Bến Bình Đông là một không gian di sản với các dãy nhà mang đậm nét kiến trúc đặc thù của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam. Nơi đây còn mang dấu ấn của hoạt động kinh tế “trên bến dưới thuyền” một thời cũng như sự giao thoa của văn hóa Đông - Tây rất thu hút du khách khi đến Tp. Hồ Chí Minh.
Ngược thời gian, bến Bình Đông xưa là một phần quan trọng của Chợ Lớn, được hình thành ngay khi người Hoa từ Cù lao Phố (thuộc Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tới đây vào năm 1778. Sau đó, cộng đồng người Hoa đã gây dựng bến Bình Đông dọc theo hai bờ kênh Tàu Hũ trở thành một trung tâm quan trọng của vựa lúa miền Nam với sự kết hợp liên hoàn giữa hệ thống các điểm xay lúa, kho gạo và bến bãi. Bến Bình Đông chính là nơi chứng kiến một giai đoạn thịnh vượng của việc mua bán và xuất khẩu lúa gạo trong suốt lịch sử hơn 300 năm phát triển Sài Gòn - Chợ Lớn.
Theo nhà văn Sơn Nam (1926-2008), người nổi tiếng với các tác phẩm viết về vùng đất phương Nam thì bến Bình Đông nằm từ đoạn cầu Chà Và xuống đến gần đình Bình An, ngày nay thuộc Quận 8 Tp. Hồ Chí Minh. Xung quanh bến là kiến trúc phố với bề ngang hẹp để nhằm tăng số lượng nhà mặt tiền. Người dân ở phố bến Bình Đông từ xưa đến nay đều dùng tầng trệt là cơ sở kinh doanh, tầng trên là nhà ở. Kiến trúc khu phố bến Bình Đông là một tổng thể kết hợp đường nét Đông - Tây bởi phần trang trí mang ảnh hưởng phương Tây với các cây cột được xây bằng gạch, lan can bằng sắt, gờ chỉ làm bằng thạch cao hoặc vôi.
Bến Bình Đông là một không gian di sản nằm bên kênh Tàu Hũ và đại lộ Võ Văn Kiệt.
Dãy nhà kho chứa gạo của bến Bình Đông bên kênh Tàu Hũ.
Bến Bình Đông thơ mộng về đêm.
Dãy nhà mang đậm nét kiến trúc đặc thù của cộng đồng người Hoa trên bến Bình Đông.
Cầu đi bộ ngang qua kênh Tàu Hũ phục vụ du khách và người dân đi dạo và ngắm cảnh bến Bình Đông.
Một góc bến Bình Đông.
Vẫn còn đó hình ảnh đặc trưng trên bến dưới thuyền ở bến Bình Đông.
Những hàng hoa, cây kiểng trên bến Bình Đông.
Khu vực buôn bán sầm uất ven bến Bình Đông.
Ghe xuồng qua lại trên bến Bình Đông.
Bến Bình Đông hiện là không gian di sản đang được chính quyền và người dân Tp. Hồ Chí Minh gìn giữ.
Chùa cổ của người Hoa ở bến Bình Đông. |
Trước đây, kênh Tàu Hủ gắn với bến Bình Đông còn được mệnh danh là “con đường lúa gạo” bởi các nhà máy xay xát lúa gạo hoạt động sầm uất, thuyền bè từ các tỉnh ra vào tấp nập buôn bán. Hiện tại, không gian của bến Bình Đông vẫn đang được giữ gìn với hình ảnh truyền thống song song với không gian đô thị hiện đại. Bến Bình Đông vẫn còn đó các ghe lớn neo đậu tập kết hàng để vận chuyển đến khắp các tỉnh miền Tây. Đặc biệt, đêm đến khi lên đèn, bến Bình Đông với tổng thể kiến trúc cổ của dãy mặt tiền nhà và dãy nhà kho nối dài trở nên lung linh kỳ ảo, yên bình soi bóng xuống dòng kênh Tàu Hũ đã được cải tạo sạch đẹp.
Người dân thành phố và nhất là du khách quốc tế thường ra đây đi dạo, hóng mát và chụp ảnh kỷ niệm. Bến Bình Đông cũng là chợ hoa Tết nổi tiếng với hàng trăm loại hoa đua nhau khoe sắc trong khung cảnh đặc trưng “trên bến dưới thuyền”, làm nên một nét văn hóa đặc sắc, duyên dáng trong những ngày giáp Tết ở Tp. Hồ Chí Minh./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh