Đời sống Việt

Tây Phương cổ tự

Nằm trên núi Câu Lậu ở thôn Yên Sơn, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội), chùa Tây Phương không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng vùng Bắc Bộ mà còn lưu giữ nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của nền văn hóa lâu đời xứ Đoài.
Theo những thư tịch cổ thì chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ III, đến thế kỷ thứ IX. Đến giữa thế kỷ XVI (năm Giáp Dần đời vua Lê Trang Tông 1554) chùa được dựng lại theo quy mô như hiện nay.

Chùa Tây Phương tên chữ là Sùng Phúc Tự. Từ chân núi, phải trải qua 239 bậc lát đá ong thì mới đến đỉnh núi và cổng chùa. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau gồm có chùa: Chùa Hạ, chùa Trung, Chùa Thượng.



Từ chân núi, du khách sẽ trải qua 239 bậc lát đá ong thì sẽ đến đỉnh núi và cổng chùa. Ảnh: Tất Sơn


Chùa Tây Phương được thiết kế theo kiến trúc cổ kính đặc biệt với 3 lớp nhà chính
làm cách nhau thành hình chữ tam, ngoài xây tường liền theo hình chữ công. Ảnh: Tất Sơn



Giếng trời kết nối ba lớp nhà chính. Ảnh: Tất Sơn


Mái đao cong có gắn tứ linh bằng sành nung rất tinh xảo, thanh thoát. Ảnh: Trịnh Bộ



Những thanh gỗ đỡ mái chùa được chạm khắc tinh tế. Ảnh: Tất Sơn



Phần đế cột của chùa là phiến đá xanh khắc hình hoa sen. Ảnh: Tất Sơn



Mái chùa được trang trí bằng những bức tranh gỗ đục đẽo tinh xảo. Ảnh: Tất Sơn

Chùa được thiết kế theo kiến trúc cổ kính đặc biệt có 3 lớp nhà chính làm cách nhau thành hình chữ tam, ngoài xây tường liền theo hình chữ công. Mỗi lớp nhà có hai tầng tám mái lợp bằng ngói mũi hài. Các góc mái cong có gắn tứ linh bằng sành nung rất tinh xảo, thanh thoát. Đặc biệt mái chùa Tây Phương có những góc đao cong vút lên, cấu tạo theo kiểu hai lớp, hình thành một không gian rộng và thoáng đãng.

Chùa Tây Phương là ngôi chùa thể hiện rõ nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng dưới bàn tay thợ tài hoa của các nghệ nhân làng mộc truyền thống và lâu đời Chàng Sơn của xứ Đoài.

Đến Tây Phương cổ tự du khách còn có thể chiêm ngưỡng 62 pho tượng lớn, nhỏ phần lớn tạc bằng gỗ mít, ngoài phủ sơn son thiếp vàng. Mỗi pho tượng đều mang một tính cách điển hình riêng biệt như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp, cao chừng 3 m, trang nghiêm phúc hậu, có niên đại cuối thế kỷ 18.

Đặc biệt hơn cả là 16 pho tượng La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau ở hai bên tường lâu của thượng điện, mỗi vị là một nỗi khổ, cử chỉ, dáng điệu riêng thể hiện những tính cách khác nhau khá sinh động và hiếm thấy trong nghệ thuật điêu khắc cổ.



Một trong hai pho tượng Kim Cương có chiều cao khoảng 3m được chạm khắc tinh tế. Ảnh: Tất Sơn



Một pho tượng cổ chùa Tây Phương với niên đại khoảng trên 300 năm. Ảnh: Tất Sơn


Những pho tượng Phật cổ có niên đại hơn 300 năm tuổi ở trung đường chùa Tây Phương. Ảnh: Tất Sơn



Những pho tượng của các vị La Hán được đặt ở hậu đường chùa Tây Phương. Ảnh: Tất Sơn


Du khách  thập phương  đến vãn cảnh chùa Tây Phương vào ngày lễ, ngày rằm. Ảnh: Trịnh Bộ

 

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Tất Sơn, Trịnh Bộ

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Thay vì những không gian thưởng thức cà phê đường phố ồn ào, náo nhiệt như thường thấy thì giờ đây mô hình những quán cà phê mang phong cách đồng quê đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng vì ở đó người ta tìm thấy sự thư giãn bình yên, một liệu pháp chữa lành chứng quá tải của đời sống đô thị thời hiện đại. Và đó chính là sự thú vị mà Chic Chillax, một không gian thưởng thức cà phê mang đậm phong vị đồng quê xứ Quảng mà nhiều người khó có thể bỏ qua khi đến với phố cổ Hội An.

Top