Kinh tế

30 năm thu hút FDI: Nhìn lại để bước tiếp

Sau 30 năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất trong khu vực.
Là nhân chứng cho thời kỳ đầu của đất nước tiếp nhận nguồn vốn FDI, Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (VAFIE) cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào cuối năm 1987, để kịp thời tiếp nhận nguồn vốn quốc tế, đầu năm 1988 Chính phủ đã giao cho Bộ Kinh tế Đối ngoại nhiệm vụ thẩm định và cấp phép dự án FDI.

“Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được xây dựng dựa trên sự học hỏi kinh nghiệm 18 luật đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác. Chỉ học hỏi cái hay, nên Luật của Việt Nam hấp dẫn”. ông Nguyễn Mại cho biết.

Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên, khi Luật Đầu tư nước ngoài mới ban hành, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam còn rất ít. Chỉ trong hơn 2 năm, kể từ năm 1988 đến tháng 5/1990, chỉ có 213 giấy phép đầu tư được cấp, với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD.

Khi ấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam còn dè dặt, bởi công cuộc Đổi mới của Việt Nam mới chập chững những bước đi đầu tiên.



Khu công nghiệp Phú Nghĩa đã đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại. Ảnh: VNP


Nhờ sự chuyển giao công nghệ hiện đại, máy móc đang dần thay thế sức người tại các Khu công nghiệp
Công nghệ cao tại Việt Nam. Ảnh: VNP


Những dây chuyền sản xuất hiện đại đang làm thay đổi, tạo lên diện mạo mới
ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: VNP


Bình Dương đang là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Ảnh: TTXVN


Nghiên cứu phát triển sản phẩm tại Khu công nghiệp Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: VNP


Dây chuyển sản xuấy xe máy Vespa tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: VNP


Dây chuyền sản xuất ô tô Hyundai Thành Công ở Ninh BÌnh. Ảnh: VNP


Nhờ có vốn đầu tư FDI, ngành giầy da Việt Nam đã được trang bị nhiều máy móc hiện đại, công xuất lớn. Ảnh: VNP


Dây chuyền chế biến hải sản tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VNP

 

Bắt đầu đến năm 1991, một làn sóng đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam. Theo đó, chỉ trong vòng 7 năm, đã có hơn 2200 dự án đăng ký đầu tư vào Việt Nam, với hơn 16 tỷ USD vốn đăng ký và hơn 12 tỷ USD vốn thực hiện. Trong đó, chỉ riêng năm 1997, vốn thực hiện đã đạt hơn 3 tỷ USD, gấp 9,5 lần năm 1991.

Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông...

Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp FDI còn góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong  nước.


Từ năm 1988 đến tháng 8/2018, 63 tỉnh, thành phố của cả nước thu hút hơn 2600 dự án FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 333 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt hơn183 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Đối với những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, đóng góp của khu vực này còn lớn hơn nhiều, làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của từng tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển và kinh doanh có hiệu quả cao.
Đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam, trong một chuyến thăm và làm việc với các đối tác Việt Nam gần đây, ông Kuniharu Nakamura đồng Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế Nhật-Việt của Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) cho biết, đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn bởi có dân số đông, là cửa ngõ tiếp nối với ASEAN, chính trị xã hội ổn định, bền vững. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được sang Việt Nam đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Xu hướng của dòng vốn toàn cầu đang tiếp tục diễn ra. Xu hướng này cho thấy đối với Việt Nam trong giai đoạn tới, với sự chỉ đạo, điều hành của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân, Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút FDI.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chính sách thu hút FDI của Việt Nam khá thuận lợi, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới có chính sách đầu tư không nhất quán, liên tục “đóng-mở,” thì Việt Nam luôn duy trì chính sách “cởi mở” trong thu hút đầu tư. Đây là một trong những “điểm cộng” quan trọng giúp Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thế giới.

“Việt Nam phải tập trung ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao của các tập đoàn xuyên quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ thông tin và các lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế so sánh” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Bằng những nỗ lực không ngừng trong cải cách của Chính phủ, sự thân thiện cởi mở của người dân Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng rằng với chính sách cởi mở của Việt Nam, trong thời gian tới, các doanh nghiệp đã đầu tư tiếp tục mở rộng đầu tư và phát huy hiệu quả, ngày càng phát triển. Những nhà đầu tư chưa có dự án đầu tư, nhanh chóng tìm cơ hội đầu tư, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mình, tham gia đóng góp phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam./.

 
Bài: VNP tổng hợp  - Ảnh: VNP, TTXVN

   HONECO và hành trình viết tên mật ong Việt Nam ra thế giới

HONECO và hành trình viết tên mật ong Việt Nam ra thế giới

Hơn 20 năm xây dựng, phát triển nghề nuôi ong tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo (HONECO) đã cùng các sản phẩm dược liệu từ mật ong “made in Việt Nam” đến với nhiều quốc gia trên thế giới. Con đường và hành trình HONECO viết tên mật ong trên bản đồ quốc tế bắt đầu từ thông điệp “Tinh tế từ thiên nhiên”.

Top