hòa

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại việc mở rộng triển khai các cơ sở lưỡng dụng dưới danh nghĩa các công trình dân sự, như đài khí tượng ở Biển Đông.

Tại Hội thảo lần này, một số vấn đề mới nổi có thể ảnh hưởng tới an ninh và trật tự tại Biển Đông cũng được các chuyên gia đưa ra phân tích. Ví dụ như việc các phương tiện không người lái được sử dụng ngày càng nhiều đang làm dấy lên các tranh cãi pháp lý mới. Việc thiếu vắng các chuẩn mực quốc tế trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ này sẽ làm gia tăng nguy cơ gây xung đột trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cạnh tranh tài nguyên biển, như nguồn cá và khai thác tài nguyên dầu khí cũng được nhận định là một nhân tố gây bất ổn và ảnh hưởng tới trật tự trong khu vực.

Bàn về giải pháp xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông thời gian tới, nhiều học giả cho rằng các bên tranh chấp cần xem lại yêu sách của mình, từ bỏ các yêu sách thái quá, không phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; từ đó thu hẹp tranh chấp, tiến tới từng bước giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Các chuyên gia pháp lý tại Hội thảo cũng nhấn mạnh các quy định của luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nghiêm cấm việc đe doạ hoặc sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế.

Về vấn đề đàm phán COC, các học giả ghi nhận trong thời gian qua các bên đã nỗ lực đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, tuy nhiên cũng cảnh báo tiến trình đàm phán COC sẽ mất nhiều thời gian.

Bên cạnh COC, nhiều học giả cho rằng các nước ASEAN cũng có thể chủ động đề xuất các sáng kiến xây dựng các quy tắc ứng xử khác ở Biển Đông, như quy tắc ứng xử phòng chống va chạm không mong muốn ở trên không, hoặc chuẩn mực xử lý vấn đề rác thải nhựa ra biển.

Trước việc một số nước có cách diễn giải khác nhau về UNCLOS 1982, không nhất trí và tuân thủ Phán quyết của Toà trọng tài, một số học giả gợi ý ASEAN nên chủ trì việc mời các nước lớn đối thoại để thống nhất cách giải thích và áp dụng UNCLOS tại Biển Đông, như các quy định liên quan đến quyền tự do hàng hải.


Đại biểu nghiên cứu tài liệu trước phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Hòa


Ông Anton Tsvetov, Giám đốc Dự án, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Nga,
tác giả bài tham luận “Nga và Biển Đông”. Ảnh: Thanh Hòa


GS. Robert Beckman (trái), Giám đốc Chương trình Chính sách và Luật biển, Trung tâm Luật Quốc tế,
Đại học Quốc gia Singapore, người chủ trì phiên thảo luận mang chủ đề “Lập trường và Yêu sách của các bên”. Ảnh: Thanh Hòa


Bà Cleo Paskal, Viện Nghiên cứu Chiến lược Hoàng gia Anh,
tác giả tham luận “Thế phòng ngự chuỗi đảo và tầm quan trọng của Biển Đông”. Ảnh: Thanh Hòa


TS. Patrick Cronin, Trung tâm An ninh Mỹ Mới,
tác giả tham luận “Ngăn chặn cuộc chiến tranh lạnh giữa cường quốc ở Biển Đông”. Ảnh: Thanh Hòa



GS. Carlyle Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng  Úc, trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Thanh Hòa


GS. Robert Beckman (trái), Giám đốc Chương trình Chính sách và Luật biển, Trung tâm Luật Quốc tế,
Đại học Quốc gia Singapore và GS. Raul "Pete" Pedrozo, Trung tâm Nghiên cứu Luật pháp Quốc tế Stockton,
Đại học Hải chiến Mỹ, trao đổi bên lề Hội thảo. Ảnh: Thanh Hòa

Theo PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, xét từ góc độ học thuật, vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề nghiên cứu với nội dung đa dạng, đa ngành và đa chiều, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của giới học giả. Sau 10 kì tổ chức Hội thảo, các học giả đã có thể thảo luận với niềm tin lớn hơn về một hệ thống dựa trên luật lệ; nhiều khía cạnh pháp lý đã trở nên rõ ràng hơn, các học giả có nhận thức chung rằng luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng và thực thi đầy đủ.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng, tại Hội thảo lần này, các học giả đã trao đổi rất sôi nổi, tích cực với nhiều đề xuất nội dung thảo luận mới, thể hiện nỗ lực đóng góp của giới học giả trong và ngoài nước đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông./.
Bài, ảnh: Thanh Hòa

Văn hóa dân gian qua sự sáng tạo của thế hệ gen Z

Văn hóa dân gian qua sự sáng tạo của thế hệ gen Z

Triển lãm “Dân gian trong gen Z” mang tới 39 tác phẩm từ các họa sĩ minh họa thuộc gen Z trên khắp cả nước do Tired City phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức đã mở ra nhiều nguồn cảm hứng cho đông đảo khán giả yêu nghệ thuật trên hành trình tìm hiểu về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Top